Ông Phạm Văn Thinh – TGĐ Deloitte Việt Nam: Lãnh đạo quyết đoán, các chính sách kích cầu sẽ phát huy tác dụng

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Thinh – TGĐ Công ty Tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam khi trao đổi với Thương Gia dưới góc nhìn của người đang điều hành một trong “Big 4” tổ chức kiểm toán của Việt Nam.
Ông Phạm Văn Thinh – TGĐ Deloitte Việt Nam: Lãnh đạo quyết đoán, các chính sách kích cầu sẽ phát huy tác dụng

Ông Thinh khẳng định, đại dịch Covid-19 khiến DN phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi DN gặp khó khăn, Chính phủ đã rất nhanh chóng hỗ trợ họ bằng các công cụ điều hành chính sách. Nhưng để các giải pháp này phát huy hiệu quả tối đa, thì cần sự “quyết đoán” của các cấp lãnh đạo trong quá trình thực thi.

Thưa ông, đại dịch Covid-19 đang tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Có nhiều ý kiến đang thảo luận về mô hình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch như mô hình chữ V, U hay L… Theo ông nhận định, sau đại dịch, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo mô hình nào?

Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng cả về y tế và kinh tế, tác động toàn diện đến xã hội và nền kinh tế. Chúng ta đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 01 tuần nữa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và các DN đã và đang chịu tác động rất lớn. Cụm từ “suy thoái kinh tế” đã được cộng đồng DN Việt Nam và Chính phủ đặt ra.

Đến thời điểm này, không ai chắc chắn về thời điểm đại dịch kết thúc nhưng có một điều chắc chắn, kinh tế khó có thể trở lại như trước. Đây là quan điểm của rất nhiều người và tôi cũng khá đồng tình với nhận định này.

Kịch bản chữ V cho rằng, sự suy giảm chạm đáy nhanh và hồi phục nhanh, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phục hồi nhanh chóng trong 6-12 tháng. Trong khi kịch bản chữ U cho rằng, suy thoái chạm đáy một khoảng thời gian mới bắt đầu khôi phục trở lại đỉnh như trước suy thoái. Khả thi nhất phục hồi trong 1-2 năm. Kịch bản chữ L cho rằng, suy giảm nhanh chóng không thể phục hồi hoặc thời gian phục hồi kéo dài, gây tổn thất nặng nề cho nhiều ngành, thời gian để phục hồi phải lên đến trên 2 năm.

Với độ mở rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, việc phục hồi kinh tế không chỉ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch sớm mà còn phụ thuộc rất lớn vào việc mở cửa của các thị trường chính. Dịch chỉ thực sự được kiểm soát khi tìm ra được vaccine.

Theo dự đoán của Mỹ, Hàn Quốc và một số nước, vaccine được thử nghiệm thành công trên con người vào tháng 7 – tháng 8. Trong khi đó, Việt nam đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Thủ tướng Chính phủ đã bắt đầu bàn tới việc nới lỏng cách ly và cho phép các hoạt động kinh tế tái khởi động trở lại bắt đầu từ tuần tới. Nếu vậy, kịch bản Chữ V có thể là mô hình phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ đang rất tích cực triển khai các gói hỗ trợ cho DN: cho vay với lãi suất thấp, giãn thời gian nộp thuế TNDN, hình thành gói hỗ trợ… Ông đánh giá thế nào về chính sách này? Chúng ta còn cần thêm các biện pháp nào khác không?

Theo khảo sát trên 1.200 DN của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, 74% DN cho biết có thể phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, gần 30% DN mất từ 20-50% doanh thu, trong khi 60% DN mất hơn một nửa doanh thu. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần 35.000 DN đã rút khỏi kinh doanh trong Quí I/2020. Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng nhất là du lịch, vận tải, giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, ngân hàng, bất động sản.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP để hỗ trợ các đối tượng DN bị ảnh hưởng nặng có thể kể đến như: tạm hoãn hoặc có chính sách miễn giảm đối với việc nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn….; giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các DN bị ảnh hưởng trong thời kỳ dịch bệnh….; hỗ trợ vốn cho DN bằng cho vay với lãi suất thấp và thời gian ân hạn dài hơn thông thường, giãn các khoản vay hiện tại và hỗ trợ một phần lãi tiền vay. Đây là giải pháp thiết thực, cần thực hiện ngay cho các DN nói chung trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, với một nguồn lực hạn chế, vấn đề quan trọng là phải xác định được lĩnh vực, ngành nghề thực sự cần “giải cứu”. Mặc dù, hầu hết các DN đều đang gặp phải những khó khăn ở các mức độ khác nhau, các gói hỗ trợ cần tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giám sát việc thực thi, đảm bảo sự minh bạch trong phân bổ nguồn lực, đảm bảo không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Các DN không phải bỏ thêm các khoản chi phí trung gian khi tiếp cận các nguồn vốn, các chính sách ưu đãi. Có như vậy, các chính sách, gói kích thích kinh tế này mới thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, với tình hình diễn biến tương đối khả quan của bệnh dịch trong thời gian vừa qua, chỉ có 12 tỉnh, thành phố thuộc diện nguy cơ cao, chúng ta có thể cân nhắc tháo dỡ dần biện pháp cách ly để các DN có thể quay lại nhịp độ hoạt động bình thường. Điều này rất quan trọng, liên quan đến sự sống còn của các DN.

Làm việc tại nhà giờ đây đã trở thành một phương thức làm việc không chỉ được áp dụng tại các DN trong nước mà còn trên toàn thế giới. Với kinh nghiệm tích luỹ khi làm việc tại Deloitte, ông có lời khuyên nào cho các DN trong quá trình quản lý và vận hành DN?

Trong điều kiện giãn cách xã hội và có thể là cả sau này, rất nhiều DN Việt Nam, trong đó có Deloitte, đang thực hiện các phương thức làm việc từ xa, trong đó có làm việc tại nhà. Nếu DN của bạn phải chuẩn bị cho tình huống nhân viên làm việc từ xa, điều đầu tiên bạn cần đảm bảo là có đủ cơ sở hạ tầng về công nghệ để hỗ trợ. Các vấn đề về băng thông, cơ sở hạ tầng VPN, cơ chế kiểm soát truy cập, chế độ xác thực, các công cụ bảo mật có thể đáp ứng tối đa nhu cầu truy cập… là các vấn đề cơ bản. DN cũng cần chuẩn bị các nền tảng phù hợp, đảm bảo an ninh cho các cuộc họp qua internet, việc chuyển tải dữ liệu qua mạng.

Sự gia tăng đột ngột trong các hoạt động trực tuyến sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của hệ thống, đến khả năng kết nối mạng và đến công tác bảo mật dữ liệu. Các công ty cần đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin và đội ngũ nhân viên hỗ trợ luôn trong trạng thái sẵn sàng để hoạt động của nhân viên luôn thông suốt. Mức độ rủi ro về không gian mạng cũng bị nhân lên nhiều lần khi các thành viên làm việc từ xa. DN cần có các biện pháp sẵn sàng để bảo vệ mạng và dữ liệu của mình.

Với phương thức làm việc mới, DN cần thay đổi các phương án đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên. Khi mà các bảng chấm công không còn ý nghĩa trên thực tế, hệ thống đo lường chất lượng và hiệu suất công việc là những vấn đề DN cần nghiên cứu và thay đổi phù hợp.

Một vấn đề có ý nghĩa quan trọng không kém là cần xem xét tác động của phương thức làm việc mới này đối với nhân viên. Các DN nên có sự đánh giá về tính sẵn sàng để làm việc ở nhà của họ, đồng thời cần xây dựng các phương thức tương tác, cập nhật thông tin thường xuyên nhằm hỗ trợ khi cần thiết. Đảm bảo cho các thành viên của tổ chức vẫn tương tác thường xuyên mặc dù không gặp gỡ về vật lý là một phần quan trọng trong việc duy trì văn hóa của tổ chức trong điều kiện làm việc mới.

Với cương vị là Tổng giám đốc của Deloitte Việt Nam, ông có thể tư vấn hay gợi ý các giải pháp giúp lãnh đạo DN để vượt qua khủng hoảng?

Tôi tin rằng một lãnh đạo kiên tâm với 5 yếu tố cơ bản như sau sẽ có thể chèo lái DN vượt qua khủng hoảng:

Thứ nhất là Lãnh đạo bằng trái tim và cả khối óc. Trong khủng hoảng, các nhà lãnh đạo kiên tâm sẽ là những người thực sự chân thành, đồng cảm, thấu hiểu với nhân viên, khách hàng và các bên liên quan khác trong “hệ sinh thái” của mình. Một lãnh đạo kiên tâm cũng đồng thời phải vạch ra một đường hướng hợp lý và cứng rắn để bảo vệ kết quả tài chính và kết quả kinh doanh không bị rơi vào tình trạng yếu kém.

Thứ hai là Đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Các nhà lãnh đạo kiên tâm cần xử lý và ổn định tổ chức của họ để đối phó và vượt qua khủng hoảng, trong khi vẫn có thể tìm “cơ” trong “nguy”.

Thứ ba là Đặt ra phương châm “Nhanh – giản dị” tốt hơn là “Chậm – hoàn hảo”. Các nhà lãnh đạo kiên tâm sẽ cần ra những quyết định quyết đoán và dũng cảm, dựa trên những thông tin có thể không thực sự đầy đủ, nhưng lúc này tốc độ và sự kịp thời mới là điều quan trọng cốt yếu.

Thứ tư là Làm chủ thông điệp. Các nhà lãnh đạo kiên tâm cần nắm bắt thông điệp ngay từ đầu, truyền đạt thông tin một cách minh bạch về thực tế hiện tại – kể cả việc nói thật rằng họ không có câu trả lời – nhưng đồng thời cũng có khả năng vẽ nên một bức tranh sinh động về một ngày mai tươi sáng để truyền cảm hứng cho mọi người vượt qua khủng hoảng.

Thứ năm là Giữ tầm nhìn dài hạn và chiến lược. Các nhà lãnh đạo kiên tâm luôn hướng sự tập trung về “phía chân trời”, dự báo các mô hình kinh doanh mới có khả năng xuất hiện và tạo điều kiện để phát kiến những phát minh có thể định hình những “tiêu chuẩn mới trong tương lai”.

Tôi tin rằng, với cách tiếp cận đúng đắn, cuộc khủng hoảng này thậm chí có thể trở thành đòn bẩy giúp DN tiến về phía trước và tạo ra nhiều giá trị cũng như tác động xã hội tích cực hơn.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xem thêm

CEO Vĩnh Tiến Đặng Trúc Lan Chi: Kinh doanh không chỉ là lợi nhuận

CEO Vĩnh Tiến Đặng Trúc Lan Chi: Kinh doanh không chỉ là lợi nhuận

Kinh doanh không phải chỉ để kiếm lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường – Đó là triết lý kinh doanh của bà Đặng Trúc Lan Chi - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Bến Tre) khi chia sẻ với Thương Gia.

Có thể bạn quan tâm

Nước Mỹ bầu cử Tổng thống như thế nào?

Nước Mỹ bầu cử Tổng thống như thế nào?

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần, ứng viên Donald Trump và Kamala Harris gấp rút vận động cử tri tham gia bỏ phiếu ngày 5/11. Tuy nhiên, người chiến thắng sẽ không được quyết định dựa trên số phiếu phổ thông mà là từ một nhóm 538 đại diện trong Đại cử tri đoàn…

Danh hiệu tỷ phú giàu nhất Trung Quốc gọi tên “cha đẻ” TikTok Zhang Yiming

Danh hiệu tỷ phú giàu nhất Trung Quốc gọi tên “cha đẻ” TikTok Zhang Yiming

Với khối tài sản 49,3 tỷ USD, nhà sáng lập Bytedance Zhang Yiming lần đầu tiên giành danh hiệu người đàn ông giàu nhất Trung Quốc. Đồng thời, báo cáo từ Hurun cũng cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu tỷ phú tại quốc gia tỷ dân, với các doanh nhân công nghệ và năng lượng mới đang dần chiếm ưu thế…

10 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2024

10 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2024

Các quốc gia nghèo nhất thế giới từ lâu đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do xung đột, thiên tai và tình trạng kinh tế suy thoái. Dù sở hữu tài nguyên phong phú, nhưng nhiều nơi vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói và hàng triệu người dân phải sống dưới mức tối thiểu…

Nvidia và Apple tranh giành ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới

Nvidia và Apple tranh giành ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới

Nvidia có thời điểm đã vượt qua Apple để trở thành công ty giá trị nhất thế giới khi nhu cầu mạnh mẽ đối với chip AI đã đưa vốn hóa của hãng chạm mốc 3,53 nghìn tỷ USD. Trong khi Nvidia liên tục tăng trưởng mạnh, Apple lại đối mặt với khó khăn khi doanh số iPhone suy giảm tại Trung Quốc…

Bùng nổ dịch vụ xin nghỉ việc hộ tại Nhật Bản

Bùng nổ dịch vụ xin nghỉ việc hộ tại Nhật Bản

Ngày càng có nhiều người trẻ Nhật Bản tìm đến các “agency” để tìm kiếm sự hỗ trợ khi muốn rời bỏ công việc của mình. Xu hướng này đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với những quy chuẩn truyền thống trong văn hóa làm việc khắt khe của xứ sở mặt trời mọc…

HSBC tái cơ cấu, bổ nhiệm nữ CFO đầu tiên trong lịch sử

HSBC tái cơ cấu, bổ nhiệm nữ CFO đầu tiên trong lịch sử

Ngân hàng HSBC đã bổ nhiệm nữ Giám đốc Tài chính đầu tiên trong lịch sử 159 năm hoạt động. Cùng với đó, ngân hàng cũng công bố một cuộc cải cách cơ cấu lớn, thành lập các đơn vị kinh doanh mới nhằm tối ưu hóa và nâng cao tính năng động trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều đang thay đổi…

Halloween “đắng” khi giá ca cao leo thang

Halloween “đắng” khi giá ca cao leo thang

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và giá ca cao leo lên các ngưỡng cao kỷ lục, nhiều nhà sản xuất bánh kẹo đang buộc phải điều chỉnh lại chất lượng sản phẩm và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho mùa Halloween năm nay…

Siêu start-up Trung Quốc Pony AI xin niêm yết IPO tại Mỹ

Siêu start-up Trung Quốc Pony AI xin niêm yết IPO tại Mỹ

Công ty robotaxi Trung Quốc Pony AI đã nộp hồ sơ IPO tại Mỹ. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh các công ty Trung Quốc dần quay lại thị trường chứng khoán Mỹ sau thời gian gặp gián đoạn…

Cuộc đua Nhà Trắng: Tương lai ngành xe điện Mỹ và ván cược tỷ đô từ Hàn Quốc

Cuộc đua Nhà Trắng: Tương lai ngành xe điện Mỹ và ván cược tỷ đô từ Hàn Quốc

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang làm dấy lên các tranh luận về tương lai của ngành công nghiệp xe điện. Trong đó, Hàn Quốc lo ngại rằng hàng tỷ USD của họ có thể gặp rủi ro khi những thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng đến hàng loạt dự án và ưu đãi mà các doanh nghiệp nước này đang hưởng lợi…