Tỷ phú Warren Buffett đóng góp hơn 50 tỷ USD cho hoạt động từ thiện

Tỷ phú Warren Buffett vừa quyên góp thêm 4,64 tỷ USD cổ phiếu Berkshire Hathaway cho 5 tổ chức từ thiện, nâng tổng số tiền quyên góp của ông kể từ năm 2006 lên hơn 51 tỷ USD...

Vào ngày 22/6, tỷ phú đầu tư Warren Buffett đã thực hiện khoản quyên góp từ thiện hàng năm của mình, bao gồm khoảng 13,7 triệu cổ phiếu loại B của tập đoàn tài chính Berkshire Hathaway do ông đứng đầu. Đây là khoản quyên góp hàng năm lớn nhất từ trước tới nay của nhà đầu tư 92 tuổi.

Trong số 13,7 triệu cổ phiếu, ông Warren Buffett đã tặng 10,45 triệu cổ phiếu cho Quỹ Bill & Melinda Gates của người sáng lập Microsoft Bill Gates, nâng tổng giá trị cổ phiếu Berkshire mà quỹ này sở hữu lên đến 39 tỷ USD. 

Tỷ phú Warren Buffett
Chân dung tỷ phú Warren Buffett

Ông Buffet cũng quyên góp 1,05 triệu cổ phiếu cho Quỹ Susan Thompson Buffett, được đặt theo tên người vợ đầu của ông. 2,2 triệu cổ phiếu khác sẽ chia đều cho các tổ chức từ thiện do các con ông là Howard, Susan và Peter đứng đầu: Quỹ Howard G. Buffett, Quỹ Sherwood và Quỹ NoVo.

Quỹ Susan Thompson Buffett hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Quỹ Howard G. Buffett tập trung vào việc giảm bớt nạn đói, giảm thiểu xung đột và cải thiện an ninh công cộng. Trong khi đó, quỹ Sherwood hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận ở Nebraska và Quỹ NoVo có các sáng kiến ​​tập trung vào trẻ em gái và phụ nữ.

Sau khi trao tặng cổ phiếu, ông Warren Buffett hiện sở hữu tổng số cổ phiếu Berkshire trị giá 112,5 tỷ USD, tương đương 15,1% cổ phần công ty. 

Tỷ phú Warren Buffett lên kế hoạch làm từ thiện hàng năm bắt đầu từ 2006. Khi đó, tài sản của ông là hơn 40 tỷ USD, chủ yếu từ cổ phiếu Berkshire. Năm 2006, Warren Buffett cam kết khi còn sống, ông sẽ tặng cổ phiếu Berkshire hàng năm cho Bill & Melinda Gates Foundation.

"17 năm qua, tôi không mua hay bán cổ phiếu hạng A cũng như hạng B của Berkshire và cũng không có ý định làm vậy. 5 quỹ trên đã nhận số cổ phiếu trị giá khoảng 50 tỷ USD, lớn hơn nhiều toàn bộ gia sản của tôi năm 2006. Tôi không có nợ và hiện sở hữu khoảng 112 tỷ USD cổ phiếu hạng A của Berkshire", tỷ phú Warren Buffett cho biết.

Vào Lễ Tạ ơn năm ngoái, ông Warren Buffett đã đóng góp hơn 750 triệu USD cho 4 tổ chức liên quan đến gia đình mình để thể hiện sự ủng hộ với các con. 

Tính từ năm 2006 cho tới thời điểm hiện tại, tỷ phú Warren Buffett đã cho đi tổng cộng 51 tỷ USD, gần một nửa trong khối tài sản ròng được định giá 113 tỷ USD của ông hiện nay, theo dữ liệu từ Chỉ số tỷ phú của Bloomberg.

Nhà đầu tư huyền thoại đang dần từ thiện gần như toàn bộ tài sản mà ông đã gây dựng được tại Berkshire, công ty mà ông đã điều hành từ năm 1965 và đã biến nó thành một "đế chế" trị giá 740 tỷ USD nhờ các khoản đầu tư thông minh.

Ông và tỷ phú Bill Gates là những người đi tiên phong trong The Giving Pledge - một chiến dịch khuyến khích những người giàu có đóng góp phần lớn tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện. Tính tới thời điểm hiện tại, có hơn 240 tỷ phú, bao gồm Michael Bloomberg, Larry Ellison, Carl Icahn, Elon Musk và Mark Zuckerberg, đã cam kết cho đi ít nhất một nửa tài sản của họ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…