Trung Quốc đối mặt với nguy cơ giảm phát vì sản xuất hàng hoá quá nhiều

Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các doanh nghiệp và ngành sản xuất vì thúc đẩy tình trạng dư thừa sản xuất – nguyên nhân chính dẫn đến cuộc cạnh tranh giá cả khốc liệt…

Trung Quốc đối mặt với nguy cơ giảm phát vì sản xuất hàng hoá quá nhiều

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tình trạng sản xuất dư thừa hiện không chỉ ảnh hưởng đến các lĩnh vực truyền thống như thép và xi măng, mà còn lan sang các ngành công nghiệp mới như pin, xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời và thương mại điện tử.

Từ tháng 9/2022 đến nay, giá bán buôn tại nhà máy ở Trung Quốc liên tục giảm - một dấu hiệu rõ rệt của giảm phát - gây nhiều khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách, vốn từ lâu dựa vào sản xuất và xuất khẩu làm động lực tăng trưởng.

Trong loạt bài trên các kênh truyền thông nhà nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều lãnh đạo cấp cao đã lên tiếng chỉ trích hiện tượng “nội cuộn” (neijuan), một thuật ngữ chỉ sự cạnh tranh giá cả khốc liệt, phi lý. Điều này cho thấy Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng sản lượng công nghiệp tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu đang đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy giảm giá và làm leo thang căng thẳng với các đối tác thương mại lớn.

Chủ trì cuộc họp Ủy ban Tài chính – Kinh tế Trung Quốc tuần trước, Chủ tịch Tập nhấn mạnh: “Cần có biện pháp điều chỉnh hành vi cạnh tranh giá cả rối loạn của các doanh nghiệp”.

Theo dự báo, giá xuất xưởng tại Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong tháng 6, là tháng thứ 33 liên tiếp, đánh dấu một trong những đợt giảm giá dài nhất trong nhiều thập niên.

Dư thừa công suất từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc, khi nước này thường xuyên bị các đối tác chỉ trích rằng chính sách công nghiệp của họ làm “ngập” thị trường thế giới với hàng hóa giá rẻ.

Tuy nhiên, trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Lý Lạc Thành đã công khai kêu gọi lãnh đạo doanh nghiệp ngành năng lượng mặt trời kiểm soát tình trạng cạnh tranh giá rối loạn. Bài viết đăng trên truyền thông nhà nước mang tiêu đề “Chấn chỉnh tình trạng nội cuộn” phản ánh rõ mức độ quan tâm của chính quyền trung ương.

Trước làn sóng quan ngại gia tăng, giới quan sát nhận định rằng chính phủ Trung Quốc có thể sắp ban hành các biện pháp “cải cách phía cung”, tức là can thiệp hành chính để kiểm soát giá cả và cắt giảm công suất, một bài báo trên tờ Financial Times nhận định.

Đây là bước ngoặt đáng chú ý, khi chỉ mới năm ngoái, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Paris, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không có vấn đề dư thừa công suất.

Trong tuần qua, trong một bài xã luận trên tạp chí Cầu Thị, cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu rõ: “Sự mất cân bằng cung - cầu ở cấp độ vĩ mô chủ yếu thể hiện qua nhu cầu yếu và dư thừa công suất trong một số ngành, buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh trong không gian thị trường hạn hẹp để tồn tại”.

Tạp chí còn lưu ý rằng tình trạng giảm giá không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nặng truyền thống mà còn tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp mới nổi. Một phần nguyên nhân được cho là do chính quyền địa phương đồng loạt đổ vốn vào các ngành “nóng”, sử dụng các ưu đãi như trợ cấp, đất đai và miễn giảm thuế để thúc đẩy đầu tư, dẫn đến cung vượt cầu.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia kinh tế cho rằng chính quyền có thể buộc doanh nghiệp cắt giảm công suất hoặc đóng cửa các nhà máy lạc hậu. Chính phủ cũng có thể siết chặt các quy chuẩn môi trường hoặc sử dụng các công cụ tài chính như hạn chế vay vốn để loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém ra khỏi thị trường.

Chủ tịch Tập cũng đang thúc đẩy xây dựng “thị trường thống nhất toàn quốc” - một hệ thống quy chuẩn nhằm hạn chế khả năng các địa phương đưa ra các ưu đãi gây méo mó thị trường.

Trung Quốc từng có một số thành công trong việc kiểm soát dư thừa công suất ngành thép giai đoạn 2015 – 2018. Tuy nhiên, khi đó các ngành chịu kiểm soát chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước lớn, được hỗ trợ bởi chi tiêu công rất lớn.

Theo ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC, lần này Trung Quốc phải đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều, khi cần kiểm soát dư thừa trên phạm vi hàng loạt ngành nghề cùng lúc. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng việc tái cân bằng nền kinh tế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang thúc đẩy Trung Quốc tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục tại Morgan Stanley kết luận: “Sau 20 năm dựa vào phía cung để thúc đẩy tăng trưởng, việc từ bỏ mô hình này là điều không dễ dàng. Trong một thế giới đang phân mảnh như hiện nay, việc kiểm soát chuỗi cung ứng có lẽ còn quan trọng hơn bao giờ hết”.

Xem thêm

Trung Quốc xuất khẩu xe '0 km' dưới dạng đã qua sử dụng sang thị trường quốc tế

"Độc lạ Trung Quốc": Bán xe mới dưới lốt xe đã qua sử dụng

Những chiếc xe "0 km" này chưa bao giờ lăn bánh trên đường, nhưng chúng đang được xuất khẩu dưới dạng xe đã qua sử dụng sang các thị trường như Nga, Trung Á và Trung Đông, cho phép các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tăng trưởng và loại bỏ những chiếc xe khó bán trong nước...

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chồng chất thách thức, khi dân số sụt giảm mạnh, thu nhập đình trệ và lượng nhà tồn kho khổng lồ. Những yếu tố này liên tục giáng đòn mạnh vào tâm lý của cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư, khiến triển vọng phục hồi trở nên mờ mịt…

Có thể bạn quan tâm

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Giá gạo tại Nhật Bản liên tục tăng cao do sản lượng sụt giảm và làn sóng quá tải khách du lịch. Những yếu tố này đang đẩy chi phí tiêu dùng lên mức kỷ lục, đồng thời gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương…

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Quốc hội Iran vừa thông qua nghị quyết cho phép đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 1/5 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển quốc tế…

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, Fed vẫn dự kiến sẽ tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025…

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran khiến giá dầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất…