Mỹ: Giá trứng gà khi nào mới... ổn định?

Giá trứng gà đã đạt mức cao kỷ lục tại nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và New Zealand…
giá trứng

Mặc dù giá trứng gà đã giảm bớt từ mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 12/2022, nhưng giới phân tích dự đoán giá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trên toàn thế giới trong năm nay, đặc biệt là ở những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch cúm gia cầm (HPAI). Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá trứng tăng vọt vào năm ngoái, bên cạnh các yếu tố cung và cầu khác như chi phí thức ăn chăn nuôi gia tăng.

Cụ thể, giá trứng trung bình đã giảm gần 7% trong tháng 2 so với tháng 1, theo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ. Một tá trứng lớn Hạng A có giá 4,21 USD (~100.000 đồng/hộp 12 quả) trong tháng 2, giảm 13% so với mức 4,82 USD (~115.000 đồng/hộp 12 quả) cao kỷ lục trong tháng 1, theo dữ liệu do Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis theo dõi. Trong tháng 3, giá trứng đã giảm 10,9% xuống 3,45 USD (81.000 đồng/hộp 12 quả). 

giá trứng
Giá trứng gà tại Mỹ đã bắt đầu giảm kể từ tháng 2/2023.

Dù vậy, giá trứng bán lẻ ở Mỹ vẫn cao hơn 55% so với một năm trước - một trong những tỷ lệ tăng lớn nhất trong số các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Theo nhận định của ngân hàng Rabobank (Hà Lan), giá trứng gà đã đạt mức giá cao kỷ lục tại nhiều thị trường kể từ đầu năm 2023.

“Giá trứng toàn cầu của đạt kỷ lục mới vào quý 1/2023, với chỉ số hiện đạt đỉnh trên mức 250, có nghĩa là giá cao gấp 2,5 lần so với năm tham chiếu 2007 và đã tăng hơn 100% kể từ thời điểm này năm ngoái,” ông Nan-Dirk Mulder, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank, cho biết.

Ông Mulder giải thích thêm, thức ăn chăn nuôi chiếm 60% đến 70% chi phí của người nuôi gà đẻ trứng, vì vậy bất kỳ thay đổi hoặc sự không chắc chắn nào xung quanh chi phí thức ăn chăn nuôi đều ảnh hưởng đến giá trứng và nguồn cung.

Các ảnh hưởng khác đối với giá bao gồm cả các tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động, các hạn chế sản xuất do các quy định mới và những thay đổi trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng chịu áp lực lạm phát. 

Ngoài ra, virus cúm gia cầm tiếp tục hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù cho đến nay chưa có đợt bùng phát diện rộng quá nguy hiểm nào được phát hiện, nhưng sự hiện diện liên tục của dịch cúm vẫn là rủi ro lớn đối với các nhà cung cấp.

Theo Rabobank, “lạm phát trứng” đang trở thành một hiện tượng lạm phát độc nhất vô nhị trên toàn cầu. Trong những tháng gần đây, không chỉ tại Mỹ mà cả châu Âu, Brazil, Mexico, Nhật Bản, Philippines và New Zealand đều đang trải qua giai đoạn giá trứng đạt mức cao kỷ lục. 

Trong khi giá trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, thì một số quốc gia “may mắn” sẽ thấy giá trứng dần hạ nhiệt. Những quốc gia này vốn là những nơi đã trải qua mức giá cực cao, như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, theo nhận định của các nhà quan sát. 

Tuy nhiên, cho dù giá trứng có giảm khỏi mức cao nhất mọi thời đại, nhưng nhìn chung nó không giảm xuống mức thường được thấy trong lịch sử sau một cuộc khủng hoảng.

Các khu vực có rủi ro bùng phát dịch cúm gia cầm cao, hoặc thiếu khả năng tiếp cận tài chính, sẽ tiếp tục chứng kiến giá trứng tăng mạnh. Việc hạn chế nguồn giống cũng như các quốc gia thay đổi quy định, chẳng hạn như Đức, sẽ là rào cản đối với việc ổn định giá cả. 

Có thể bạn quan tâm