Tập đoàn xây dựng Hàn Quốc Booyoung đã đưa ra mức “thưởng nóng” 75.000 USD cho nhân viên mỗi khi họ hạ sinh em bé. Đây là một trong những quyền lợi hấp dẫn được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Hàn Quốc đang đau đầu vì cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trầm trọng.
HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO
“Nếu tỷ lệ sinh của Hàn Quốc tiếp tục mắc kẹt ở mức thấp như hiện nay, đất nước sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng”, Chủ tịch Tập đoàn Booyoung Lee Jong-keun nói với đội ngũ nhân viên của mình vào tháng trước.
Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, tổng tỷ suất sinh của nước này - tức là số trẻ em trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ sinh – đã giảm từ mức 0,78 vào năm 2022 xuống 0,72 vào năm 2023. Con số này được dự đoán sẽ hạ còn 0,68 trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mốc 2,1 mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho là cần thiết để đảm bảo dân số ổn định trên diện rộng.
Trong cuộc họp với các bộ trưởng cấp cao vào tháng 12/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết: “Thời gian không còn nhiều, tôi hy vọng mọi cơ quan chính phủ sẽ tiếp cận vấn đề này với quyết tâm phi thường. Đây là yếu tố sống còn của đất nước”.
Những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng đang ngày càng được cảm nhận một cách rõ ràng hơn. Vào năm 2022, số lượng quân nhân Hàn Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 500.000 người, trong khi các trường đại học và trường phổ thông báo cáo lượng học sinh giảm dần và nhiều khu vực mẫu giáo đã phải chuyển thành viện dưỡng lão.
Cũng vào năm ngoái, có báo cáo chỉ ra rằng sản phẩm xe đẩy dành cho thú cưng ở Hàn Quốc được bán nhiều hơn cả xe đẩy dành cho trẻ sơ sinh.
Ông Choi Seul-gi, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Hàn Quốc, nhận định: “Trên thực tế, những gì chúng ta đang nhìn thấy ở Hàn Quốc hiện nay mới chỉ là hệ luỵ của tỷ lệ sinh ở mức 1,2 từ nhiều năm về trước. Mọi việc sẽ còn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong tương lai gần".
Các nhà kinh tế lưu ý rằng Hàn Quốc sẽ đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng khi chính phủ buộc phải hỗ trợ dân số đang già đi nhanh chóng. Theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, GDP của nước này vào năm 2050 sẽ thấp hơn 28% so với năm 2022, do dân số ở độ tuổi lao động giảm gần 35% trong 25 năm tới.
Tỷ lệ người dân ở độ tuổi 65 dự kiến sẽ tăng lên 25,5% vào năm 2030 và 46,4% vào năm 2070. Theo OECD, 40,4% người Hàn Quốc trên 65 tuổi đang sống trong tình trạng nghèo tương đối, tỷ lệ cao nhất trong các nước phát triển trong khi quỹ hưu trí quốc gia của nước này được dự báo sẽ cạn tiền chỉ sau hơn 30 năm nữa.
Oh Suk-tae, nhà kinh tế tại Société Générale ở Seoul, cho biết: “Hàn Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đất nước sẽ sớm bắt đầu bước vào tình trạng tăng trưởng âm khi dân số giảm. Sẽ có những vấn đề xã hội nghiêm trọng liên quan đến bảo hiểm y tế, lương hưu công, giáo dục và nhân lực quân sự”.
CHIẾN LƯỢC CỦA CHÍNH PHỦ
Các nhà hoạch định chính sách tại Hàn Quốc đã và đang tăng cường chiến lược ưu đãi tài chính cho các bậc cha mẹ tương lai. Trong đó các Đảng từ khắp chính trường sẽ công bố đề xuất của riêng mình trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng tới, từ trợ cấp nhà và giảm thuế cho đến tiêu chuẩn nghỉ sinh đối với cả cha và mẹ cũng như mở rộng trợ cấp cho chương trình sức khoẻ sinh sản.
Theo thống kê của chính phủ, trung bình một cặp vợ chồng mới cưới ở Hàn Quốc có tổng số nợ là 124.000 USD. Giới trẻ cũng phải đối mặt với mức học phí ngày càng cao trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt để giành được một suất tại các trường đại học danh tiếng và các công ty lớn, bên cạnh nhiều thách thức về nhà ở ở đô thị. Trước tình hình đó, một số công ty Hàn Quốc cũng đã phải tự mình bắt tay vào cuộc.
“Các công ty nhận thức đầy đủ rằng họ cần chung tay với chính phủ để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc. Họ đã phần nào cố gắng cải thiện văn hóa doanh nghiệp để giúp nhân viên tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, có thời gian để vừa làm việc vừa nuôi dạy con cái dễ dàng hơn”, ông Yoo Il-ho, trưởng nhóm chính sách việc làm và lao động tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc lưu ý.
Một số doanh nghiệp dường như đã đạt được thành công nhất định nhờ vào các biện pháp khuyến khích sinh nở riêng. Nhà bán lẻ hàng đầu đất nước - Lotte - tự hào về tỷ lệ sinh sản của nhân viên nữ tại công ty là 2 trẻ kể từ khi áp dụng các chương trình nghỉ thai sản và nghỉ sinh con vào năm 2012. Nhân viên nữ của Lotte được hưởng hai năm nghỉ thai sản cùng ba tháng nghỉ phép được nhà nước đảm bảo.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cảnh báo rằng nếu chỉ dừng lại ở các biện pháp khuyến khích tài chính và tạo điều kiện nghỉ sinh không thôi thì sẽ là chưa đủ. Bởi, theo văn phòng ngân sách của Quốc hội Hàn Quốc, từ năm 2006 đến 2023, nước này đã chi 270 tỷ USD cho các kế hoạch hỗ trợ tiền mặt, trợ cấp cho dịch vụ giữ trẻ và điều trị vô sinh nhưng thực tế vẫn chưa được cải thiện.
Lee Sang-lim, người đứng đầu trung tâm giám sát nhân khẩu học tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, nhận định: “Có thể ban đầu, chính phủ nghĩ nguyên do của vấn đề là tài chính, nhưng ngay cả những người Hàn Quốc tương đối khá giả cũng không có hoặc không muốn có con".
Ông Lee giải thích thêm rằng, cần hiểu mấu chốt gây ra sự suy giảm trong tỷ lệ sinh đẻ ở Hàn Quốc là bởi điều kiện sống quá nhiều áp lực, cho dù là nam hay nữ, ở bất kỳ lĩnh vực nào. Một đứa trẻ lớn lên không biết gì khác ngoài việc học và học, chứng kiến cha chật vật kiếm tiền cả ngày còn mẹ quay cuồng với cuộc sống nội trợ. Kết quả, khi lớn lên chúng cảm thấy ít gắn bó hơn với khái niệm gia đình - không muốn bản thân và con cái mình sau này có một cuộc sống mệt mỏi tương tự.
Nhiều chuyên gia cũng trích dẫn quan điểm xã hội cố hữu đã khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc xây dựng sự nghiệp và quán xuyến gia đình. Cô Yoon So-yun, giáo viên trung học 41 tuổi đến từ Seoul, chia sẻ: “Nếu tôi có con, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều tranh cãi hơn vì cuộc sống của tôi sẽ chỉ loanh quanh trông trẻ và làm việc nhà. Tôi phải lựa chọn giữa sự nghiệp hoặc có con”.
Điều đáng chú ý là ngay cả như khoản ưu đãi 75.000 USD mà Tập đoàn Booyoung đã đưa ra thậm chí còn không bằng một nửa những gì Yoon nói rằng cô ấy sẽ cần để sinh và nuôi lớn một đứa trẻ.
“Mẹ tôi cũng hay giục tôi có con nhưng tôi thường đùa rằng nếu bà cho tôi 200.000 USD thì có thể tôi sẽ chịu đẻ”, cô Yoon kể lại.