Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Hoa Kỳ thu hồi quy chế “tối huệ quốc” của Nga, điều này sẽ hạ cấp mối quan hệ đối tác thương mại với Nga và dẫn đến các mức thuế quan mới đối với Moscow.
TT Biden cho biết, Liên minh châu Âu và G7 dự kiến sẽ thực hiện các bước tương tự. Canada đã loại bỏ quy chế “tối huệ quốc” với Nga vào tuần trước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cuối tuần trước đã trực tiếp yêu cầu Quốc hội thu hồi quy chế “tối huệ quốc” với Nga.
Cùng ngày, TT Joe Biden đã ký một lệnh cấm nhập khẩu thủy sản, kim cương phi công nghiệp và rượu của Nga vào Hoa Kỳ.
Điều lệnh này cũng cấm xuất khẩu hoặc bán hàng hóa xa xỉ của Mỹ cho bất kỳ cá nhân nào ở Nga. Những thứ này bao gồm đồng hồ cao cấp và thời trang, trang sức, rượu và xe hơi sang trọng - tất cả đều là đặc trưng nổi bật trong lối sống của các nhà tài phiệt Nga giàu có.
Sau lời kêu gọi của TT Biden, Hạ viện Hoa Kỳ dự định sẽ thông qua luật vào tuần tới để thu hồi quy chế MFN của Nga. Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Hoa Kỳ đều tán thành mạnh mẽ các nỗ lực phi quân sự của TT Biden và một số đã đề xuất thu hồi tư cách thành viên WTO của Nga.
Thông báo của TT Biden đánh dấu nỗ lực mới nhất của Hoa Kỳ và hàng chục quốc gia khác nhằm tập hợp những nỗ lực chưa từng để cô lập và tác động đến nền kinh tế Nga.
Đầu tuần này, TT Joe Biden đã ký một lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Mỹ, EU và các nước NATO cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Nga, các thành viên của tầng lớp tài phiệt ưu tú và thậm chí cả chính TT Nga Vladimir Putin.
Hàng trăm tập đoàn lớn đã tự nguyện rút doanh nghiệp ra khỏi nước Nga.
Nếu quy chế thương mại của Nga bị thu hồi, chính quyền TT Biden và Quốc hội sẽ có thể áp thuế đối với bất kỳ hàng hóa nào mà Nga xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Hoa Kỳ vào năm 2019, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Nga sang Mỹ năm 2021 đạt tổng cộng 29 tỷ USD, phần lớn trong số đó bao gồm các sản phẩm dầu và khí đốt.