Tìm kiếm cơ hội thương mại tại CHDC Congo: Tiến về… quá khứ

Nếu nói về cơ hội đầu tư ở một đất nước vừa mở cửa, hội nhập với thế giới, khi đến Congo, các doanh nhân Việt sẽ có cảm giác như đang trên một con tàu chạy ngược dòng thời gian. Họ sẽ bắt gặp chính mình mà không còn phải thốt lên những từ “nếu, giá như” nữa.

Bóng dáng Việt Nam thời chưa xa

Nhiều người còn luyến tiếc khi nhớ lại những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước tại Việt Nam. Họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để thành đạt, để trở thành đại gia. Những cơ hội chỉ xuất hiện trong thời kỳ chuyển tiếp đó.

Thế nhưng, dường như lịch sử đang lặp lại, những cơ hội có một không hai trong cuộc đời tương tự như vậy đang diễn ra ngay lúc này, thời điểm này và chỉ là… ở nơi khác: Châu Phi.

CHDC Congo
Congo của tương lai hứa hẹn và hiện thực mỗi ngày. (Ảnh từ internet)

Thật vậy, Châu Phi đang thay đổi, đang phải thay đổi và tại CHDC Congo dường như đang lặp lại rất nhiều hoàn cảnh, cơ hội không khác gì ở Việt Nam 30 - 40 năm trước. Điều khác biệt chỉ là người dân địa phương ở đây là người Congo, nói tiếng Lingala, khác với người Việt Nam nói tiếng Việt.

Lịch sử Congo cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. CHDC Congo (Công lớn) cũng vừa được hưởng “hòa bình” trong thời gian chưa tới 10 năm và vẫn còn tình trạng phiến quân gây nhiễu ở những vùng biên giới, khu hẻo lánh xa xôi.

Congo với diện tích lớn gấp 9 lần diện tích Việt Nam, dân số năm 2021 khoảng 106 triệu, từng là thuộc địa của Bỉ cho tới khi giành độc lập những năm 60. Tiếng Pháp là ngôn ngữ hành chính nhưng không phải ai cũng biết tiếng Pháp. Ngôn ngữ của những người dân bình thường ở đây là tiếng Lingala.

Thời kỳ chiến tranh lạnh, Congo lớn chịu ảnh hưởng của khối Mỹ, Pháp, Bỉ làm đối trọng với Congo nhỏ (CH Congo, gần 6 triệu dân) nghiêng về bên Liên Xô. Hai nước Congo chỉ cách nhau một bờ sông Congo (Kinshasa và Brazzaville là hai thủ đô gần nhau nhất trên thế giới) và cùng nói chung tiếng Pháp nhưng luôn là hai nước khác nhau từ lúc ra đời. Ngày nay, người dân hai nước vẫn cần giấy phép (một dạng thẻ thông hành, một hình thức đơn giản của visa nội bộ) để đi lại giữa hai nước!

Được nghe nói rất nhiều về so sánh Congo lớn và Việt Nam cách đây 30 năm nhưng phải có mặt tận nơi chúng tôi mới cảm nhận được sự so sánh đó như thế nào.

Rất giống Việt Nam 30 - 40 năm trước vì Congo vừa mới bước vào thời kỳ yên ổn, không nội chiến nên đất nước phát triển nhanh và rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu đủ mọi nhu yếu phẩm thiết yếu: Từ lương thực thực phẩm, đồ gia dụng, đến các phương tiện sản xuất (dụng cụ nông nghiệp, máy móc bán cơ khí, cơ khí….).  Dân số tăng nhanh và một thế hệ dân số vàng đã xuất hiện (tới hơn 70% là người dưới 22 tuổi).

Nghèo đói trên đống vàng

Ở đây đang diễn ra nghịch lý rất lớn. Đất nước Congo thiếu đủ mọi thứ dù đang ngồi trên những tài nguyên khoáng sản quý, giá trị nhất. Congo được đánh giá có nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác lớn nhất thế giới. Ở Congo, vàng và kim cương đứng tận hàng thứ 3 và 4. Khoáng sản chiến lược quan trọng nhất là Colbalt, sau đó là đồng.

Hơn thế, Congo đang vẫn còn sở hữu diện tích rừng nguyên sinh lớn thứ hai thế giới (chỉ sau khu rừng Amazon của Châu Mỹ La tinh), diện tích rừng lớn nhất Châu Phi. Rừng nguyên sinh của Congo được coi là lá phổi thứ hai của thế giới.

Diện tích lớn, tài nguyên khoáng sản giàu có, đất đai màu mỡ nhưng chưa được canh tác nhiều (điều lạ là phần lớn đất đai bị bỏ không trong khi thực phẩm nhập khẩu là chủ yếu). Nạn đói vẫn đồng hành với rất nhiều người dân Congo. Đa số các sản phẩm thiết yếu khác cũng đều phụ thuộc vào nhập khẩu, các ngành sản xuất gần như không phát triển.

cơ hội
Tắc đường ư? Còn khủng khiếp hơn ở Việt Nam (Ảnh Lê Nam).

Toàn bộ hệ thống hạ tầng, giao thông cũ và xuống cấp nghiêm trọng (ngay trong thủ đô Kinshasa) và có vẻ như không ai có kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới. Những tuyến đường sắt cũ gần như bỏ vì không có tàu và hệ thống vận hành.

Xe ô tô đủ loại, từ xe sang trọng nhất đến những chiếc xe rất cũ, bẹp dúm dó, tay lái bên phải cũng như bên trái, tất cả cùng chen chúc trên những con đường cũ, nát và đầy ổ gà ngay tại thủ đô. Nếu nạn kẹt đường ở Việt Nam đã là khủng khiếp thì có thể vẫn còn là khá “xịn” khi so sánh với tình trạng tắc đường ở đây.

Tắc đường ư? Còn khủng khiếp hơn ở Việt Nam (Ảnh Lê Nam).
Tắc đường ư? Còn khủng khiếp hơn ở Việt Nam (Ảnh Lê Nam).

Sân bay quốc tế (và nội địa) duy nhất ở Thủ đô Kinshasa là hình ảnh nói lên rất nhiều về cơ sở hạ tầng của Congo. Congo có hãng hàng không quốc gia nhưng không hoạt động vì không có máy bay (một cơ hội tuyệt vời cho những công ty đang đợi giấy phép chen vào thị trường hàng không chật chội tại Việt Nam)!? Hãng hàng không quốc gia Congo đang trên bờ vực phá sản, cả nước chỉ có một công ty hàng không nhỏ của người Ấn Độ và duy nhất một công ty khác có giấy phép khai thác nhưng đang tìm kiếm máy bay để thuê.

Dịch vụ viễn thông, internet đắt đỏ và đa số các gói dịch vụ đều là trả trước?! Nói ngắn gọn, một Congo đang rất cần mọi thứ, thiếu mọi thứ, đặc biệt rất cần “cần câu - phương tiện” để đi lên. Trong thời gian 5 - 10 năm tới, có thể bán mọi thứ, sản xuất mọi thứ, trồng mọi thứ… ở đây để phục vụ cho chính nhu cầu nội địa, của người dân trong nước.

Mức lương của người lao động đang rất thấp so với nhiều nơi khác. Lương trung bình của lao động phổ thông dưới 100 USD/tháng. Thợ hàn có tay nghề, kế toán… có thể được trả tới mức 180 - 200/tháng. Mức lương tối thiểu chính thức năm 2021 của Congo là 7.015 CDF / ngày (3,46 USD/ngày)

Một góc khu phố cổ ở Thủ đô Kinshasa (Ảnh Lê Nam).
Một góc khu phố cổ ở Thủ đô Kinshasa (Ảnh Lê Nam).

Giá đất vẫn còn đang rất hấp dẫn, nhưng xây nhà xong thì giá nhà trở nên vô cùng đắt. Lý do vì giá thành xây dựng quá cao, gấp gần 3 lần giá xây dựng trung bình tại Việt Nam. Đa số vật liệu xây dựng (trừ đá, cát) đều dựa vào nhập khẩu. Giá xi măng gấp 3 lần giá xi măng tại Việt Nam: 21.210 CDF (10,5 USD) /bao 50kg (210 USD, gần 5 triệu VND/tấn). Các chủ nhà máy xi măng ở Việt Nam sẽ phải khóc và ghen tị khi biết điều này vì họ đang càng sản xuất càng lỗ. Giá sản xuất trung bình ở Việt Nam trong khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán ra trên thị trường chỉ khoảng từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn.

Giá cả như vậy nhưng chỉ có một số rất nhỏ các nhà máy sản xuất nên không đủ đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng và Chính phủ Congo buộc phải chấp nhận khuyến khích miễn thuế nhập khẩu cho mặt hàng xi măng.

Nhưng…

Và phải có rất nhiều chữ “nhưng” ở đây vì nếu không cả thế giới đã đổ đến Congo kiếm tiền, làm giàu chứ không phải chỉ người Trung Quốc hay những cộng đồng Liban, Ấn Độ…- những ông chủ thật sự ở Congo.

Trước hết, hệ thống hành chính, quản lý đang được xây dựng, hình thành và hoàn thiện. Tính quan liêu cao, chồng chéo, ít rõ ràng và dễ xảy ra tình trạng không rõ ai có thẩm quyền gì. Nói cách khác, ai cũng có “quyền” để “hành” bạn là “chính”. Trong một hoàn cảnh, môi trường như vậy thì chuyện “hối lộ” là không tránh khỏi và có phần “lộ liễu” công khai.

Môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải sinh hoạt (Ảnh Lê Nam).
Môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải sinh hoạt (Ảnh Lê Nam).

Khó khăn tiếp theo là hệ thống hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng đang rất kém và xuống cấp mỗi ngày. Các bạn sẽ phải tính đến vấn đề thời gian, chi phí tiền bạc cho vấn đề giao thông vận tải để bảo đảm hoạt động kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, cũng chính đó là cơ hội rất lớn vì “khó” cho tất cả” và ai vượt qua, giải quyết hợp lý sẽ là người đạt kết quả tốt nhất. Giao thông vận tải kém, hệ thống hành chính phức tạp ít hiệu quả dẫn đến việc lưu thông hàng hóa khó khăn và người khổ nhiều nhất là người dân, khách hàng. Hàng hóa luôn không đủ hay giá rất cao.

Theo thống kê, giá hàng hóa và chi phí nói chung tại Thủ đô Kinshasa của Congo gấp gần 1,42 lần giá tại thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ, thành phố New York.

Để so sánh, mỗi kg gạo (ở đây là mặt hàng xa xỉ của người giàu) giá ít nhất 2 USD, mì gói (ăn rất không ngon) giá ít nhất từ 0.4 - 0.9 USD, 1 kg thịt bò ngoài chợ (thấp hơn trong siêu thị nhiều, bằng khoảng 50% giá siêu thị) giá không dưới 10 USD, giá thịt lợn ngoài chợ từ 8 - 10 USD/kg, giá taxi trung bình khoảng 2 USD/km và phần lớn xe taxi đã rất cũ v.v. Mỗi lần đi chợ, các bạn sẽ tiêu hàng trăm USD mà không mua được nhiều hàng hóa lắm.

Theo đánh giá của những người Congo chúng tôi biết và đã được tiếp xúc với các sản phẩm Việt Nam, phần lớn tất cả các loại thực phẩm của Việt Nam (trong đó có nhiều loại đang thường xuyên phải giải cứu hay đang cạnh tranh giá từng xu) đều có thể tiêu thụ dễ với giá rất hấp dẫn tại thị trường Congo, đặc biệt ngay tại Thủ đo Kinshasa của 16 triệu dân này.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là rào cản tâm lý, nỗi lo an toàn, rủi ro. Cùng với rất nhiều những trường hợp lừa đảo đã xảy ra với một số DN Việt Nam từng đặt chân lên Châu Phi (không phải Congo) thì hình ảnh trên truyền thông của Congo cũng làm nhiều người chưa yên tâm. Đó là điều không ít các công ty của Liban (lĩnh vực siêu thị, nhà hàng, phân phối), Ấn Độ (khai thác mỏ, xây dựng, siêu thị) và Trung Quốc (khai thác mỏ, xây dựng, sản xuất)… đang ăn nên làm ra ở đây mong muốn duy trì, để người khác đến và bỏ đi, nhường lại thị trường béo bở này cho họ.

Cơ hội cho các DN Việt Nam

Trước hết, tên “Việt Nam” đang rất tốt, có uy tín tại đây.  Có thể theo thời gian cùng với số lượng lớn các công ty Việt Nam đến đây, điều này sẽ thay đổi, nhưng hiện tại thương hiệu “Việt Nam” đang là một giá trị không hề nhỏ.

Một đoàn DN Việt Nam đi vào rừng nguyên sinh khảo sát. Nhiều người dân địa phương tưởng là người Trung Quốc liền xông vào định bẻ gương xe, một anh trong đoàn vội kêu lên: “Chinos Te /Không phải Trung Quốc/, Vietnam”. Ngay lập tức nhóm dân địa phương dừng lại, và thậm còn cố gắng nắn lại gương xe cho đúng vị trí ban đầu.

Cũng như ở mọi nơi, hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn vào (tất nhiên ở đây bán với giá cắt cổ) nhưng chất lượng không phù hợp đã gây ấn tượng tiêu cực nói chung. Do có vẻ bề ngoài giống người Trung Quốc, đôi khi người Việt Nam cũng bị “vạ lây” như câu chuyện kể ở trên.

Một góc bờ biển Picasso Beach gần Thủ đô Kinshasa. (Ảnh Lê Nam)
Một góc bờ biển Picasso Beach gần Thủ đô Kinshasa. (Ảnh Lê Nam)

Cơ hội lớn nhất là các công ty Việt Nam vừa đi lên từ môi trường rất giống Congo ngày nay nên toàn bộ kinh nghiệm, tầm nhìn và cả quá trình phát triển của công ty, của xã hội còn mới như hôm qua. Chúng ta, các công ty làm thật, sẽ hiểu rất nhanh cơ hội, thách thức và những gì cần làm trong môi trường như thế này để thành công. Đó là điều những công ty từ các nước phát triển như Mỹ, Canada hay Châu Âu sẽ khó hiểu, hòa nhập và cả chấp nhận.

Một Congo đang rất cần mọi thứ, thiếu mọi thứ, đặc biệt rất cần “cần câu - phương tiện” để đi lên. Trong thời gian 5-10 năm tới, có thể bán mọi thứ, sản xuất mọi thứ, trồng mọi thứ… ở đây để phục vụ cho chính nhu cầu nội địa, của người dân trong nước.

Bài và ảnh: Lê Nam

Có thể bạn quan tâm