Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết quyết định của AstraZeneca trong việc trì hoãn thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 vì lí do an toàn là một lời nhắc nhở cho thấy “việc phát triển vắc-xin không phải lúc nào cũng nhanh chóng và thuận lợi trên một đường thẳng”.
Vào thứ Ba (8/9), AstraZeneca thông báo tạm dừng các thử nghiệm giai đoạn III đối với vắc-xin ngừa Covid-19 tiềm năng mà họ đang phát triển cùng ĐH Oxford (Anh), sau khi phát hiện một người tham gia gặp phải phản ứng phụ khá nghiêm trọng.
Người đứng đầu bộ phận khoa học của WHO, Tiến sĩ Soumya Swaminathan khuyến khích người dân “không nên quá nản lòng” trước tin tức này, và nói thêm rằng “những điều này hoàn toàn có thể xảy ra”.
“Có những quy trình riêng để đối phó với các diễn biến bất ngờ trong giai đoạn phát triển vắc xin. Nếu chỉ là phản ứng phụ dạng nhẹ, các nhà phát triển sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết. Nhưng nếu các phản ứng có phần nghiêm trọng hơn - như lần này - thì việc tạm dừng thử nghiệm là một thủ tục bình thường. Đây là một quyết định đúng đắn, đặt an toàn của mọi người lên ưu tiên hàng đầu.”
Mặc dù WHO hy vọng các cuộc thử nghiệm sẽ sớm được quay trở lại, nhưng tổ chức phải chờ thêm thông tin từ ban giám sát dữ liệu và an toàn cung cấp, đồng thời, ban giám sát cũng sẽ xác định cách thức tiến hành các thử nghiệm, bà Swaminathan cho biết.
“Tôi nghĩ đây có lẽ … cũng là một lời cảnh tỉnh hay một bài học để mọi người nhìn nhận rằng thực tế sẽ luôn có các trở ngại bất ngờ trong nghiên cứu và chúng ta phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cho những thay đổi đó.”
WHO đã xác định được hơn 160 ứng cử viên vắc xin đang phát triển với gần 30 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm tiên tiến trên người. Nhưng một khi các nhà sản xuất đang chạy đua để hướng tới kỷ lục phát triển vắc-xin trong thời gian nhanh nhất thì những câu hỏi về độ an toàn của chúng lại càng trở nên nhiều hơn bao giờ hết.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình sức khoẻ khẩn cấp của WHO đã từng tuyên bố: “Việc phát triển và phê duyệt vắc-xin Covid-19 không phải là cuộc đua giữa các công ty và cũng không phải là cuộc đua giữa các quốc gia. Đây là cuộc chạy đua với thời gian, cuộc đua chống lại virus, cuộc đua để cứu lấy mạng sống con người…”
Khi được hỏi về thời gian ra đời của một loại vắc-xin, bà Swaminathan nói rằng sẽ thường mất tối thiểu 6 tháng trước khi các nhà nghiên cứu bắt đầu có thể thấy được kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. Vì một số thử nghiệm (như Moderna và Pfizer) đã bắt đầu vào tháng 7, rất có thể kết quả tạm thời sẽ xuất hiện vào cuối năm nay, mặc dù các cơ quan quản lý cần thêm nhiều thời gian hơn để kiểm tra kết quả và cấp phép cho vắc xin.
Nguồn: CNBC