Mới đây, Tạp chí The New York Times là đơn vị truyền thông nước ngoài tiếp theo tuyên bố sẽ chuyển văn phòng châu Á của mình ra khỏi Hồng Kông. Tạp chí cho biết, các phóng viên của họ đã phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn để duy trì được giấy phép làm việc và trước mắt tạp chí sẽ chuyển đội ngũ phóng viên của trang online (https://www.nytimes.com) sang Seoul (Hàn Quốc) trước - tương đương 1/3 tổng số nhân viên làm việc tại Hồng Kông - trong năm tới.
Động thái này của NYTimes đã như một đòn giáng mạnh vào vị thế của Hồng Kông như một trung tâm báo chí thông tin của châu Á, và cũng diễn ra sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ liên tục tranh cãi về việc nhà báo của mình làm việc ở nước ngoài. Đầu năm nay, Bắc Kinh cho biết các nhà báo không được phép làm việc ở Trung Quốc đại lục cũng sẽ không còn được làm việc ở Hồng Kông.
“Với tất cả những vẫn đề hiện nay, chúng tôi đang lên kế hoạch đa dạng hoá văn phòng của mình về mặt địa lý, để có thể hỗ trợ các phóng viên tác nghiệp trong điều kiện thuận lợi nhất,” phát ngôn viên của NYTimes trả lời với Reuters. “Chúng tôi vẫn sẽ duy trì sự hiện diện của mình ở Hồng Kông và chắc chắn sẽ tiếp tục bao quát tin tức, đưa tin, báo cáo về tình hình ở Trung Quốc và Hồng Kông.”
Các phương tiện truyền thông quốc tế khác bao gồm Wall Street Journal, Financial Times và Agence France-Presse cũng đều đặt trụ sở châu Á của mình tại Hồng Kông. Reuters đã chuyển trụ sở châu Á sang Singapore vào năm 1997 khi Anh trao trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc.
Đầu năm nay, Washington đã bắt đầu có những động thái đối với 5 đơn vị truyền thông Trung Quốc - coi các đơn vị này như các đại sứ quán nước ngoài, sau đó cắt giảm số lượng nhà báo làm việc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc xuống còn 100 người. Để “trả đũa”, Trung Quốc tuyên bố họ đang thu hồi các giấy tờ công nhận phóng viên từ New York Times, Wall Street Journal và Washington Post. Bắc Kinh cũng đã trục xuất 3 phóng viên của Wall Street Journal - 2 người Mỹ và 1 ngườig Úc - sau khi một cột ý kiến được in trên WSJ đã nhắc đến Trung Quốc bằng một cái tên nhạy cảm.
Nguồn: Reuters