Giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 12 năm

Theo báo cáo từ Cơ quan Lương thực của Liên Hợp Quốc, chỉ số giá gạo toàn cầu trong tháng 7 đã vượt lên mốc 129,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011…

Nhiều loại gạo được bày bán tại một nhà buôn ở Guwahati, Ấn Độ
Nhiều loại gạo được bày bán tại một nhà buôn ở Guwahati, Ấn Độ

Theo thông báo từ Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và điều kiện thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Riêng trong tháng 7, chỉ số giá gạo (All Rice Price Index) của FAO ghi nhận mức tăng 2,8% lên 129,7 điểm.

Chỉ số này đã tăng 19,7% so với một năm trước và đang giữ mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, dữ liệu từ FAO cho thấy. Trong đó, mức tăng giá mạnh nhất phải kể đến ở Thái Lan.

“Những lo ngại về tác động tiềm tàng của El Nino đối với sản xuất ở một số nhà cung cấp lớn, cũng như gián đoạn do mưa và sự thay đổi chất lượng trong vụ thu hoạch hè thu đang diễn ra của Việt Nam, đã ảnh hưởng lớn tới giá cả toàn cầu”, báo cáo nêu rõ.

Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu Rabobank, nói với CNBC: “Rất có thể chúng ta sẽ thấy chỉ số giá gạo của FAO trong tháng 8/2023 sẽ còn cao hơn so với tháng 7/2023”.

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào ngày 20/7 khi chính phủ tìm cách kiềm chế giá lương thực và đảm bảo có đủ nguồn cung trong nước với giá thành hợp lý.

Và mặc dù khi lệnh cấm mới chỉ ảnh hưởng đến một phần tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, nhưng FAO lưu ý rằng hạn chế này sẽ làm tăng mối lo ngại về an ninh lương thực đối với một bộ phận lớn dân số thế giới.

Giá gạo hiện đang dao động ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, với giá gạo thô kỳ hạn tháng 9 được giao dịch lần cuối ở mức 16,02 USD/tạ. Và mức giá này có khả năng còn cao hơn nữa trong thời gian tới.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm tồn kho thấp theo mùa ở các nhà cung cấp gạo lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á.

Samarendu Mohanty, giám đốc khu vực châu Á tại Trung tâm Khoai tây Quốc tế nhận định: “Giá có thể còn cao hơn nhiều nếu các nước nhập khẩu cố gắng dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong khi các nhà cung cấp lớn đưa ra một hạn chế xuất khẩu tương tự Ấn Độ”.

El Nino có thể làm trầm trọng thêm rủi ro đối với sản xuất toàn cầu tại các nước sản xuất gạo lớn khác ở châu Á như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam. “Trong vài tháng tới, hướng đi của giá gạo toàn cầu sẽ được xác định bởi tác động của El Nino”, ông Oscar Tjakra cho biết trong một email.

El Nino là một hiện tượng khí hậu với nhiệt độ và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có thể làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của người dân.

Một nghiên cứu khoa học cho thấy lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương, có khả năng mất mùa cao nhất trong giai đoạn xảy ra hiện tượng El Nino. Đáng quan ngại hơn nữa, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, hiện đang khuyến khích nông dân của mình gieo trồng ít hơn để tiết kiệm nước do lượng mưa thấp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…