Chân dung thiên tài đầu tư Charlie Munger vừa qua đời

Charlie Munger chính là người bạn gần gũi và cũng là cố vấn tận tâm nhất của Warren Buffett trong suốt sáu thập kỷ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
gettyimages-1140985423-5c3d923df18c51f7ad590750c32e2b06d23434c4-s1100-c50.jpg

Tờ WSJ mở đầu bài viết nhận định, có lẽ trong giới kinh doanh, không nhân vật nào đóng vai trò là “người số 2” tại một doanh nghiệp tốt hơn Charlie Munger.

NGƯỜI SỐ 2 TẠI BERKSHIRE HATHAWAY

Người bạn gần gũi và cũng là cố vấn tận tâm nhất của Warren Buffett trong suốt sáu thập kỷ, phó chủ tịch tỷ phú của Berkshire Hathaway đã qua đời vào thứ ba vừa qua, hưởng thọ 99 tuổi tại một bệnh viện ở California, Mỹ. Một thông cáo từ Berkshire đã xác nhận sự ra đi của ông.

Trước mặt truyền thông, đặc biệt là trước hàng chục nghìn người tham dự cuộc họp hàng năm của Berkshire, Munger luôn nhường lời và cả sự chú ý cho Buffett, để chủ tịch của công ty chiếm đa số thời gian nói và nổi bật nhất có thể. Munger thường xuyên khiến đám đông phải bật cười bằng cách nói: "Tôi không có gì để nói thêm nữa".

Thế nhưng, đằng sau cánh gà, Buffett lại thường nhường sự nổi bật cho Munger. Năm 1971, Munger thuyết phục ông mua See’s Candy Shops với giá tương đương ba lần giá trị ròng của các cửa hàng kẹo socola - một "giá phải trả cao", như Buffett sau này nhớ lại, cao hơn nhiều so với giá ông thường trả cho các doanh nghiệp.

im-103656.jpg
Buffett đặt biệt danh "người luôn nói không" cho Munger.

Nhưng, See’s sau đó đã tạo ra khoảng 2 tỷ USD lợi nhuận tích lũy cho Berkshire trong những thập kỷ tiếp theo.

Như Buffett viết vào năm 2015, "Giao dịch này kết thúc hành trình đầu tư của tôi vào những doanh nghiệp trung bình, có giá rẻ và đưa tôi vào hành trình tìm kiếm những doanh nghiệp tuyệt vời bán với giá hợp lý hơn". Ông nói thêm: "Charlie đã khuyến khích tôi đi theo con đường này trong vài năm, nhưng tôi là một người học chậm chạp".

Buffett thậm chí đặt biệt danh "người luôn nói không" cho Munger vì sự quyết đoán của ông trong việc từ chối các khoản đầu tư tiềm năng, bao gồm cả những thương vụ mà Buffett có thể đã thực hiện. Nhưng Munger, người rất hứng thú với kỹ thuật và công nghệ, cũng thúc đẩy Buffett, người ghét công nghệ, vào những vụ đặt cược lớn như BYD, một nhà sản xuất pin và xe điện Trung Quốc, và Iscar, một nhà sản xuất máy công cụ Israel.

Bản thân Munger cũng là một nhà đầu tư xuất sắc theo cách riêng của mình. Ông bắt đầu quản lý các quỹ đầu tư vào năm 1962. Từ đó đến năm 1969, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 5,6% mỗi năm. Các quỹ đầu tư của Buffett đạt lợi nhuận trung bình 24,3% mỗi năm. Còn của Munger, lại càng xuất sắc hơn, với mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 24,4%.

Năm 1975, ngay trước khi gia nhập Berkshire với tư cách là phó chủ tịch, Munger đóng cửa các quỹ đầu tư của mình. Trong 14 năm tồn tại, các danh mục của ông đạt mức tăng trung bình hàng năm là 19,8%; trong khi chỉ số S&P 500 chỉ tăng với tỷ lệ 5,2%.

Hai người này đã đầu tư theo cách khác nhau trong thời gian dài. Buffett, dưới ảnh hưởng của người cố vấn của mình, Benjamin Graham, sẽ mua bất kỳ doanh nghiệp nào, thậm chí là dù doanh nghiệp đã gần như chết, miễn là giá rẻ.

Trong số những thương vụ như vậy có thể kể đến chính là Berkshire Hathaway khi còn là một công ty sản xuất dệt may xuống cấp, được Buffett mua vào năm 1965.

"Berkshire được xây dựng theo kế hoạch của Charlie", Buffett nói.

Khi Buffett biến Berkshire thành một công ty cổ phần bảo hiểm và các công ty khác, ông tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động trung bình, có giá rẻ. Ngược lại, Munger tập trung vào những doanh nghiệp tuyệt vời ở giá chấp nhận được, cho rằng khả năng tạo ra tiền mặt của chúng trong tương lai sẽ bù đắp cho việc trả giá cao từ đầu.

Qua nhiều năm thảo luận, Munger thuyết phục Buffett thay đổi.

"Charlie đã giúp định hình nên tôi của ngày nay rất nhiều", Buffett nói vào năm 1988. "Nếu chỉ nghe theo Ben Graham, có lẽ tôi sẽ bớt giàu có đi nhiều".

Năm 2015, Buffett viết rằng Munger đã dạy cho ông: "Quên đi những gì bạn biết về việc mua những doanh nghiệp trung bình với giá rẻ mà thay vào đó, hãy mua những doanh nghiệp tuyệt vời với giá chấp nhận được”.

Berkshire "được xây dựng theo kế hoạch của Charlie", Buffett nói thêm vào.

KHÔNG CẦN NHIỀU TIỀN

Charles Thomas Munger sinh ngày 1/1/1924 tại Omaha, Nebraska. Cha ông, Alfred, là một luật sư, mẹ là bà Florence, là người nội trợ và đam mê sách.

Munger chọn chuyên ngành toán học tại Đại học Michigan. Sau khi ra trường, ông xem xét việc tham gia vào công ty luật của cha ở Omaha trước khi định cư ở Nam California. Ông và một số đối tác cuối cùng mở công ty luật riêng vào năm 1962. Ngày nay, công ty này, được biết đến với tên Munger, Tolles & Olson, có khoảng 200 luật sư.

Hôn nhân đầu tiên của Munger với Nancy Huggins kết thúc bằng lá đơn ly hôn. Ông kết hôn với người vợ thứ hai, Nancy Barry Borthwick, vào năm 1956. Bà qua đời vào năm 2010. Họ có bốn người con chung và hai người con từ cuộc hôn nhân trước.

Munger cũng phải đối mặt với thảm kịch: Năm 1955, con trai của ông, Teddy, qua đời vì bệnh bạch cầu khi mới 9 tuổi. Sau này, Munger nhớ lại những buổi lang thang trên đường phố Pasadena trong nước mắt vì nghĩ tới con. Hơn sáu thập kỷ sau đó, ông vẫn thi thoảng bất giác rơi vào ký ức về đau khổ của con trai.

Năm 1978, một bác sĩ phẫu thuật mắt sai sót, làm cho Munger mù một mắt, sau đó phải phẫu thuật loại bỏ mắt đó. Nhà đầu tư từ chối đổ lỗi cho bác sĩ và cho rằng vấn đề phức tạp xảy ra trong 5% số trường hợp như vậy. Với ông, như thường lệ, vẫn chỉ liên quan về con số.

Sau đó, Munger vẫn có thể nhìn đủ tốt để đọc. Ông thậm chí đã lái xe ô tô của mình khiến bạn bè và gia đình lo lắng. Chỉ dừng việc này cho đến khi bước vào tuổi 90.

im-103655.jpg
Khi không phải nhường Buffett trước công chúng, Munger là người nói nhiều.

Hai người đàn ông sẽ điều hành Berkshire Hathaway gặp nhau vào năm 1959 khi Munger, người đã chuyển đến Los Angeles, tham gia một bữa tối ở quê nhà mà Buffett cũng tham gia.

Họ đã biết tên của nhau từ trước: Munger làm việc trong cửa hàng tạp hóa của ông nội của Buffett khi còn bé.

Vợ đầu tiên của Buffett, bà Susan, nhớ lại bữa tối đó và nói vào năm 1998: "Tôi nghĩ Warren cảm thấy rằng Charlie là người thông minh nhất mà anh từng gặp, và tôi nghĩ Charlie cảm thấy Warren là người thông minh nhất mà ông ấy từng gặp".

Họ ngay lập tức hiểu nhau và không lâu sau đó trở nên không thể tách rời, thường xuyên nói chuyện điện thoại mỗi ngày.

Một bức ảnh từ chuyến đi đến Savannah, Georgia, trong năm 1980 chụp lại hình ảnh hai nhà đầu tư giống nhau đến kỳ lạ: Nói chuyện và bước đi, cả hai đều mặc quần kaki và áo sơ mi xanh không cổ. Từ chiều cao đến đường tóc, từ gọng kính đến nếp nhăn trên quần áo, dường như mọi thứ đều trùng khớp.

Nhân vật mà Munger ngưỡng mộ là Benjamin Franklin, người luôn có sự tò mò, sáng tạo và hài hước. Chính sự thực tế, sự hài hước cay độc, thẳng thắn đã khiến ông trở thành một người nổi tiếng trong giới đầu tư.

Trong các phiên hỏi-đáp tại cuộc họp hàng năm của Berkshire, Munger sẽ ngồi im khi Buffett đưa ra những lời chia sẻ phong phú. Đám đông hâm mộ biết rằng Munger đang chờ đợi để đưa ra một câu trả lời ngắn gọn, thâm sâu.

Tại cuộc họp cổ đông hàng năm của Berkshire vào năm 2000, một cổ đông hỏi liệu việc đầu cơ cổ phiếu Internet sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế. Buffett trả lời gần 550 từ. Munger chỉ nói duy nhất 1 câu, "nếu bạn trộn nho với phân, chúng vẫn chỉ là phân".

Trong một bài viết trên The Wall Street Journal năm 2023, được đăng khi ông 99 tuổi, Munger kêu gọi Chính phủ Mỹ cấm bitcoin và các loại tiền số khác, cho rằng tiền số là "một hợp đồng đánh bạc với lợi nhuận gần 100% cho nhà cái". Trước đó, ông đã mô tả bitcoin là một "hoạt động gian lận" và "thuốc độc".

Tuy nhiên, WSJ nhận định rằng, những phần hùng biện ngắn gọn, lém lỉnh của Munger như kể trên chỉ là một màn kịch mà ông cố gắng thể hiện để tránh làm lu mờ Buffett. Khi không phải nhường Buffett trước công chúng, Munger là người nói nhiều. Trong các buổi trưa và tối thường xuyên với bạn bè và gia đình, và tại cuộc họp hàng năm của Daily Journal, một công ty truyền thông nhỏ mà ông làm chủ tịch, ông có thể nói chuyện trong nhiều giờ.

Như nhiều người bạn cũng chia sẻ, nếu ông dừng lại để uống một ngụm nước và ai đó bắt đầu nói chuyện, Munger sẽ giơ ngay ngón tay lên nhằm “ngăn chặn” người có ý định cắt ngang trước khi ông kịp nuốt ngụm nước. Sức bền bỉ của ông cũng là phi thường. Năm 2019, khi Munger 95 tuổi, hai phóng viên của Wall Street Journal xuất hiện tại ngôi nhà khiêm tốn của ông ở Los Angeles lúc 6 giờ tối. Ông nói chuyện gần như liên tục cho đến gần nửa đêm. Một vài lần sau 10 giờ tối, một hoặc cả hai phóng viên lúng túng bắt đầu đứng dậy để rời đi, Munger vẫn níu tay và bảo họ ngồi lại…

Tháng 8/2023, ở tuổi 99 và chủ yếu phải sử dụng xe lăn, Munger vẫn cùng gia đình tham gia chuyến câu cá hàng năm. “Khi đó, tinh thần Munger tốt hơn bao giờ hết”, bạn của ông, Peter Kaufman, chủ tịch Glenair, nói.

Theo Bloomberg, Munger sở hữu khối tài sản 2,6 tỷ USD. Ông được ca ngợi là nhà đầu tư vĩ đại, là hiện thân của sự khôn ngoan cả trên thương trường lẫn cuộc sống. Bản thân ông cùng làm từ thiện và quyên góp rất nhiều cho các tổ chức như Đại học Stanford, Bệnh viện Good Samaritan và Planned Parenthood…

“Tôi biết rồi một ngày mình sẽ ra đi và ở nơi đó, tôi không cần nhiều tiền đến thế”, Munger chia sẻ vào năm 2013.

Có thể bạn quan tâm