Vụ cá cược 100 tỷ USD của Mark Zuckerberg: “Cái chết chậm của Meta”?

Meta đã chi số tiền đáng kinh ngạc để hứa hẹn tạo ra một sản phẩm kế thừa hấp dẫn. Nhưng liệu vụ cá cược này của Mark Zuckerberg có mang đến "trái ngọt"?

Vào tháng 10 năm ngoái, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg gần như không thể chờ đợi thêm để cho cả thế giới thấy những gì anh dự định làm. “Hôm nay, chúng ta sẽ nói về metaverse,” Zuckerberg say mê trong một bài thuyết trình bằng video. “Tôi muốn chia sẻ những gì chúng tôi tưởng tượng là hoàn khả thi". Một sự chuyển đổi gần như liền mạch từ con người thật sang hình đại diện do máy tính tạo ra, Zuckerberg đã chia sẻ tầm nhìn về tương lai của thực tế ảo.

Nhưng đến nay, chỉ sau một năm, chúng ta lại thấy một Zuckerberg ủ rũ hơn xuất hiện: “Tôi muốn nói rằng tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình,” Mark Zuckerberg nói với các nhân viên. “Đây cuối cùng là quyết định của tôi và đó là một trong những quyết định khó khăn nhất mà tôi phải thực hiện trong 18 năm điều hành công ty.” Meta đã sa thải 11.000 nhân viên – tương đương 13% lực lượng lao động của công ty. Kết quả quý III tồi tệ đã khiến giá cổ phiếu của Meta giảm 25%, “thổi bay” 80 tỷ USD giá trị của công ty. Phòng thí nghiệm thực tế, bộ phận metaverse của Meta, đã lỗ 3,7 tỷ USD chỉ trong vòng ba tháng, với những kết quả tồi tệ hơn được dự kiến sẽ xảy ra. 

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng ngoạn mục theo phong thái “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi rào cản”, đế chế của Mark Zuckerberg giờ đây dường như trông khá mong manh. Giá cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 70% trong năm 2022. Hai “cỗ máy làm tiền” Facebook và Instagram đang mất thị phần và người dùng cho các đối thủ mới như TikTok và Snapchat. Những thay đổi của Apple đối với quyền riêng tư dữ liệu vào năm ngoái cũng tác động trực tiếp đến giảm doanh thu – với tính năng tuỳ chọn “yêu cầu không theo dõi” trên iPhone đã khiến Facebook mất đi một tài nguyên dữ liệu sinh lợi mà họ sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo một cách hiệu quả.

Trong khi đó, Meta lại đầu tư tới 100 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển metaverse. 

Chiến lược này của Mark Zuckerberg cũng có thể là đại diện cho một nỗ lực để vực dậy danh tiếng và chỗ đứng cho công ty. Nhưng dường như sự háo hức của Zuckerberg lại chỉ nhận được những phản hồi khá hờ hững.

Theo các báo cáo, chỉ 58% nhân viên của Meta cho biết họ hiểu được “tầm nhìn metaverse” của công ty. Các nhận xét mới nhất trong một cuộc khảo sát nhân viên ẩn danh cho thấy, “metaverse sẽ là cái chết chậm của chúng tôi" và "Mark Zuckerberg sẽ một tay giết chết công ty bằng metaverse”.

Mark Zuckerberg có công phổ biến thuật ngữ “metaverse”, nhưng không phải là người phát minh ra khái niệm này. Nhưng theo lời giải thích của CEO Meta, “metaverse là một không gian mạng internet hiện thân nơi bạn được trải nghiệm chứ không chỉ nhìn vào nó”. Nói cách khác, thay vì Internet dựa trên màn hình 2D hiện tại của chúng ta, metaverse sẽ là một không gian ảo 3D, được truy cập bằng tai nghe VR hoặc kính AR (thực tế tăng cường), chồng một lớp thông tin kỹ thuật số lên thế giới hữu hình. 

Matthew Ball, nhà đầu tư công nghệ và là tác giả của “The Metaverse: How It Will Revolutionize Everything”, định nghĩa metaverse là “một mạng lưới có quy mô lớn và có thể tương tác của các thế giới ảo 3D được kết xuất theo thời gian thực”, với sự hiện diện của từng cá nhân và tính liên tục của dữ liệu. “Một năm trước, chủ yếu các câu hỏi sẽ là ‘metaverse là gì?' Nhưng giờ đây các câu hỏi thực tế hơn rất nhiều: Metaverse sẽ có gì? Khi nào? Cho ai? Như thế nào và tại sao?" ông Matthew Ball nói. 

“Tại sao” là một câu hỏi đặc biệt hay khi nhắc tới Meta. “Bạn sẽ có thể làm hầu hết mọi thứ mà bạn có thể tưởng tượng,” Mark Zuckerberg nói trong video giới thiệu vào năm ngoái. “Gặp gỡ bạn bè và gia đình, làm việc, học hỏi, vui chơi, mua sắm, sáng tạo…” Vào thời điểm đó chúng ta vừa mới thoát khỏi đại dịch. Làm việc từ xa, gọi video và thương mại điện tử đột nhiên trở thành tiêu chuẩn thông thường.

Mark Zuckerberg
Mark Zuckerberg (bên trái) chơi poker cùng bạn bè trong thế giới metaverse.

Nhưng chỉ sau một thời gian, mọi việc lại thay đổi một lần nữa. Trong một email chia sẻ với nội bộ công ty mới đây, chính CEO Mark Zuckerberg đã thừa nhận rằng: “Nhiều người từng dự đoán xu hướng [trực tuyến] sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngay cả khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy. Do đó tôi đã quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư của chúng ta. Thật không may, mọi việc đã không diễn ra theo cách tôi mong đợi.” Sau đại dịch, hóa ra mọi người vẫn thích gặp mặt trực tiếp hoặc gọi điện thoại hơn là đeo tai nghe VR cồng kềnh và kéo hình đại diện của bạn vào một thành phố ảo.

Về mặt giải trí cũng vậy, tai nghe thực tế ảo Quest VR của Meta đang dẫn đầu thị trường, nhưng hầu hết người mua không sử dụng chúng để đổ xô vào ứng dụng chính của Meta - “Horizon Worlds” – ứng dụng mà công ty mô tả là “mạng xã hội đồng bộ nơi người sáng tạo có thể xây dựng một thế giới hấp dẫn”. Meta đặt mục tiêu có 500.000 người dùng trên metaverse Horizon Worlds của mình vào cuối năm 2022; nhưng con số hiện tại chỉ là gần 200.000 – giảm từ mức 300.000 vào tháng Hai, điều này cho thấy nhiều “du khách” tới Horizon Worlds và không có ý định quay lại. Bởi, Horizon Worlds vấp phải nhiều chỉ trích vì lỗi lập trình, tính không ổn định, đồ họa thô sơ và cảm giác nhàm chán nói chung, kém xa với các trò chơi điện tử nổi tiếng nhất hiện nay. 

Ngay cả những người làm nên Horizon Worlds cũng không quá “gắn bó” với ứng dụng. Một bản ghi nhớ bị rò rỉ vào tháng 10 cho thấy phó chủ tịch Meta, Vishal Shah, kêu gọi nhân viên chịu khó sử dụng sản phẩm của công ty nhiều hơn. “Nếu chúng ta không yêu thích nó, thì làm sao chúng ta có thể mong đợi khách hàng yêu thích nó? Hãy vào Horizon Worlds đi!

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như VRChat và Rec Room đang có được đà phát triển mạnh mẽ. 

Rõ ràng là họ đang cung cấp thứ mà Meta không có,” nhà thiết kế trò chơi kỳ cựu Raph Koster cho biết, liệt kê cụ thể ví dụ như hình đại diện tốt hơn, nhiều lựa chọn trò chơi hơn và quan trọng là lượng người dùng lớn hơn (Rec Room ước tính có khoảng ba triệu người dùng hàng tháng). “Khi xếp cạnh đối thủ, Horizon Worlds của Meta trông tương đối khô khan và trống rỗng.”

Bên cạnh đó, Horizon Worlds còn bị bị lấn át bởi các trò chơi điện tử trực tuyến (hầu hết trong số đó có thể truy cập được dù người chơi có hay không có tai nghe VR). Fortnite thu hút 250 triệu người chơi tích cực mỗi tháng. Nền tảng Roblox có hơn 200 triệu khách truy cập mỗi tháng trong khi Minecraft là 170 triệu (hai phần ba trong số ở độ tuổi dưới 16 tuổi – nhóm nhân khẩu học đang quay lưng với Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác).

VR Headset

Ông Raph Koster phân tích: “Trong lịch sử, chúng ta đã thấy rằng thế giới trò chơi nói chung không gặp khó khăn gì trong việc thu hút khán giả. Các quán bar có máy hát tự động hoặc bàn bi-a có xu hướng hoạt động tốt hơn các quán bar không có bất cứ thứ gì. Nó không thay đổi chỉ vì bạn số hóa trải nghiệm.”

Thị trường metaverse

Thị trường Metaverse được định giá gần 23 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến ​​sẽ tăng gần 40% hàng năm từ giờ đến cuối thập kỷ. Như người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Epic Games, Tim Sweeney, đã nói vào năm ngoái: “Ba năm tới sẽ rất quan trọng đối với tất cả các công ty khao khát metaverse như Epic, Roblox, Microsoft, Meta. Đó là một cuộc đua để có được một tỷ người dùng. Bất cứ ai mang về một tỷ người dùng đầu tiên sẽ là người dẫn đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn.

Ngay từ đầu, Zuckerberg đã nói rằng metaverse sẽ mất từ 5 đến 10 năm để xuất hiện, mặc dù một số người, chẳng hạn như Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella lại khẳng định rằng đã ở đây rồi. Nhà đầu tư công nghệ Matthew Ball cũng đồng ý với nhận định này: “Chúng ta có hàng trăm triệu người tương tác trong thế giới ảo 3D mỗi ngày,” chỉ ra Roblox và Minecraft.

Ông Matthew Ball nói, không có khả năng Meta hay bất kỳ công ty công nghệ lớn nào khác sẽ “sở hữu metaverse”. Tuy nhiên, nếu Meta thành công trong việc kiểm soát một phần đáng kể của metaverse, thì còn có những mối quan ngại sâu sắc hơn nữa. “Chúng ta càng số hóa thế giới, thì chúng ta lại càng trao thêm nhiều sức mạnh cho bất kỳ ai điều hành nó,” ông Raph Kosher nhận xét. 

Tất nhiên, Meta vẫn đang nỗ lực để xoa dịu những lo lắng của công chúng. Một đại diện của công ty từng cho biết: “Metaverse là một dự án tập thể, và cách quản lý có trách nhiệm các loại dữ liệu cần tới sự hợp tác và thảo luận. Nó không phụ thuộc vào bất kỳ công ty nào để đặt ra các quy tắc về điều này.

Tất cả đều đồng ý rằng cần có quy định, nhưng đánh giá qua việc mạng Internet được quản lý như thế nào cho đến nay, thì triển vọng cho việc quản lý metaverse một cách hiệu quả vẫn đặt ra rất nhiều câu hỏi lớn.

Liệu Meta có vấp phải sai lầm như Yahoo trước đây?

Theo The New York Times, khi Meta chuyển sang trở thành "một công ty metaverse" trong bối cảnh tăng trưởng người dùng bị đình trệ và doanh số bán quảng cáo chậm lại, có rất nhiều nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của công ty tỏ ra hoài nghi với các ưu tiên thay đổi của Mark Zuckerberg. 

Mối quan tâm của họ dường như đang lặp lại tình trạng hỗn loạn nội bộ tại Yahoo dưới nhiệm kỳ của Marissa Mayer- kết thúc bằng việc bà Mayer phải bước sang một bên và để Verizon mua lại công ty với giá chỉ bằng một phần giá trị của nó trước đây. 

Giờ đây, nhiều năm sau thất bại của Yahoo, Mark Zuckerberg đang lặp lại những sai lầm của Marissa Mayer.

Mark Zuckerberg
Mark Zuckerberg (bên trái) dường như đang lặp lại những sai lầm của Marissa Mayer (bên phải) tại Yahoo.

Các nhân viên Meta đã nói chuyện với The New York Times mô tả những thay đổi chiến lược thường xuyên của Meta dường như bắt nguồn từ mong muốn của nhà sáng lập hơn là dựa trên các dữ liệu cụ thể, cũng như việc Mark Zuckerberg sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho các dự án không có gì đảm bảo thành công, số tiền nhiều đến mức cựu giám đốc điều hành Oculus John Carmack nói rằng nó khiến ông cảm thấy “choáng váng”. 

Tương tự, trước đây tại Yahoo, Marissa Mayer thường được nói là đưa ra quyết định bằng trực giác nhiều hơn, chẳng hạn như khi Yahoo trả tới 10 triệu USD mỗi năm cho kho lưu trữ chương trình "Saturday Night Live" hoặc khi thuê Couric làm "người dẫn chương trình toàn cầu" của trang web" ngay cả sau khi các video trước đó của Couric cho trang đều thất bại thảm hại. 

Sau đó là văn hóa công ty. Marissa Mayer đã thực hiện một hệ thống xếp hạng hiệu suất gây tranh cãi trong nhiệm kỳ của mình nhằm truyền cảm hứng làm việc chăm chỉ nhưng nó đã phản tác dụng, dẫn đến việc lực lượng lao động thất vọng và kéo tinh thần làm việc xuống thấp hơn trước. 

Giờ đây, Mark Zuckerberg cũng thẳng tay loại bỏ những nhân viên có thành tích thấp và những nhân viên không đồng hành với tầm nhìn metaverse của mình. Tại một cuộc họp chung vào tháng 6, chính vị CEO công nghệ ssax nói với nhân viên rằng Meta sẽ "tăng nhiệt" về các mục tiêu hiệu suất để loại bỏ những nhân viên không gắn kết.

Nếu Mark Zuckerberg đúng và metaverse là tương lai, thì những động thái này sẽ giúp thúc đẩy Meta vượt lên trước đối thủ. Và có lý do để tin rằng kế hoạch đầy tham vọng của Zuckerberg sẽ thành công - xét cho cùng, ông là người đã từng phát minh ra Facebook khi thấy được xu hướng chuyển đổi từ máy tính để bàn sang thiết bị di động, một chiến lược mà ngay cả Sheryl Sandberg, cựu COO Meta, cũng nghĩ là mạo hiểm vào thời điểm đó.

Nhưng nếu vụ cá cược này không thành công, thì rất có thể Meta sẽ sống chung một số phận với Yahoo.

Xem thêm

Metaverse có thể trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030

Metaverse có thể trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030

Theo một báo cáo mới của công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company, metaverse có thể có giá trị ước tính khoảng 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhờ vào những lợi ích tiềm năng trong tương lai mà ngày càng nhiều công ty trên tất cả các lĩnh vực đang mong đợi “gặt hái”.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…