Tại Trung Quốc, công xưởng của thế giới, hoạt động kinh tế chậm lại và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản đã làm giảm giá hàng hóa và giảm chi phí đầu vào.
Theo ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC nhận định, Trung Quốc đang chứng kiến rất nhiều áp lực giảm pháp trên thị trường hàng hoá. Chi phí đầu vào giảm do các hoạt động giảm sút trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang lan sang các lĩnh vực liên quan như thiết bị gia dụng và đồ nội thất. Tương tự, lĩnh vực xây dựng bị hạn chế cũng đã đẩy giá nguyên liệu xuống thấp hơn, đặc biệt là thép, tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với các nhà sản xuất tiêu thụ lượng lớn kim loại.
Chỉ số giá sản xuất, thước đo sự thay đổi giá hàng hóa do nhà sản xuất bán ra, đã giảm ở tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 8. Chi phí nguyên liệu đầu vào, được đo bằng chỉ số quản lý mua hàng chính thức của khu vực sản xuất cũng đã giảm trong ba tháng liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 6, trước khi tăng trở lại vào tháng 7 và tháng 8.
Trong khi đó, giá đầu ra của nhà máy đã giảm trong phần lớn giai đoạn từ tháng 5/2022 đến tháng 7 năm nay.
Even Pay, nhà phân tích tại Trivium China, cho biết: “Đối với những người mua sắm dịp Giáng sinh ở châu Âu và Bắc Mỹ, tôi có thể nói rằng bức tranh nguồn cung từ Trung Quốc năm nay tốt hơn rất nhiều so với vài năm qua”.
Các nhà sản xuất Trung Quốc có xu hướng sản xuất phần lớn đơn đặt hàng cho mùa Giáng sinh từ tháng 5 đến tháng 10 để kịp đưa hàng lên kệ đúng đợt cao điểm mua sắm tháng 12.
Bà Anny Cheung, giám đốc cấp cao của Wah Lung Toys có trụ sở tại Hồng Kông, nơi sản xuất hàng hóa cho Disney và một số nhãn hiệu đồ chơi quốc tế tiết lộ, chi phí lao động và nguyên liệu thô giảm đã giúp công ty hạ giá xuống khoảng 2% trong năm nay.
“Nếu muốn tiếp tục tồn tại, nhiều nhà máy buộc phải hạ giá để nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ nước ngoài”, bà Jenny Tse, giám đốc tiếp thị tại Wega Hong Kong, công ty sản xuất tai nghe và thiết bị chơi game cho các thương hiệu nước ngoài, giải thích. Bà Tse nói thêm rằng chính công ty của bà cũng đã giảm giá một số mặt hàng xuống hơn 20% so với năm ngoái.
“Nền kinh tế toàn cầu nói chung và Trung Quốc nói riêng trong năm nay đều lao đao trước bờ vực suy thoái, vì vậy hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng chịu tác động không nhỏ”, ông Michael Lu, chủ tịch hãng sản xuất hộp quà tặng Brothersbox hợp tác với các thương hiệu quốc tế như Nestlé, Marks và Spencer, cho biết. Ông cho biết doanh thu từ các đơn đặt hàng trong giai đoạn trước Giáng sinh đã giảm khoảng 20% so với năm ngoái.
Cũng chính những lo ngại về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở Mỹ và châu Âu cũng làm hạ nhiệt nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến một số nhà máy phải giảm giá hoặc tìm kiếm các thị trường mới ở châu Á.
Jason Wong, phó giám đốc thương mại điện tử tại công ty hậu cần xử lý hàng xuất khẩu sang Hồng Kông Janco ước tính, các nhà sản xuất Trung Quốc đã hạ giá khoảng 5-7% trong năm nay, một phần là để thu hút các thương hiệu đang có ý định giảm thiểu rủi ro nguồn cung và tìm tới các quốc gia khác.
“Họ thà có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn và bán được nhiều hơn hơn là giữ nguyên tỷ suất lợi nhuận và kinh doanh kém hơn”, ông Wong nhấn mạnh.
Xuất khẩu của Trung Quốc, vốn là huyết mạch kinh tế trong thời kỳ bùng nổ của ngành điện tử tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch, đã liên tục mất đà trong năm nay, ghi nhận mức giảm 14,5% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch và giảm thêm 8,8% trong tháng 8.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang chững lại, chỉ đạt tăng trưởng 0,8% trong quý 2 do các nhà máy hoạt động kém hiệu quả và sự phục hồi của khu vực dịch vụ không đạt được như kỳ vọng.