Trung Quốc: Doanh thu rạp phim liên tục lập kỷ lục mới bất chấp thời điểm kinh tế khó khăn

Nền kinh tế Trung Quốc có thể đang trong tình trạng trì trệ, nhưng các rạp chiếu phim địa phương lại liên tục đạt được những kỷ lục trong vài tháng qua khi người dân đổ xô đi xem các bộ phim nội địa…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
TQ.jpg

Theo dữ liệu từ Dengta và Maoyan, hai ứng dụng theo dõi phòng vé lớn của Trung Quốc, doanh thu phòng vé đạt tổng cộng 23,44 tỷ nhân dân tệ (3,2 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, con số cao nhất được ghi nhận trong lịch sử giai đoạn.

Cụ thể trong đó, vào 3 tháng cao điểm truyền thống (từ tháng 6 đến tháng 8), doanh thu phòng vé tăng vọt lên mức kỷ lục 20,6 nhân dân tệ (2,8 tỷ USD), phá vỡ mức cao nhất ghi nhận vào mùa hè năm 2019 là 17,8 tỷ nhân dân tệ (2,4 tỷ USD).

ĐIỂM SÁNG HIẾM HOI CỦA NỀN KINH TẾ

Kỷ lục phòng vé là điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang dần mất đà sau đợt phục hồi ấn tượng ban đầu khi nước này chính thức mở cửa trở lại.

Các nhà phân tích cho biết lịch sử cho thấy phim ảnh có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ kinh tế khó khăn, vì chúng giúp người xem giải toả căng thẳng với một mức giá tương đối nhỏ.

GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong quý 2 so với 3 tháng trước đó. Thị trường bất động sản - nơi các hộ gia đình Trung Quốc cất giữ 80% tài sản của mình - tiếp tục suy thoái. Và mọi người dân đang tích trữ tiền mặt trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng tăng về tương lai. Ông Rosen đã chỉ ra sự tương đồng giữa tình hình ở Trung Quốc hiện nay và Mỹ trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930, khi người Mỹ dù gặp khó khăn về tài chính, nhưng doanh thu phòng vé lại vượt trội.

Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Viện Mỹ-Trung của USC, cho biết: “Tiêu dùng đối với những mặt hàng giá trị đang giảm mạnh ở Trung Quốc. Trong khi đó, những khoản chi nhỏ cho hoạt động giải trí và dịch vụ lại tăng đều đặn”.

Trong khi “Barbie” và “Oppenheimer” thống trị phòng vé toàn cầu trong những tháng gần đây, thì tại Trung Quốc những bộ phim ăn khách nhất đều là “cây nhà lá vườn”, điển hình như “No More Bets”, “Lost in the Stars” và “Creation of the Gods I: Kingdom of Storms”.

Perry Peng, trợ lý phòng tranh 23 tuổi ở Thượng Hải, là một người mê điện ảnh, chia sẻ với CNN rằng cô khá bất ngờ với chất lượng phim nội địa mà cô đã thưởng thức trong mùa hè qua. “Đã lâu rồi tôi chưa được xem những bộ phim nội địa xuất sắc như vậy. Chúng thật sự rất hay”.

Peng nhận xét, thế hệ của cô, những người sinh sau năm 2000, đang ngày càng trở thành lực lượng tiêu dùng chính của đất nước. Và đã có sự thay đổi về mặt hàng và phương thức họ tiêu tiền. “Quả thực thế hệ chúng tôi muốn sống trong hiện tại mà không phải quá lo nghĩ về tương lai. Một số người thậm chí còn chẳng muốn thanh toán an sinh xã hội. Chúng tôi chỉ muốn tận hưởng cuộc sống khi có thể và nắm bắt từng ngày”, Peng giải thích.

Theo đánh giá của giáo sư Xuguang Chen tại Trường Nghệ thuật thuộc Đại học Bắc Kinh, khi nền kinh tế đang gặp khó khăn thì nhìn từ quan điểm của người tiêu dùng, đi xem phim là một loại hình giải trí phù hợp hơn với nhiều đối tượng khán giả có thu nhập thấp và trung bình.

Chất lượng và sự đa dạng của các bộ phim được cung cấp trong mùa hè này cũng là là một yếu tố cải thiện giúp ích cho sự tăng trưởng của doanh thu. “No More Bets” - bộ phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất 3,52 tỷ nhân dân tệ (480 triệu USD) về chủ đề chống gian lận - gây được tiếng vang với khán giả có thu nhập thấp.

ĐỐI TƯỢNG KHÁN GIẢ CHÍNH GÂY BẤT NGỜ

Theo thống kê trích dẫn từ dữ liệu của Dengta và Maoyan, trong số hơn 570 triệu người đã mua vé xem phim trong 4 tháng qua tại Trung Quốc thì hầu hết lại là nữ giới.

230724153935-02-china-barbie-movie-feminism.jpg

Sự bùng nổ trong doanh thu phòng vé xem phim gần đây của Trung Quốc được thúc đẩy bởi phụ nữ là điều đáng ngạc nhiên, bởi nước này từ lâu đã ghi nhận tình trạng mất cân bằng giới tính với tỷ lệ nam so với nữ là 104,7 trên 100, theo thống kê năm 2022.

Đối với năm bộ phim hàng đầu, 61% người xem là phụ nữ, tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận, theo Dengta, công ty được Alibaba hậu thuẫn. Khoảng một nửa số người xem ở độ tuổi từ 20 đến 29.

Bộ phim có tỷ lệ người xem là phụ nữ cao nhất - 67% - là “Lost in the Stars” mang thông điệp nữ quyền và phản ánh các sự kiện trong đời thực.

Kevin Tran, nhà phân tích cấp cao tại Morning Consult, viết trong một báo cáo vào tháng trước: “Đàn ông có thể đông hơn phụ nữ ở Trung Quốc, nhưng sức chi tiêu ngày càng tăng của phụ nữ phán ảnh xu hướng và tâm lý chịu chi hơn cho các hoạt động cá nhân của nữ giới”.

“Với việc Hollywood đang nỗ lực giành lại vị thế thống trị phòng vé ở Trung Quốc mà họ từng dựa vào trước đây, các hãng phim sẽ được hưởng lợi từ việc thu hút thêm nhiều khán giả là nữ giới”, ông Tran nói thêm.

23100627.jpg

Giống như em gái Perry, chuyên viên tài chính Peny Peng cho biết đi xem phim là một sở thích ít tốn kém và giúp cô quên đi những rắc rối thực tại dù chỉ trong chốc lát: “Những thứ như nhà cửa, ô tô thực sự quá xa vời đối với chúng tôi. Bên cạnh đó là vô số vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi người. Cuộc sống vốn đã khốn khổ rồi, tại sao chúng ta không thể tận hưởng những điều khiến mình hạnh phúc?”

Hai chị em Penny và Perry sinh sống ở Hồng Kông - một trong những khu vực quốc tế và sôi động nhất của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích lưu ý thêm rằng khán giả ở các thành phố và thị trấn nhỏ hơn mới là nơi có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, các bộ phim Hollywood xếp thứ hai sau phim nội địa, chiếm khoảng 14% doanh thu phòng vé Trung Quốc, theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu của Dengta. Nếu xu hướng đó tiếp tục cho đến cuối năm 2023, đây sẽ là tỷ trọng hàng năm thấp nhất của phim Hollywood trong hơn một thập kỷ, nếu không tính những năm đại dịch.

Thị phần của phim Hollywood tại quốc gia tỷ dân đã giảm dần trong những năm gần đây do thắt chặt kiểm duyệt, quan hệ song phương xấu đi, tinh thần dân tộc gia tăng được thúc đẩy bởi truyền thông nhà nước cũng như sự cạnh tranh từ các bộ phim sản xuất trong nước.

Nhà phân tích Kevin Tran tin rằng, nếu muốn thu hút được sự chú ý của thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới, các hãng phim quốc tế nên cân nhắc hướng đến nhóm khách hàng nữ giới nhiều hơn tại các chiến dịch tiếp thị cho các dòng phim hài lãng mạn, nhạc kịch và các thể loại khác được yêu thích hiện nay.

Có thể bạn quan tâm