Trong số 11,03 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc vào năm ngoái, gần 37% trong đó (~3,93 triệu người) đều ở độ tuổi từ 30 trở xuống, theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Hàn Quốc.
Điều này thể hiện sự thay đổi so với một thập kỷ trước, khi tỷ lệ khách du lịch nước ngoài dưới 31 tuổi chỉ đứng ở dưới mức 27,6% vào năm 2013. Riêng nhóm nhân khẩu học từ 21-30 nổi lên là nhóm tuổi nổi bật nhất trong số khách du lịch nước ngoài tới Hàn Quốc với 2,79 triệu du khách, tương đương 25,3% tổng số du khách. Theo sát là khách du lịch trong độ tuổi 31-40, với số lượng 2,27 triệu lượt và chiếm 20,6%.
Xem xét việc phân tích quốc tịch, khách du lịch Nhật Bản vẫn là nhóm lớn nhất, với phân khúc dưới 31 tuổi tăng từ 26,6% lên 42,3% trong thập kỷ qua. Tương tự, du khách Trung Quốc cũng chứng kiến mức tăng đột biến từ 29,5% lên 38,3%.
Xu hướng du khách trẻ tuổi không chỉ đến từ các nước châu Á mà còn trên khắp toàn cầu. Tỷ lệ khách du lịch Pháp dưới 31 tuổi tới Hàn Quốc đã tăng từ 28,6% lên 43,6%. Trong trường hợp của Anh, tỷ lệ này tăng từ 20,7% lên 34,4%.
Làn sóng Hallyu, bao gồm K-pop, phim ảnh, sản phẩm làm đẹp và nội dung văn hóa, đã đóng một vai trò then chốt trong việc thu hút giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến Hàn Quốc.
Ví dụ, người hâm mộ không chỉ tham dự các buổi concert của nhóm nhạc BTS mà còn tìm đến các địa điểm liên quan như công ty quản lý HYBE ở Yongsan. Sức hấp dẫn của những bộ phim truyền hình có cảnh dọc sông Hàn đã tạo cảm hứng và khuyến khích du khách thưởng thức gà rán và bia bên bờ sông, tái hiện lại những hình ảnh mà họ thấy trên phim.
Trong số 18.400 người tham gia cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, 95,2% đã chọn Hàn Quốc là một trong những điểm đến hàng đầu. Sở thích đối với ẩm thực Hàn Quốc (27,8%), phim truyền hình (23,5%) và nhạc pop (13,8%) được cho là những yếu tố ảnh hưởng đến ấn tượng và ý định ghé thăm của du khách.
Để đáp ứng lượng khách du lịch ngày càng tăng sau Covid-19, nhiều tour du lịch cho khách nước ngoài đã được mở rộng sang cả các khu vực như Seongsu-dong và Yeouido, chứ không chỉ dừng lại ở các điểm đến mua sắm như Myeong-dong và Jamsil, khi thế hệ Millennials và Gen Z ngày càng thích khám phá những nơi độc đáo, địa phương hơn là các địa chỉ đã quá quen thuộc.
Ở những quận như Seongsu-dong, nổi tiếng với các quán cà phê nhộn nhịp và quầy chụp ảnh lấy liền, doanh thu chung đều đã tăng vọt 973% so với năm 2019. Tương tự, Yeouido, nơi có các cửa hàng bách hóa như The Hyundai Seoul, chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt 479% trong khi Hannam-dong ghi nhận mức tăng đột biến 429% so với số liệu năm 2019.
Ngược lại, các khu mua sắm miễn thuế truyền thống như Sogong-dong lại bất ngờ với đà giảm mạnh 90% và Jamsil 3-dong giảm 88% so với năm 2019.
Hơn nữa, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống chứng kiến tỷ lệ doanh thu tăng đáng kể nhất trong các giao dịch của khách du lịch nước ngoài, tăng từ 15% năm 2019 lên 26% vào năm 2023. Các hoạt động trải nghiệm như chụp ảnh tức thì và karaoke cũng tăng từ 1 lên 7%, trong khi dịch vụ vận tải, bao gồm lưu trữ hành lý và xe buýt tốc hành, tăng từ 1 lên 4%.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi trong xu hướng du lịch nước ngoài từ du lịch theo nhóm sang du lịch cá nhân, với việc chi tiêu cho trải nghiệm và di chuyển ngày càng tăng trong khi chi tiêu mua sắm lại giảm”, một đại diện từ công ty nghiên cứu BC Card lưu ý.