Du lịch Hàn Quốc thâm hụt 3,9 tỷ USD trong quý 1/2024, mức cao kỷ lục 5 năm

Hàn Quốc mới đây đã ghi nhận mức thâm hụt du lịch lớn nhất trong 5 năm khi số lượng du khách Hàn Quốc ra nước ngoài áp đảo du khách nước ngoài đến đây…

Du lịch Hàn Quốc thâm hụt 3,9 tỷ USD trong quý 1/2024, mức cao kỷ lục 5 năm

Theo Hệ thống Thống kê Kinh tế của Ngân hàng Hàn Quốc, nước này đã ghi nhận mức thâm hụt du lịch lên đến 3,9 tỷ USD trong quý 1/2024. Đây là mức thâm hụt du lịch lớn thứ hai sau quý 3/2018, với mức thiệt hại khi đó là 4,17 tỷ USD.

Ngay cả thương mại dịch vụ, chiếm phần lớn nhập khẩu du lịch (chi tiêu của cư dân của một quốc gia khi họ đi du lịch nước ngoài) tại Hàn Quốc, cũng chìm sắc đỏ trong 23 tháng liên tiếp.

screenshot-2024-05-27-at-145034-9568.png
Cán cân thương mại du lịch của Hàn Quốc theo quý (từ năm 2022 đến quý 1/2024). Đây là một khía cạnh của cán cân thanh toán, phản ánh sự chênh lệch giữa thu nhập từ du lịch quốc tế (số tiền mà du khách nước ngoài chi tiêu trong một quốc gia) và chi tiêu du lịch quốc tế (số tiền mà công dân của quốc gia đó chi tiêu khi du lịch nước ngoài)

Điều này dẫn đến việc thâm hụt thương mại của ngành du lịch và dịch vụ đã ảnh hưởng đáng kể đến thặng dư xuất khẩu sản phẩm của Hàn Quốc, khiến tổng thặng dư trong tài khoản vãng lai của nước này chỉ còn lại 16,84 tỷ USD trong quý đầu tiên.

Tình trạng thâm hụt du lịch mà Hàn Quốc phải đối mặt là do số lượng du khách Hàn Quốc ra nước ngoài đang vượt xa số lượng khách nước ngoài đến Hàn Quốc từ sau đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, đã có 7,42 triệu du khách Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài trong quý đầu năm 2024, phục hồi tới 94,4% so với tổng số ghi nhận trong quý 1/2019. Nhưng số lượng du khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong quý 1 vừa qua là khoảng 3,4 triệu, chỉ bằng 88,6% so với mức được báo cáo 5 năm trước.

Sự khác biệt trong tiêu dùng của khách du lịch Hàn Quốc và khách nước ngoài cũng càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Người Hàn Quốc đã chi 7,44 tỷ USD khi đi du lịch nước ngoài trong quý 1/2024, giảm 7,2% so với mức 8,02 tỷ USD vào quý 1/2019.

Trong khi đó, nhập khẩu du lịch (travel import) - số tiền mà khách du lịch nước ngoài chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ ở Hàn Quốc - chỉ vào khoảng 3,54 tỷ USD, giảm 29% so với mức 4,99 tỷ USD trước đại dịch.

Điều này cho thấy mức tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc đang giảm mạnh; chủ yếu là do lượng khách Trung Quốc, đặc biệt là khách du lịch theo đoàn, không quay trở lại với tỷ lệ tương đương. Hơn nữa, khách du lịch ngày nay có xu hướng ưu tiên cho trải nghiệm như cắm trại, workshop ẩm thực hay hoà nhạc K-pop thay vì là mua sắm.

screenshot-2024-05-27-at-145014-1324.png
Thâm hụt du lịch Hàn Quốc gia tăng sau đại dịch Covid-19

Theo Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, tỷ lệ khách Trung Quốc coi mua sắm là một yếu tố hàng đầu khi chọn Hàn Quốc làm điểm đến du lịch đã giảm từ 72,5% vào năm 2019 xuống còn 49,5% vào năm ngoái. Mặc dù mua sắm từng là mục đích du lịch chính của 95,1% tổng số khách Trung Quốc đến Hàn Quốc vào năm 2019, nhưng con số này đã giảm xuống còn 68,2% vào năm 2023.

Ngành hàng miễn thuế của Hàn Quốc cũng ghi nhận khoản lỗ hoạt động hoặc giảm lợi nhuận trong quý đầu tiên dù lượng khách du lịch tăng.

“Khách du lịch nước ngoài, những người trước đây thường xuyên ghé thăm các địa điểm mua sắm, hiện đang ưu tiên cho trải nghiệm nhiều hơn, đặc biệt là khi ngày càng nhiều người trong số họ đi du lịch một mình”, Lee Hoon, giáo sư tại Khoa Du lịch của Đại học Hanyang nhận xét.

Ngành du lịch Hàn Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thâm hụt trong tương lai tới đây. Một số chuyên gia lưu ý, chính quyền nước này cần sửa đổi chính sách để vừa có thể thu hút khách du lịch nước ngoài vừa khuyến khích kéo dài thời gian lưu trú nhằm cải thiện sự cân bằng du lịch.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…