Quiet Luxury chiếm lĩnh danh mục đầu tư của giới thượng lưu

Quiet Luxury là một trong những xu hướng thời trang lớn nhất nhất năm 2023. Nhưng không giống như các xu hướng “sớm nở chóng tàn” khác, Quiet Luxury đã trở thành một danh mục đầu tư được yêu thích và mang lại lợi nhuận thực tế…

Quiet Luxury chiếm lĩnh danh mục đầu tư của giới thượng lưu

Đã qua rồi cái thời phô trương giàu có, hào nhoáng trong thời trang; giờ đây tất cả tập trung vào sự tinh tế và tối giản. Tuy nhiên, Quiet Luxury (Xa xỉ thầm lặng) không chỉ thu hút được giới mộ điệu nói riêng, mà ngay cả các nhà đầu tư cũng bắt đầu để ý nhiều hơn tới xu hướng này.

Cổ phiếu hàng xa xỉ từ lâu đã được một số người coi là công cụ phòng ngừa hiệu quả để chống lại lạm phát. Điều này chủ yếu liên quan đến mức giá cao của phân khúc, tỷ suất lợi nhuận lớn hơn nhiều so với nhiều sản phẩm tiêu dùng tùy ý khác, chẳng hạn như tivi hoặc điện thoại, cũng như tập khách hàng giàu có và trung thành.

Về bản chất, các nguyên tắc cơ bản của phân khúc xa xỉ không thay đổi đáng kể trong nhiều thập kỷ qua nhưng khi xu hướng Quiet Luxury diễn ra, các nhà đầu tư càng ưu ái hơn những cái tên phù hợp với tiêu chí đó.

Theo dữ liệu tổ chức cho vay lớn nhất Đông Nam Á, DBS Bank, những công ty và thương hiệu nắm bắt được tinh thần, bản chất của Quiet Luxury đều hoạt động tốt hơn hẳn so với các đối tác “ồn ào” của họ vào năm 2023.

Theo DBS, một số công ty hàng đầu được hưởng lợi từ làn sóng này phải kể đến Hermes, Miu Miu - thuộc sở hữu của Prada, Brunello Cucinelli, Compagnie Financière Richemont và Swatch Group.

Cổ phiếu của các công ty mang âm hưởng Quiet Luxury đã tăng mạnh trong danh mục đầu tư vào năm ngoái, đẩy lùi các thương hiệu được coi là quá “ồn ào”. Kết quả, Gucci và Burberry, hai thương hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn Kering, đã bị đẩy xuống thấp hơn trong bảng xếp hạng toàn cầu về cổ phiếu xa xỉ, theo nghiên cứu của Bank of America Securities.

Nhà phân tích nghiên cứu Ashley Wallace của BofA đánh giá: “Chúng tôi tin rằng các thương hiệu nên tập trung lại vào nội dung thời trang và sự mới mẻ để thu hút lại khách hàng đồng thời thúc đẩy lưu lượng truy cập. Các công ty hướng tới Quiet Luxury sẽ tiếp tục duy trì vị thế tốt trong năm nay”.

“Ngày càng có thể thấy rõ thái độ của người tiêu dùng đối với sự tinh tế trong tiêu dùng xa xỉ. Các công ty tập trung vào nét trang nhã, sang trọng cùng chất lượng vượt thời gian sẽ gây được tiếng vang với khách hàng. Năm 2023, những công ty Quiet Luxury ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội hơn 23% so với những cái tên khác”, ông Hou Wey Fook, giám đốc đầu tư của DBS Bank nhận xét.

Theo DBS, một công ty được xếp vào loại Quiet Luxury nếu nó “kín tiếng” và tập trung vào chất lượng nhiều hơn là logo và biểu tượng bên ngoài, đồng thời duy trì tính độc quyền và khan hiếm.

Và không giống như các xu hướng “đến rồi đi” một cách nhanh chóng, các nhà đầu tư đang quan sát những công ty này với tầm nhìn dài hạn hơn nhiều.

Ở châu Á-Thái Bình Dương, câu chuyện về nhu cầu đối với hàng hóa xa xỉ có thể thay đổi do sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch tại từng quốc gia. Trong đó, một trong những thị trường lớn nhất trước đây, Trung Quốc, lại chứng kiến hoạt động khá mờ nhạt.

Mặc dù nhu cầu mua hàng xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc chưa thể nói là cạn kiệt, nhưng các thương hiệu xa xỉ đang ngày càng mở rộng để phục vụ các thị trường khác ở châu Á. Điển hình như hai thị trường trưởng thành là Hàn Quốc và Nhật Bản, với nhu cầu tiếp tục tăng cao.

“Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một điểm sáng tích cực, không chỉ về dân số mà còn xét về mức độ giàu có ngày càng tăng của người dân”, ông Markus Hansen, giám đốc danh mục đầu tư tại Vontobel Quality Development Boutique lưu ý.

Xem thêm

Những thương hiệu Quiet Luxury như Brunello Cucinelli ngày càng có được sức hút lớn khi sở thích của người tiêu dùng dần thay đổi

Quiet Luxury và sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng

Quiet Luxury không chỉ là một xu hướng; nó phản ánh tư duy đang dần thay đổi của người tiêu dùng khi họ tìm kiếm các giá trị nội tại, tầm quan trọng về văn hóa và câu chuyện thương hiệu hơn là khả năng phô diễn địa vị, của cải…

Có thể bạn quan tâm

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...

Lửa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã lan đến Phố Tàu New York

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lửa lan tới "Phố Tàu" New York

Tuần trước, một gói bánh gạo tại cửa hàng tạp hóa Sun Vin trên phố Mulberry ở khu phố Tàu của New York có giá 4,99 USD. Nhưng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều. Hiện tại, loại bánh quy này có mức giá mới: 6,99 USD...