Nghịch lý Nvidia: Cổ phiếu mất giá vì doanh thu... tăng quá cao

Kết quả kinh doanh của Nvidia tiếp tục vượt kỳ vọng của Phố Wall, nhưng với một công ty đã có đà tăng trưởng quá ngoạn mục trong hai năm qua, những con số này có thể không còn đủ để gây ấn tượng với các nhà đầu tư…

Nghịch lý Nvidia: Cổ phiếu mất giá vì doanh thu... tăng quá cao

Nhà sản xuất chip AI Nvidia đã báo cáo doanh thu hơn 30 tỷ USD trong quý tài chính thứ hai, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức dự báo 28,7 tỷ USD của các nhà phân tích Phố Wall. Lợi nhuận quý cũng tăng gấp đôi lên 16,6 tỷ USD, cao hơn so với mức 15 tỷ USD được ước tính.

Các bộ vi xử lý AI của Nvidia đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của AI trong lĩnh vực công nghệ và làm dấy lên làn sóng đầu tư vào AI trên Phố Wall.

Cổ phiếu của Nvidia đã tăng “phi mã” 154% trong năm nay và hơn 3.000% trong 5 năm qua nhờ cơn sốt AI. Hiện tại, giá trị thị trường của công ty đã vượt 3 nghìn tỷ USD và là một trong ba công ty duy nhất của Mỹ đạt được cột mốc ấn tượng này.

Công ty cũng đưa ra dự báo doanh thu quý 3 tốt hơn so với mong đợi, tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu của công ty trên thị trường bán dẫn. Tuy nhiên, cổ phiếu Nvidia lại giảm tới 5% trong giao dịch ngoài giờ sau khi báo cáo được công bố.

Diễn biến của cổ phiếu Nvidia có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, do tỷ trọng lớn của công ty chiếm khoảng 7% trong chỉ số S&P 500.

Đã có những câu hỏi bắt đầu được đặt ra về tính bền vững của chu kỳ tăng trưởng AI. Hơn nữa, không có công ty nào có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh như vậy mãi mãi. Mặc dù Nvidia đã vượt qua kỳ vọng của Phố Wall về doanh thu và lợi nhuận, nhưng các nhà đầu tư dường như thất vọng vì mức vượt không đủ lớn.

“Dù các con số cho thấy cuộc cách mạng AI vẫn đang tiến triển mạnh mẽ, nhưng mức vượt kỳ vọng lần này thấp hơn so với các quý trước, làm gia tăng các cảnh báo về rủi ro và xu hướng điều chỉnh trong lĩnh vực công nghệ”, Thomas Monteiro, nhà phân tích cao cấp tại Investing.com giải thích.

Tin đồn về khả năng trì hoãn việc ra mắt dòng chip AI mới của công ty, có tên gọi Blackwell, cũng đã gây lo ngại, mặc dù giám đốc điều hành Jensen Huang cho biết trong cuộc họp tối thứ Tư rằng Nvidia dự kiến sẽ bắt đầu kiếm được doanh thu từ Blackwell trong năm tài chính này.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO Nvidia Jensen Huang tiết lộ nhu cầu đối với Blackwell đang vượt xa nguồn cung nhưng công ty sẽ sớm có nhiều nguồn cung hơn và có thể tăng tốc sản xuất kể từ quý 4/2024.

“Báo cáo thu nhập của Nvidia đã trở thành sự kiện tài chính quan trọng nhất thế giới trong tuần này. Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn tổ chức các buổi nghe báo cáo như thể đó là trận chung kết World Cup”, Bespoke Investment Group viết trong một ghi chú hôm thứ Tư.

Mặc dù nhà đầu tư có vẻ thận trọng, nhưng hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất chip này vẫn chưa hề có dấu hiệu chững lại.

Hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu của Nvidia vẫn là động lực chính cho thành công của công ty, cho thấy nhu cầu về cơ sở hạ tầng AI trong lĩnh vực công nghệ không giảm sút. Công ty đã thu về gần 26,3 tỷ USD từ doanh số trung tâm dữ liệu, chiếm 87% tổng doanh thu.

“Nvidia tiếp tục hưởng lợi từ một nghịch lý thú vị trên thị trường: Các công ty công nghệ lớn dù chủ động đầu tư phát triển chip của riêng mình, nhưng vẫn cần phải mua chip AI của Nvidia”, Jacob Bourne, nhà phân tích công nghệ tại Emarketer nhận định.

Thật vậy, phần lớn những tập đoàn công nghệ lớn mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI đều phải đặt mua chip từ Nvidia. Trong các báo cáo thu nhập gần đây, có thể thấy Google, Microsoft và Meta Platforms cùng hứa hẹn đẩy mạnh chi tiêu cho AI.

Meta dự kiến chi tiêu vốn cả năm sẽ nằm trong khoảng 37-40 tỷ USD. Microsoft cho biết sẽ chi tiêu nhiều hơn trong năm tài chính 2025 so với mức 56 tỷ USD của năm 2024. Google đặt mục tiêu chi tiêu vốn ở mức bằng hoặc trên 12 tỷ USD cho mỗi quý trong năm nay. Ngay cả đối với các công ty giàu có, đó cũng là những con số lớn. Với Google, chi tiêu vốn quý 2 của công ty tương đương khoảng 17% tổng doanh thu.

Mặc dù còn đó những lo ngại về khả năng trì hoãn ra mắt chip Blackwell, công ty nghiên cứu Third Bridge vẫn ước tính rằng 60-70% hoạt động đào tạo mô hình AI tại các tập đoàn lớn như Microsoft và Google sẽ sử dụng các chip mới của Nvidia vào cuối năm tới.

CEO Jensen Huang của Nvidia đã khẳng định tiềm năng của công ty, nhấn mạnh rằng chip của công ty không chỉ cung cấp năng lượng cho các chatbot AI mà còn cho các hệ thống quảng cáo, công cụ tìm kiếm, robot và các thuật toán gợi ý… “Trong tương lai, mỗi trung tâm dữ liệu sẽ đều sẽ có GPU, sản phẩm nổi tiếng của Nvidia”, ông Huang tự tin cho biết.

Chứng tỏ rằng, ngay cả khi sự cường điệu về cổ phiếu Nvidia có giảm đi, thì các yếu tố cơ bản của công ty vẫn sẽ vững mạnh trong tương lai.

Xem thêm

Chứng khoán Mỹ nhuộm đỏ vì "quả bom" Nvidia

Chứng khoán Mỹ nhuộm đỏ vì "quả bom" Nvidia

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào phiên 28/8 trước thềm công bố báo cáo quý từ Nvidia. Đây được xem như tâm điểm chú ý hiện tại của Phố Wall và có thể gây biến động lớn trong lĩnh vực công nghệ…

Cổ phiếu Nvidia kéo tụt S&P 500, giá dầu tăng mạnh

Cổ phiếu Nvidia kéo tụt S&P 500, giá dầu tăng mạnh

Nvidia là một trong những lý do chính khiến chỉ số S&P 500 trượt giảm trong phiên đầu tuần, trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát để tìm kiếm manh mối về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Có thể bạn quan tâm

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Đối mặt với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chấm dứt “ngoại lệ de minimis”, hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Shein và Temu đang mở rộng kế hoạch chi tiêu quảng cáo tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh tại đây…

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu đã ngừng vận chuyển trực tiếp hàng hoá từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn sau khi “ngoại lệ de minimis” chấm dứt, từ đó khiến hàng chục nghìn sản phẩm hiển thị trên website bị đánh dấu là hết hàng…

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...