Bộ trưởng Senegal tại G-20: “Cuộc khủng hoảng lương thực có thể tồi tệ hơn cả Covid-19”

Bộ trưởng Kinh tế Senegal Amadou Hott đã kêu gọi ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu không tẩy chay việc buôn bán các sản phẩm thực phẩm của Nga khi cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra ở các nước dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Senegal tại G-20: “Cuộc khủng hoảng lương thực có thể tồi tệ hơn cả Covid-19”

Tại cuộc họp G20 ở Bali vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Senegal Amadou Hott cảnh báo, nếu không có biện pháp giải quyết ngay lập tức, cuộc khủng hoảng Nga - Ukarine - bao gồm cả tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao - sẽ giết chết nhiều người hơn "so với Covid-19.”

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã dẫn đến việc ​​nhiều quốc gia như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thực hiện trừng phạt việc sử dụng hoặc buôn bán hàng hóa Nga. Nhưng mặc dù các mặt hàng chủ lực như thực phẩm và phân bón được miễn trừ lệnh trừng phạt, nhưng những doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm vẫn tránh các giao dịch này để tự bảo vệ mình, Bộ trưởng Hott nói thêm. “Chúng ta đều hiểu rằng thực phẩm và phân bón được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường, cho dù đó là thương nhân, ngân hàng hay công ty bảo hiểm, đều cảm thấy miễn cưỡng và quan ngại nếu sản phẩm đến từ một số địa điểm nhất định vì họ sợ bị xử phạt trong tương lai.” “Liệu có thể nói rằng, bất cứ khi nào ta mua phân bón, thực phẩm từ Nga hoặc từ Ukraine hoặc từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, sẽ không có lệnh trừng phạt hôm nay, không có lệnh trừng phạt vào ngày mai… để chúng ta có thể sớm ổn định thị trường?”

“Chúng tôi không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này nhưng chúng tôi [Châu Phi] lại đang phải gánh hậu quả.”

An ninh lương thực và giá lương thực tăng cao đã chi phối các cuộc thảo luận tại cuộc họp G-20 vào tuần trước do sự gián đoạn vì đại dịch và cuộc chiến ở Ukraine đã làm ngưng trệ các chuỗi cung ứng lương thực trên toàn thế giới.

Lạm phát và tình trạng thiếu lương thực thậm chí đã gia tăng trước chiến tranh. Nhưng vì Nga và Ukraine đều là hai trong số những nhà xuất khẩu lương thực chính đối với các mặt hàng như lúa mì, nên cuộc chiến đã làm trầm trọng thêm vấn đề, đặc biệt là ở châu Phi và Trung Đông. Bộ trưởng Amadou Hott cho biết thêm, hậu quả nghiêm trọng đang tác động đến các quốc gia châu Phi, nơi chiếm một phần ba số người bị suy dinh dưỡng trên toàn cầu. Ví dụ, châu Phi đã thiếu hụt khoảng 2 triệu tấn phân bón trong năm nay, dẫn đến thiệt hại 11 tỷ USD trong sản xuất lương thực trong năm, ông Hott cho biết. Nếu Châu Phi và những nơi khác không còn có thể dựa vào nhập khẩu lương thực, thì nước này cần phải đầu tư để tăng tốc sản xuất lương thực địa phương.

Tuy nhiên, chiến tranh và Covid-19 không phải là lý do duy nhất gây ra tình trạng khủng hoảng lương thực hiện nay. Biến đổi khí hậu cũng đang góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề này theo thời gian. “Cuộc khủng hoảng hiện tại đã có trước chiến tranh. Tại sao? Vì những cú sốc về khí hậu đã làm giảm đáng kể sản lượng lương thực ở nhiều nơi,” bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định. 

“Giống như thời Covid-19, thế giới đã tập hợp lại để đưa ra những quyết định trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tất cả các đối tác đã thay đổi thủ tục và chính sách để xử lý thách thức, giúp đỡ các quốc gia trên thế giới. Và nay, chúng ta cần phải làm vậy một lần nữa. Nếu không nhanh chóng, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thương vong hơn so với thời Covid," ông Hott cảnh báo. 

Có thể bạn quan tâm