Các chuỗi cà phê quốc tế chọn Singapore làm điểm khởi động cho chiến lược toàn cầu hoá

Ngày càng có nhiều chuỗi cà phê quốc tế xuất hiện tại thị trường Singapore. Các nhà quan sát trong ngành cho biết Singapore chính là điểm đến đầu tiên đối với những doanh nghiệp muốn bắt đầu mở rộng sự hiện diện toàn cầu…

Các cửa hàng cà phê tại Singapore, đặc biệt là trong các trung tâm thương mại, thường rất đông đúc
Các cửa hàng cà phê tại Singapore, đặc biệt là trong các trung tâm thương mại, thường rất đông đúc

Thị trường cà phê Singapore vốn đã rất đông đúc nhưng các thương hiệu quốc tế vẫn không nản chí khi bước chân tới đảo quốc sư tử với hy vọng rằng thành công tại đây sẽ thúc đẩy việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

Trong vài tháng qua, ít nhất 5 công ty – Luckin Coffee của Trung Quốc, Kenangan Coffee và Fore Coffee của Indonesia, Tim Hortons của Canada và chuỗi cà phê đặc sản Đài Loan Louisa Coffee đã mở cửa hàng tại Singapore.

Singapore là “cú hích” lớn đầu tiên của Luckin bên ngoài Trung Quốc, được minh chứng rõ ràng khi có tới 30 cửa hàng liên tục “mọc lên” kể từ tháng 3/2023, theo kiểm tra của CNBC. Kenangan Coffee đã mở bốn cửa hàng kể từ khi xuất hiện vào tháng 9 trong khi Tim Hortons có hai cửa hàng và Fore Coffee và Louisa Coffee mỗi thương hiệu có một cửa hàng.

“Chúng tôi có một tham vọng khá lớn là mở rộng ra quốc tế. Chúng tôi tin rằng Singapore và Malaysia là điểm khởi đầu thích hợp”, Edward Tirtanata, đồng sáng lập và CEO của Kopi Kenangan, chuỗi cà phê mua mang đi hàng đầu ở Indonesia.

Ra mắt vào năm 2017, Kopi Kenangan vận hành hơn 800 cửa hàng trên 45 thành phố ở Indonesia và 22 cửa hàng trên khắp Malaysia. Được biết đến với cái tên Kenangan Coffee ở Singapore, thương hiệu này đã mở cửa hàng tại Nhà ga số 2 của Sân bay Changi, trung tâm thương mại Jewel Changi, cũng như Trung tâm mua sắm Raffles City và Trung tâm mua sắm Takashimaya – tất cả các địa điểm thường có các thương hiệu và hàng hóa cao cấp.

“Đối với chúng tôi, không có quốc gia nào tốt hơn Singapore để khởi động kế hoạch mở rộng toàn cầu. Tại sao ư? Singapore rõ ràng là một trung tâm của Đông Nam Á. Người dân trên khắp Đông Nam Á đều đến Singapore, để quá cảnh, du lịch hay kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi tin rằng việc gia nhập thành công vào Singapore, Kopi Kenangan sẽ có thể đẩy mạnh thương hiệu của mình hơn nữa và ngày càng mở rộng được sang nhiều quốc gia khác”, ông Tirtanata của Kopi Kenangan nói thêm.

Dấu ấn của Singapore như một trung tâm tài chính toàn cầu đã thu hút các thương hiệu cà phê đến với đảo quốc nhỏ bé này.

Jianggan Li, người sáng lập và CEO của công ty nghiên cứu công nghệ Momentum Works cho biết: “Singapore giúp mang đến một hình ảnh tốt về thương hiệu trong mắt các nhà đầu tư quốc tế”.

Luckin Coffee từ chối đưa ra bình luận, nói rằng họ vẫn là người mới bắt đầu ở thị trường nước ngoài. Thương hiệu đã vượt qua Starbucks để trở thành chuỗi cà phê lớn nhất ở Trung Quốc trong năm nay.

Người dân Singapore ở mọi lứa tuổi, giới tính và mức thu nhập đều yêu thích cà phê. Một cuộc khảo sát vào tháng 7/2022 cho thấy gần 55% số người được hỏi cho biết họ đều đã mua ít nhất một cốc cà phê vào tuần trước đó.

Chuỗi cà phê lớn nhất thế giới như Starbucks và Dunkin’ Donuts đều có sự hiện diện lớn ở Singapore. Theo trang web của họ, Starbucks có hơn 140 cửa hàng trong khi The Coffee Bean & Tea Leaf có hơn 70 cửa hàng và chuỗi “cây nhà lá vườn” Huggs có 20 cửa hàng ở Singapore.

Nhiều chuỗi cà phê quốc tế thường mở địa điểm ở các trung tâm thương mại. Do vậy, giá của họ cũng có xu hướng đắt đỏ hơn so với các lựa chọn địa phương. Ví dụ, một cốc Starbucks có giá vào khoảng 6 SGD, trong khi cà phê từ một nhà hàng bình dân địa phương chỉ rơi vào khoảng 1,2 SGD.

Tuy nhiên, ông Jianggan Li từ Momentum Works lại giải thích: “Bởi điều kiện sống và mức thu nhập trung bình tại Singapore là khá tốt, nên cà phê ở mức giá 4 - 5 SGD là hoàn toàn vừa túi tiền với phần lớn người tiêu dùng địa phương”.

Singapore vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu trong danh sách môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong 5 năm tới nhờ các yếu tố như sự ổn định về kinh tế và chính trị, theo bảng xếp hạng của Economist Intelligence Unit trong quý 2/2023.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…