Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ về bí quyết "đếm lá ăn tiền"

Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm - bà Ninh Thị Ty cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao là bắt buộc.

Bên cạnh những yếu tố trên, mấu chốt của việc có thể "đếm lá ăn tiền", theo Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm, là phải có “giống tốt”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp tại Hội nghị chuyên đề “Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững”, nằm trong Chương trình Hội Nghị xúc tiến đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Ninh Thị Ty – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hà Nội - HBA, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm cho biết: Sau khi có một chút vốn dư giả, bà đã chọn sang Israel để học hỏi về bí quyết làm ăn ở đất nước họ. Trong chuyến đi, bà có dịp trao đổi với một Giáo sư của đất nước này. Quá trình trò chuyện, vị Giáo sư này nói rằng Israel một đất nước phải nói nước rất chi là hiếm. Nhưng họ rất tự hào là họ không phải nhập bất kỳ một sản phẩm thực phẩm nào từ bên ngoài, mà họ tự cung tự cấp được thực phẩm.

Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ về bí quyết "đếm lá ăn tiền" trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ về bí quyết "đếm lá ăn tiền" trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ tiếp: Cuộc trò chuyện đang sôi nổi thì vị Giáo sư có hỏi tôi muốn làm gì? Tôi trả lời, tôi muốn làm cái gì khó nhất. Ông bảo, nếu khó nhất thì bà làm nông nghiệp, vì nông nghiệp là ngành khó nhất của khó nhất. Tuy nhiên, khi tôi hỏi ông về nền nông nghiệp Việt Nam vì sao vẫn chưa phát triển, ông không trả lời trực tiếp mà hỏi ngược "Bà đã từng sinh nở, đã từng nuôi con đúng không?"...

"Tôi không hiểu vì sao khi tôi đang hỏi về nông nghiệp mà vị Giáo sư đó lại hỏi ngược tôi về vấn đề đó. Sau đó, ông có chia sẻ khi mình đẻ ra một đứa con, giống như người nông dân trồng trọt hoặc là nuôi cấy hoặc là chăm sóc để được thu hoạch", Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm nói.

Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm truyền đạt lại lời vị Giáo sư: "Ví dụ như anh trồng một cây lúa, từ lúc gieo cấy đến bữa cơm của người tiêu dùng, giống như mình nuôi con mình từ lúc mang thai đến lúc 18 tuổi. Đấy là cả một quá trình. Và khi nói về nền nông nghiệp của Việt Nam, vị Giáo sư nói chính sách định vị của nhà nước mình về nông nghiệp cực kỳ mở, nhưng chúng ta lại quá chú trọng vào người nông dân mà chưa đầu tư một cách đúng mực cho nông nghiệp".

Từ lời khuyên của vị Giáo sư người Israel, cộng với việc có một ít vốn dư giả nên Tập đoàn Hồ Gươm nghĩ ngay đến việc đầu tư vào nông nghiệp. Nghĩ là làm. Sau đó bà Ninh Thị Ty quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Và sản phẩm đầu tiên của Tập đoàn Hồ Gươm là trồng lá tía tô xuất khẩu đi Nhật. "Để có sản phẩm lá tía tô mà thị trường Nhật chấp nhận được, điều đầu tiên chúng tôi thực hiện là đặt giống của người Nhật", Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm cho biết.

"Và trong quá trình trồng, chăm sóc chúng tôi phải thuê người Nhật tư vấn. Có nghĩa là để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mà trực tiếp ở đây là lá tía tô chúng tôi phải thuê người Nhật", bà Ninh Thị Ty nhấn mạnh.

Có thể nói, sản phẩm lá tía tô hiện nay là sản phẩm rất nổi tiếng của Tập đoàn Hồ Gươm. Có một bạn doanh nhân nói với tôi, là lá tía tô của Tập đoàn Hồ Gươm kích thước nhỏ hơn tờ 500 đồng, trong khi đó bán từ 500 đến 700 đồng/ 1 lá, lại có hơn 10ha. Việc xuất khẩu lá tía tô của Tập đoàn Hồ Gươm chẳng khác nào việc “đếm lá ăn tiền”, kinh khủng quá, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm vui vẻ nói trước Hội nghị.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm: "Để có thể "đếm lá ăn tiền" chúng ta phải phân định ra rất là rõ cách chăm sóc, thu hái, bảo quản. Trong đó bảo quản là một khâu rất quan trọng. Và muốn bảo quản được lâu dài trong vòng 1 tuần đến 10 ngày mà không dùng đến hóa chất nhưng không bị hỏng thì phải thu hái lá trước 8 giờ sáng và sau 5 giờ chiều. Sau khi thu hái phải cho ngay vào nhà lạnh để bảo quản".

Ngay sản phẩm nấm của chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Rất may là cơ sở sản xuất nấm của Tập đoàn Hồ Gươm gần trường Đại học Nông nghiệp, nên khi chúng tôi cần giúp đỡ vấn đề gì thì các Giáo sư, Tiến sỹ của trường này sẵn sàng qua giúp ngay. Nếu không, chúng tôi phải bươn chải nhiều hơn. Có thể nói, đây là một câu chuyện dài về áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm nhấn mạnh về vai trò của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Phân tích rõ hơn về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bà Ty nói: "Trước đây các cụ có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng qua quá trình làm nông nghiệp tôi phải xin lỗi các cụ. Tôi phải khẳng định lại là trong thời đại hiện nay, để có sản phẩm tốt thì phải nói "nhất giống, nhì phân, tam nước, tứ cần". Vì sao, bởi vì nếu không có giống tốt, thì không có ST25, mà không có ST25 thì lúa gạo Việt Nam cũng chưa thể nâng tầm được".

Các đại biểu dự Hội nghị chuyên đề Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững
Các đại biểu dự Hội nghị chuyên đề Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững

Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm nêu quan điểm: Tôi không đánh giá cao cái "cần" ở thời đại này là bởi vì, giờ chúng ta chăm sóc cây trồng đều dùng công nghệ cả rồi. Chăm sóc cây giờ người ta dùng từ máy bay không người lái, đến tính toán căn giờ tưới trên hệ thống đám mây cả rồi. Cái “cần” là ngày xưa là lao động thủ công, còn bây giờ tôi cho rằng cái "cần" đó không cần thiết bằng “giống tốt”.

"Hy vọng trong thời gian tới các nhà khoa học, các Giáo sư, Tiến sỹ của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung chú trọng đầu tư vào nghiên cứu nhiều giống mới, có chất lượng cao. Sau khi nghiên cứu thành công cần chia sẻ các thành quả của mình cho các doanh nghiệp để họ sản xuất ra nhiều sản phẩm mang đậm dấu ấn của người Việt Nam. Chỉ có như thế chúng ta mới nâng cao được khẩu hiệu "Người Việt Nam tự hào hàng Việt Nam"", Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm kết luận bài chia sẻ của mình.

Tại Hội nghị, nhiều nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đóng góp những ý kiến của mình về việc ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững; ứng dụng công nghệ cao trong thủy sản; ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao sản lượng cây trồng...

Có thể nói, sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ một nước thiếu đói sau chiến tranh, chúng ta đã dần tự túc lương thực rồi tiến tới trở thành nước xuất khẩu nông nghiệp quan trọng ở châu lục và trên thế giới với giá trị đạt gần 50 tỷ USD.

Nhờ có đó mà cuộc sống của người dân đã thay đổi khắp từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược. Bộ mặt đất nước, bộ mặt nông thôn đã dần thay đổi từng ngày.

Ngày nay nông nghiệp, nông thôn lại đứng trước các thách thức mới. Đó là phải đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 100 triệu người với tốc độ tăng dân số tăng hơn một triệu người/năm với quỹ đất ngày càng thu hẹp, nguồn tài nguyên ngày càng suy kiệt, ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, cạnh tranh nguồn lực với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Và chỉ có vượt qua được các thách thức này nông nghiệp nước ta mới có cơ hội phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm