Chủ tịch SAREPI Nguyễn Thị Thu Ngà và 5 "bí kíp" để thành công

Gặp Ngà lần đầu trong một sự kiện, tôi khá ấn tượng với cách trả lời đầy nội lực và lưu loát của vị nữ doanh nhân này khi ngồi trên bàn chủ toạ giao lưu cùng báo chí. Trông Ngà rất chững chạc trong bộ vest màu vàng chanh so với tuổi 27 của mình.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Ngà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản SAREPI
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Ngà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản SAREPI

Có được sự chững chạc đó so với bạn bè cùng trang lứa cũng là điều dễ hiểu bởi hiện Ngà đang khá thành công trong lĩnh vực bất động sản. Điều gì khiến cho cô gái trẻ ấy có được sự thành công sớm như vậy?

“Tuổi thơ đầy gian khó cùng với sự quyết tâm thực hiện theo 5 điều mà bản thân đã đúc rút ra và coi đó là triết lý sống đã giúp tôi thành công” - Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Ngà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản SAREPI cho biết.

Tuổi thơ đầy gian khó

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo ở Bắc Ninh. Năm lên 3 tuổi Ngà đã phải theo gia đình rời quê hương đến khu vực gần cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh để tìm kế mưu sinh.

Tại vùng đất mới này, bố mẹ Ngà làm đủ mọi việc để kiếm sống. Vì thế chị em Ngà cũng sớm hiểu chuyện và thương bố mẹ khi ngoan ngoãn đi theo mẹ ra chợ bán rau, bán hoa từ lúc 2, 3 giờ sáng, hay tranh thủ những lúc rỗi rãi đi nhặt ve chai phụ thêm cho gia đình.

Mặc dù cả nhà gồng lên để mưu sinh nhưng cái khó vẫn đeo bám lấy gia đình Ngà, lăn lộn mãi ở xứ người mà bố mẹ Ngà vẫn không cất được một ngôi nhà tử tế để tránh mưa, tránh bão.

Ngà kể, gia đình Ngà sống trong một ngôi nhà nằm trong khu “xóm liều”. Được gọi là nhà cho oách thế thôi chứ cột nhà là những cọc tre ọp ẹp, nhỏ xíu; mái nhà là những lá cọ được xếp chồng lên nhau. Thế nên tuổi thơ của Ngà cũng đầy thi vị khi nằm trong nhà, nhìn qua kẽ lá là chị em Ngà đã có thể nhìn được một bầu trời đầy sao. Nhà lại được dựng ở khu trũng, đến mùa mưa cả “xóm liều” chìm trong biển nước. Chị em Ngà lại được dịp ngồi xổm trên giường chơi trò câu cá trong màn nước đầy rác rưởi rồi khoái chí cười đùa khanh khách.

Hay có những đêm đang ngủ ngon thì “thần lửa” gõ cửa. Vì được lợp bằng lá cọ nên lửa bắt từ nhà này sang nhà khác rất nhanh. Cả xóm trọ ùa ra nháo nhác, người khiêng cái tủ, người vác quần áo….chạy nháo nhào trước biển lửa đang thiêu rụi mọi thứ.

CEO Nguyễn Thị Thu Ngà: Mỗi khi chán nản hay mệt mỏi, hình ảnh mẹ bị bắt nạt trước kia lại hiển hiện trước mắt đã giúp tôi thêm động lực, lấy lại năng lượng tiếp tục công việc
CEO Nguyễn Thị Thu Ngà: Mỗi khi chán nản hay mệt mỏi, hình ảnh mẹ bị bắt nạt trước kia lại hiển hiện trước mắt đã giúp tôi thêm động lực, lấy lại năng lượng tiếp tục công việc

Sau một thời gian bôn ba, gia đình Ngà quyết định quay lại quê hương rồi vay mượn mua chiếc xe tải nhỏ chở rau củ lên Móng Cái bán. Trong những chuyến chở hàng như thế, do xích mích với những người cùng buôn với nhau nên có lần mẹ Ngà đã bị họ đánh đập. Cô bé Ngà khi đó chỉ có thể đứng trân trân, nhìn những người lớn đánh mẹ mà không thể giúp gì được. Hình ảnh này đã in sâu trong Ngà và thôi thúc cô phải trở thành một người thành công, phải kiếm được nhiều tiền để bố mẹ thoát cảnh nghèo khó, không còn bị ai bắt nạt. Từ đó, Ngà lao vào học và khi ra trường, cô đã rất quyết tâm, dốc toàn tâm toàn lực để làm tốt bất cứ việc gì với mong mỏi bố mẹ đỡ vất vả.

“Đến tận giây phút này, mỗi khi chán nản hay mệt mỏi, hình ảnh mẹ bị bắt nạt trước kia lại hiển hiện trước mắt đã giúp tôi thêm động lực, lấy lại năng lượng tiếp tục công việc” – Ngà chia sẻ.

Cơ duyên với nghề bất động sản

Xuất phát điểm là một sinh viên tỉnh lẻ, gia đình nghèo khó nên khi lên Hà Nội nhập học, Ngà phải ở ghép với 4 đến 5 bạn sinh viên khác. Phòng bé lại ở đông nên khi cần nghỉ ngơi, Ngà cùng các bạn phải trải chiếu xuống nền nhà để nằm. Khu trọ không có vệ sinh khép kín, nên mỗi lúc cần tắm táp hay vệ sinh, họ lại phải xếp hàng chờ đến lượt ở khu vệ sinh chung. Khu phơi phóng cũng dùng chung nên tình trạng mất cắp đồ đạc, quần áo cũng xảy ra thường xuyên… Khi có điều kiện tốt hơn chút, Ngà tìm thuê những căn hộ tốt hơn nhưng cũng gặp rất nhiều vấn đề như sự săm soi hoặc gây khó dễ của chủ nhà khi có bố mẹ, người thân hoặc bạn bè đến chơi; hoặc chủ nhà có thể tự ý phả bỏ hợp đồng đã ký trước đó để cho một người khác thuê với giá cao hơn…

Khi ra trường, Ngà khởi nghiệp bằng việc kinh doanh quán cà phê văn phòng. Tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm địa điểm thuê, Ngà lại gặp khó trước sự lựa chọn khi những mặt bằng phù hợp với nguồn tài chính lại có diện tích nhỏ, còn với những mặt bằng lớn không những không đủ tài chính để thuê mà còn không sử dụng hết diện tích. Trong cái khó ló cái khôn, Ngà đã nảy ra ý tưởng cho thuê lại mặt bằng. Việc này đã giúp Ngà có thêm khoản thu để bù vào khoản phí thuê mặt bằng mà mình đang sử dụng.

“Từ đó tôi bén duyên với ngành bất động sản và bắt đầu tìm thêm nhiều toà khác nữa để cho thuê. Sau một thời gian tôi nhận thấy ngành bất động sản rất tiềm năng, và SAREPI được hình thành từ đấy” – Ngà nói.

CEO Nguyễn Ngà: Sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra ngay từ khi mới thành lập SAREPI
CEO Nguyễn Ngà: Sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra ngay từ khi mới thành lập SAREPI

Ngà thừa nhận, SAREPI không phải doanh nghiệp đầu tiên triển khai về căn hộ dịch vụ nhưng lại có đường đi hơi khác biệt so với các doanh nghiệp khác, thế nên mới chỉ sau vài năm thành lập, khách hàng tìm đến với SAREPI ngày càng đông.

Khác biệt tạo nên thành công

Chị có thể chia sẻ về những khác biệt của SAREPI so với các doanh nghiệp khác mà chị mới nhắc đến?

Vì có thời gian dài trải nghiệm việc thuê nhà nên tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người cùng hoàn cảnh như mình trước đó. Thế nên sau khi đi vào hoạt động, SAREPI đã rất chú trọng đến trải nghiệm của khách hàng, luôn coi khách hàng là trung tâm để họ luôn cảm thấy hài lòng. Ngoài những giá trị xứng đáng với đồng tiền bỏ ra, SAREPI còn mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng như tổ chức các hoạt động thể dục thể thao tập thể, các hoạt động thiện nguyện, để ý những tiểu tiết như chuẩn bị các món quà cho cư dân trong các dịp lễ lớn, hỗ trợ khách hàng một cách tận tâm khi họ cần.…

Chúng tôi không bao giờ nói không với khách hàng, luôn tìm mọi các để giải quyết, hỗ trợ cho khách hàng… Sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra ngay từ khi mới thành lập SAREPI.

SAREPI mong muốn được định nghĩa lại thế nào là cho thuê khi khách hàng chỉ cần một cú click chuột là đã có thể hình dung được căn hộ mình đang chuẩn bị thuê được thiết kế như thế nào, cách bài trí ra sao….Chính vì hình ảnh với thực tế không khác biệt thế nên tỉ lệ chốt sale của SAREPI hầu như rất cao. 

“Lì” và “liều”

Là doanh nghiệp khởi nghiệp, khó khăn là điều không tránh khỏi, thưa chị?

Đúng vậy. Giai đoạn khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên đó là những rào cản về phía gia đình. Khi tôi trao đổi với bố mẹ về việc sẽ mở công ty riêng, bố mẹ tôi đã ra sức ngăn cản và cho rằng con gái thì nên tìm việc nhàn nhã mà làm, không nên mở doanh nghiệp vì sẽ rất vất vả. Bố mẹ còn thuyết phục tôi rằng, gia đình không có truyền thống về kinh doanh nên kiến thức về mảng này đối với tôi là số 0 tròn trĩnh, do đó việc tôi thất bại là điều đương nhiên. Tôi đã lì lợm không nghe theo lời khuyên của bố mẹ và cố gắng tự bơi để chứng minh cho gia đình thấy rằng tôi có thể làm được.

Chủ tịch SAREFI: Tôi luôn tư duy giải pháp và không bao giờ bỏ cuộc
Chủ tịch SAREFI: Tôi luôn tư duy giải pháp và không bao giờ bỏ cuộc

Lúc mới thành lập doanh nghiệp, tôi lại gặp vô vàn khó khăn khác như khó khăn về vốn, khó khăn về mối quan hệ cũng như kiến thức tài chính hay vận hành doanh nghiệp, quản lý đội nhóm…Tôi đã phải dốc toàn tâm toàn sức để xử lý các vấn đề này cùng một lúc.

Tuy nhiên cái khó khăn nhất theo tôi đó là thái độ của bản thân. Bởi kinh doanh có rất nhiều yếu tố bất ngờ xảy đến. Thế nên thái độ của một người lãnh đạo khi đón nhận cơ hội cũng như thách thức sẽ quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Chính vì tôi khá “lì” và “liều”, thế nên khi đã xây dựng được mục tiêu và kế hoạch, tôi làm việc rất quyết liệt, hành động mạnh mẽ và luôn tư duy giải pháp và không bao giờ bỏ cuộc. Điều đó đã giúp tôi vững vàng chèo lái con thuyền SAREPI trong mấy năm nay.

Vươn tới vị trí số 1 tại Việt Nam

Mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng SAREPI vẫn giữ được chân khách hàng cũ và thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Mục tiêu của SAREPI trong thời gian tới là gì để Công ty ngày càng phát triển bền vững hơn?

Mục tiêu của SAREPI là vươn tới vị trí số 1 tại Việt Nam trong lĩnh vực cho thuê bất động sản. Nói đến SAREPI là nghĩ đến môi trường sống tiện nghi, trọn vẹn, một cộng đồng văn minh, phồn thịnh. SAREPI cũng hướng đến việc xây dựng các dịch vụ 5* quốc tế, cam kết trao tay khách hàng các sản phẩm an toàn và chất lượng.

Hoạt động thiện nguyện của SAREFI
Hoạt động thiện nguyện của SAREFI

Không chỉ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê bất động sản, SAREPI còn đặt ra mục tiêu trở thành doanh nghiệp đào tạo bất động sản hàng đầu Việt Nam với mong muốn chia sẻ những kiến thức, tư duy, công cụ để kinh doanh và đầu tư bất động sản đến với những nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai, đồng thời giúp xây dựng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và có cơ hội để đầu tư những dự án bất động sản hấp dẫn.

Hiện tại, SAREPI đưa ra 04 sản phẩm đào tạo, trong đó có những sản phẩm đào tạo căn bản dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp, những công nhân viên chức muốn thay đổi môi trường làm việc. Bên cạnh đó, Công ty cũng đưa ra những sản phẩm đào tạo cao cấp dành cho những nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, chủ môi giới bất động sản với mục tiêu đưa những nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, môi giới bất động sản trở thành những triệu phú đô la trong tương lai.

Bài học để thành công

Sau 2 năm làm chủ SAREPI, chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để có thể thành công trong lĩnh vực này?

Có 5 điều mà tôi đúc rút ra và coi là triết lý sống đó là:

Thứ nhất, khi làm bất cứ điều gì cần xác định mục tiêu rõ ràng và động lực đủ lớn.

Thứ hai, ưu tiên phát triển kiến thức cho bản thân dù ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào.

Thứ ba, phải giữ kỷ luật bản thân. Đây là yếu tố phải có nếu muốn thành công.

Tặng quà cho cư dân trong các dịp lễ lớn
Tặng quà cho cư dân trong các dịp lễ lớn

Thứ tư, luôn giữ uy tín. Phong cách điều hành ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Người đứng đầu doanh nghiệp phải trở thành người để người khác muốn làm cùng, thế nên yếu tố giữ uy tín rất quan trọng.

Thứ năm, chịu trách nhiệm hoàn toàn với những việc mình đã làm. Khi gặp sự cố hay rủi ro trong công việc, phải đón nhận bằng cách chịu trách nhiệm 100%, không than trách, không đổ lỗi, không chỉ trích mà phải tìm giải pháp để giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất.

Đấy chính là 5 điều đã giúp tôi có được sự thành công và tín nhiệm của đội ngũ nhân sự, của đối tác chiến lược cũng như sự tín nhiệm của khách hàng.

Xin cảm ơn chị!

Thực tế cho thấy, không phải công ty bất động sản nào cũng tiết lộ bí kíp kinh doanh ra bên ngoài. Tuy nhiên, với nữ doanh nhân Nguyễn Ngà – người chèo lái con thuyền SAREPI, cô mong muốn tiếp thêm động lực, thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp cho những người trẻ, nhất là những sinh viên mới ra trường, đặc biệt tạo nền tảng cho người kinh doanh bất động sản và môi giới bất động sản ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm