Là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, liệu đậu nành có trở thành “gót chân Achilles” của Washington? Một điểm yếu mà các đối tác thương mại có thể nhắm tới?
Đậu nành, dưới dạng hạt nguyên, thức ăn chăn nuôi hoặc dầu, là trụ cột của ngành nông nghiệp Mỹ. Thậm chí, ngành đậu nành còn có công đóng góp cho khoảng 0,6% GDP Mỹ, với giá trị lên tới 124 tỷ USD – lớn hơn toàn bộ nền kinh tế của Kenya hay Bulgaria.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện có hơn 500.000 nông dân trồng đậu nành tại Mỹ. Một báo cáo năm 2023 của Hiệp hội các nhà chế biến dầu hạt quốc gia và Hội đồng Đậu nành Mỹ cho thấy ngành đã tạo ra và hỗ trợ cho ít nhất 223.000 việc làm toàn thời gian.
Mặc dù nhu cầu nội địa đối với đậu nành đang đi lên, nhưng xuất khẩu vẫn là yếu tố quyết định thành công của ngành. Hiện Mỹ là nhà xuất khẩu đậu nành lớn thứ hai thế giới, bán hơn một nửa sản lượng cho khoảng 80 quốc gia.
Theo dữ liệu từ nền tảng OEC, đậu nành đóng góp hơn 27 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Mỹ trong năm 2023, cao hơn bất kỳ mặt hàng nông nghiệp nào khác. Trung Quốc, với mức nhập khẩu khoảng 12 tỷ USD đậu nành Mỹ, là thị trường quan trọng nhất, tiếp theo là EU, đặc biệt là Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan, với tổng giá trị nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Và giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, Trung Quốc dường như đang nhắm vào đậu nành Mỹ trong chiến lược trả đũa thuế quan – xét đến tầm quan trọng của thị trường này đối với thu nhập của người nông dân Mỹ.
Trước đó, Trung Quốc đã áp thuế 15% đối với các sản phẩm thực phẩm Mỹ như thịt gà, lúa mì và ngô, đồng thời đánh thuế 10% lên đậu nành, thịt và các mặt hàng nông sản khác. Cuối tuần vừa qua, Trung Quốc tiếp tục áp thêm 34% thuế đối với tất cả hàng hóa Mỹ, nâng tổng mức thuế đối với đậu nành lên 44%.
Đến nay, quốc gia tỷ dân đã quyết định áp thuế 84% lên toàn bộ hàng hóa Mỹ và điều này đồng nghĩa với việc đậu nành Mỹ có thể chịu mức thuế tổng cộng 94% khi vào Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể chấp nhận rủi ro với đậu nành Mỹ vì nước này đã chuyển hướng sang nhập khẩu từ Brazil kể từ năm 2017 khi cuộc chiến thương mại đầu tiên nổ ra dưới thời ông Donald Trump.
Nhìn chung, khối lượng xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc đã giảm mạnh, trong khi Brazil nhanh chóng chiếm hơn một nửa thị phần. Năm 2024, Brazil xuất khẩu 36,6 tỷ USD đậu nành sang Trung Quốc, trong khi Mỹ chỉ đạt 12,1 tỷ USD.

Nông dân Mỹ đã kêu gọi Trump dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc, EU và các thị trường lớn khác như Mexico. Hầu hết đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền nông nghiệp Mỹ. “Trung Quốc đã mua 52% lượng đậu tương xuất khẩu của Mỹ trong năm 2024”, ông Scott Gerlt, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Đậu nành Mỹ chia sẻ với AFP. Ông nhấn mạnh rằng với quy mô mua hàng của Trung Quốc, rất khó để tìm một thị trường thay thế.
Một số nông dân cảnh báo rằng họ sẽ không thể cầm cự lâu nếu căng thẳng thương mại tiếp diễn, vì sản phẩm của họ sẽ trở nên quá đắt đỏ để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. “Nếu cuộc chiến thương mại kéo dài qua mùa thu, nhiều nông dân sẽ phá sản", ông David Walton, một nông dân trồng đậu nành, chia sẻ trên kênh ABC.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự có thể dẫn đến những hệ quả khó lường. Cho đến nay, ông Donald Trump đã ban hành các chính sách thuế quan thông qua sắc lệnh hành pháp, do đó ngăn Quốc hội tham gia vào quá trình quyết định. Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley và Thượng nghị sĩ Dân chủ Maria Cantwell đang chuẩn bị đệ trình một dự luật yêu cầu Tổng thống Trump phải thông báo cho Quốc hội về bất kỳ mức thuế mới nào, đồng thời trao quyền phê duyệt cho Hạ viện. Dù vậy, cơ hội để dự luật này được thông qua là rất thấp, vì Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.
Mới đây nhất, trong một động thái đáp trả khác, Trung Quốc tuyên bố ngay lập tức hạn chế nhập khẩu phim Mỹ. Nhưng theo chia sẻ của giới chuyên gia, tác động tài chính sẽ là không quá lớn vì doanh thu phòng vé tại Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây. Trong quá khứ, Hollywood từng coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng để thúc đẩy doanh thu phòng vé, do đây là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, phim nội địa Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế hơn so với phim Mỹ tại quốc gia tỷ dân. Ví dụ, bộ phim “Inside Out 2” của Pixar đã bị “Ne Zha 2” vượt mặt để giành lấy danh hiệu phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc, theo Reuters. Thực tế, phim Hollywood chỉ chiếm 5% tổng doanh thu phòng vé tại Trung Quốc. Ngoài ra, các hãng phim Hollywood chỉ nhận được 25% doanh thu vé từ Trung Quốc, trong khi tại các thị trường khác, họ thường thu về gấp đôi lợi nhuận.