Biến đổi khí hậu: Đông Nam Á sẽ chịu thiệt hại nặng hơn các nơi khác trên thế giới

Theo nhóm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của công ty tư vấn McKinsey, Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả nặng nề hơn của biến đối khí hậu so với các khu vực khác trên thế giới.
Biến đổi khí hậu: Đông Nam Á sẽ chịu thiệt hại nặng hơn các nơi khác trên thế giới

Viện nghiên cứu toàn cầu của McKinsey báo cáo, biến đổi khí hậu là một thách thức quan trọng mà Đông Nam Á đang phải đương đầu khi khu vực này đang tìm cách mở rộng nền kinh tế và vẫn đang là động lực tăng trưởng chính của thế giới. 

Châu Á là một trong những khu vực phải đối mặt với nhiều hiểm hoạ thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão lớn cũng như điều kiện nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. 

“Mặc dù tất cả chúng ta đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19 và cố gắng để phục hồi cuộc sống cũng như sinh kế trong thời kỳ khó khăn này, thì các vấn đề biến đổi khí hậu cũng cần phải được chú trọng và giải quyết kịp thời,” Jonathan Woetzel, giám đốc Viện nghiên cứu của McKinsey cho biết trong một tuyên bố. 

Ngoài tác động đến Đông Nam Á, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mối nguy hại tiềm tàng của thời tiết khắc nghiệt cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan - khu vực hay còn gọi là “Biên giới châu Á”. 

“Chúng tôi ước tính rằng vào năm 2050, từ 500 triệu đến 700 triệu người châu Á có thể sinh sống ở các khu vực có xác suất xảy ra một sóng nhiệt gây chết người hàng năm là 20%,” báo cáo cho biết. 

Tình trạng ngập lụt ven biển cũng đang trở nên tồi tệ hơn do mực nước biển dâng cao, ước tính có thể gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ USD tài sản trong tương lai. Ngập lụt không chỉ làm hỏng cơ sở hạ tầng mà còn gây ô nhiễm đối với nguồn nước sinh hoạt. 

Theo báo cáo, vào năm 2050, từ 2,8 nghìn tỷ USD đến 4,7 nghìn tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội ở châu Á sẽ gặp rủi ro do sụt giảm trong thời gian làm việc ngoài trời bởi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Bên cạnh đó, những quốc gia có mức GDP bình quân đầu người thấp hơn và người nghèo sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó là bởi họ sẽ phải tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt hơn, dựa nhiều vào công việc ngoài trời và vốn tự nhiên, cũng như có ít phương tiện tài chính để thích nghi với điều kiện thời tiết mới. 

McKinsey cũng nêu bật một số quốc gia sẽ phải có kế hoạch đề phòng những hiểm hoạ khí hậu tiềm tàng trong tương lai như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar. Báo cáo cũng dự báo, tại Indonesia, khả năng lượng mưa cực đoan có thể tăng gấp 3-4 lần vào năm 2050. Sự gia tăng về nhiệt độ và độ ẩm cũng là không thể tránh khỏi. 

Trong khi đó, ngập lụt có thể sẽ là hiện tượng phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam với hậu quả thiệt hại trong cơ sở hạ tầng lên đến 500 triệu - 1 tỷ USD và chi phí thay thế cần tới 1,5 tỷ - 8,5 tỷ USD vào năm 2050. 

Tuy nhiên, McKinsey cũng khẳng định, một lợi thế mà Đông Nam Á hiện có đó là cơ sở hạ tầng và các khu đô thị vẫn đang được xây dựng. Điều này mang lại những cơ hội cho các quốc gia để đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn trước những biến đổi khí hậu khắc nghiệt. 

“Giống như các nơi khác trên thế giới, các nước châu Á cũng cần phải giảm thiểu lượng khí thải công nghiệp ra môi trường. Nếu các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh dạo doanh nghiệp có thể khai thác tinh thần đổi mới, tài năng và sự linh hoạt của khu vực, thì châu Á hoàn toàn có thể là khu vực dẫn đầu trong công cuộc đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu,” báo cáo kết luận. 

Nguồn: CNBC

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...