Theo dữ liệu được công bố bởi Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá thực phẩm và hàng tạp hóa vẫn ở mức cao (gần gấp đôi tỷ lệ lạm phát chung) vào khoảng 11,8% so với năm trước. Nguyên nhân được nhắc đến bao gồm chiến sự Nga - Ukraine, dịch bệnh, thời tiết và một loạt các yếu tố khác.
Nhà phân tích thực phẩm tiêu dùng cấp cao của Rabobank Tom Bailey, cho biết: “Mặc dù Hoa Kỳ đang thấy áp lực lạm phát giảm bớt, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn về chi phí trước mắt. Chi phí phân bón đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức rất cao. Chi phí năng lượng cũng vậy. Bên cạnh đó, chi phí lao động vẫn là một vấn đề nhức nhối — và danh sách này vẫn còn dài.”
Thời tiết và dịch bệnh cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến giá của một số sản phẩm – và không gì “chịu khổ” hơn giá trứng: Giá trứng gà đã tăng 59,9% so với năm 2021, một tỷ lệ chưa từng thấy kể từ năm 1973. Từ đầu năm ngoái, một loại dịch cúm gia cầm nguy hiểm đã bùng phát trong các nông trại, đặc biệt là ở gà tây và gà đẻ trứng; cùng với đó là chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi cũng tăng cao.
Kết quả là, những người dân Mỹ đang phải trả tới 6 hay 7 USD (165 nghìn đồng) cho một hộp trứng 12 quả.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy những đợt tăng giá đó - nói chung - đang có chiều hướng tăng với tốc độ chậm lại. Trong tháng 12, giá “thực phẩm tại nhà” chỉ tăng 0,2% so với tháng trước. Đó là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021.
Nhà phân tích Tom Bailey cho biết những kỳ vọng về việc tăng giá thực phẩm sẽ tiếp tục ở mức vừa phải. “Tôi nghĩ rằng trong 12 tháng tới, chúng ta sẽ thấy sự cải thiện về nguồn cung. Rồi sau đó chúng ta sẽ bắt đầu thấy giá cả được điều chỉnh và đến cuối năm 2024 có thể là sự giảm phát trong thực phẩm”.
Mức tăng của một số nhóm thực phẩm thiết yếu tại Mỹ trong năm 2022:
Trứng: +59,9%
Bơ và bơ thực vật: +35,3%
Xà lách: +24,9%
Bột và hỗn hợp bột đã chế biến: +23,4%
Bánh mì: +15,9%
Ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc: +15,6%
Cà phê: +14,3%
Sữa: +12,5%
Gà: +10,9%
Thức ăn trẻ em: +10,7%
Trái cây tươi: +3,4%