Tác giả, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thưởng trước biển chào của thị trấn Phin Deli
Tháng 4/2012, Phạm Đình Nguyên - một doanh nhân người Việt vụt nổi tiếng với thương vụ mua lại cả một thị trấn ở nước Mỹ sau… 12 phút đấu giá. 4 năm sau, từ một thị trấn Buford cũ kỹ đã trở thành Phin Deli – nơi quảng bá thương hiệu cà phê phin của người Việt tại Mỹ. Thương gia giới thiệu bài viết của anh Nguyễn Thưởng – chuyên gia kinh tế sau một chuyến viếng thăm thị trấn nổi tiếng này.
Chúng tôi có một hành trình qua nhiều tiểu bang của nước Mỹ, sử dụng nhiều loại phương tiện giao thông. Đặc biệt hơn là nhiệt huyết và niềm đam mê luôn dâng cao trong lồng ngực trên suốt hành trình. Dậy từ sáng sớm tinh mơ ở Houston, đi xe coach quay lại Austin hơn 4 tiếng dưới trời mưa tầm tã, bay gần 3 tiếng từ Austin đi Denver, tiểu bang Colorado và tiếp tục hành trình bằng việc thuê xe tự lái hơn 3 tiếng chúng tôi đã đến Buford, tiểu bang Wyoming trong tiết trời đầu thu tuyệt đẹp của miền trung tây nước Mỹ...
Đến sân bay Denver, tiểu bang Colorado, 3 anh em không về khách sạn nghỉ ngơi mà lấy xe thuê của hãng “Dollar Rent-a-Car” đã đặt từ trước, đi thẳng về tiểu bang Wyoming thăm thị trấn nổi tiếng có dân số 1 người mà Phạm Đình Nguyên, một doanh nhân Việt nam mua lại của ông Don Sammons trong một cuộc đấu giá mấy năm trước - thị trấn Buford mà sau đó Nguyên đã đổi tên thành Phin Deli.
Bật GPS, tìm Phin Deli thuộc tiểu bang Wyoming thì không thấy, có lẽ GPS chưa cập nhật cái tên mới này nên phải tìm tên cũ Buford. Định vị đường đi xong và cứ thế chạy. Đường xá và cảnh quan tuyệt đẹp. Chặng đường dài 215 dặm tính từ Denver và nếu không kẹt xe thì đi hết 2 tiếng 10 phút. Tuy nhiên, vừa ra khỏi sân bay Denver, 3 anh em đã bị kẹt xe trước khi vào xa lộ, vì thế phải đi gần 3 tiếng, 5h chiều mới tới nơi. Xa lộ liên bang số 80 từ Denver, tiểu bang Colorado cứ thưa dần xe khi sang đến địa phận tiểu bang Wyoming.
Những trang trại nuôi bò và những cánh đồng cỏ bạt ngàn. Cách điểm đến 20 dặm thì bắt đầu chú ý tìm cái tên Buford hoặc Phin Deli. Biển quảng cáo Phin Deli cuối cùng cũng đã hiện ra và chạy thêm ít phút nữa thì Phin Deli hiện ra trước mặt. Ngôi nhà cũ bán tạp hoá, trạm xăng, cột cờ... Một cảm xúc rất đặc biệt khi đứng giữa một thị trấn nhỏ chỉ có vài mái nhà, diện tích 10 acres (mẫu Anh) của một người Việt nam giữa trung tâm nước Mỹ. Mọi người thường nói Phin Deli là chốn hẻo lánh, nhưng thực ra nó nằm ngay trên xa lộ liên bang số 80 và chỉ cách Cheyenne, thành phố thủ phủ của tiểu bang Wyoming 25 dặm, tương đương 25 phút lái xe.
Đón chúng tôi là Jason, một chàng cao bồi Wyoming chính hiệu, đẹp trai và lịch lãm như một tài tử Hollywood. Jason cho biết, mấy anh em chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên đến thị trấn này. Dù sở hữu thị trấn và là “Thị trưởng”, nhưng như Jason nói Nguyên cũng mới chỉ đến đây 2 lần.
Lần đầu lúc mua thị trấn và lần thứ 2 lúc khánh thành cửa hàng và trạm xăng (mà thực chất là sửa sang lại). Jason thay Nguyên quản lý kinh doanh, là nhân viên bán hàng và kiêm tất cả, kể cả… bảo vệ. Jason đeo một khẩu súng bên hông, trông càng giống một chàng cao bồi thực thụ. Có một ngôi nhà nhỏ phía sau nhà bán hàng nhưng không ai ở. 6h chiều cửa hàng và trạm xăng đóng cửa, Jason về thị trấn khác gần đó cách 3 dặm. Thị trấn ban đêm được camera giám sát và… không có một ai.
Cây xăng khá đơn giản. Cửa hàng cũng vậy, nhưng bên trong có tất cả những hàng hoá thiết yếu cho người ghé qua, có quầy bán đồ lưu niệm, có cả một kệ đĩa nhạc Việt, đĩa nhạc Chopin do nghệ sỹ Đặng Thái Sơn biểu diễn. Đặc biệt hơn là có cả cây ATM và khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đúng là nước Mỹ, dù là trung tâm thành phố lớn hay miền quê hẻo lánh xa xôi thì những tiện ích cơ bản chẳng khác gì nhau. Jason cho biết, hàng ngày có trung bình khoảng 100 người ghé qua mua xăng và hàng hoá trong cửa hàng.
Ở lại “thị trấn” Phin Deli khoảng hơn hai tiếng, sau đó chúng tôi quay lại Denver. Đã từng đi qua nhiều nơi nhưng đây thực sự là một chuyến đi đặc biệt thú vị. Có lẽ ấn tượng lớn nhất mà chúng tôi giữ mãi chính là sự khâm phục đối doanh nhân Phạm Đình Nguyên. Với một thương vụ trị giá khoảng 20 tỷ VND, ông Nguyên đã đạt được rất nhiều mục đích: Truyền thông cực tốt cho thương hiệu cà phê Phin Deli, không chỉ trong nước mà còn cả tại Mỹ; đưa sản phẩm của mình vào Mỹ một cách chính thống và “ồn ào” nhất có thể… Tất nhiên, với những lợi ích đó, thì Phin Deli là một “món hời” đối với Phạm Đình Nguyên.