Khi TikTok chính thức được ra mắt vào năm 2017, các video có thể tải lên chỉ giới hạn trong độ dài tối đa 15 giây. Nhưng mới đây, nền tảng này đã công bố việc theo đuổi khái niệm video dài tới 60 phút, hiện đang được thử nghiệm với một số tài khoản và khu vực nhất định.
Mặc dù chưa rõ liệu TikTok có kế hoạch mở rộng tính năng này trên toàn cầu hay không, nhưng rõ ràng có thể thấy, mục tiêu mà TikTok đặt ra là để cạnh tranh với YouTube trong bối cảnh căng thẳng giữa TikTok và Mỹ vẫn đang ngày càng leo thang.
Trước đây, YouTube cũng từng gây bất ngờ khi cho ra mắt tính năng Shorts trên nền tảng của mình khi xu hướng video dạng ngắn “bùng nổ”. Với một “ông lớn” trong ngành như YouTube, động thái này được xem như một chiến lược để cạnh tranh và lấn át đối thủ non trẻ.
Để so sánh, cả Shorts và TikTok đều có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai cho phép người dùng tạo và chia sẻ các video ngắn, với độ dài tối đa khoảng 60 giây trên YouTube Shorts và từ 15 giây đến 3 phút trên TikTok. Giao diện của cả hai ứng dụng đều hỗ trợ việc vuốt lên/xuống để chuyển tiếp video, tạo trải nghiệm liền mạch và thu hút người xem. Ngoài ra, YouTube Shorts và TikTok cung cấp các công cụ chỉnh sửa video trực tiếp trong ứng dụng, bao gồm cắt ghép, thêm nhạc, văn bản và hiệu ứng, giúp người dùng dễ dàng tạo ra các nội dung sáng tạo và hấp dẫn.
Cả hai nền tảng cũng sử dụng thuật toán để cá nhân hóa nội dung, đề xuất video dựa trên sở thích và hành vi xem của người dùng, giúp tối ưu hóa trải nghiệm khám phá. Hơn nữa, việc khuyến khích tham gia vào các thử thách nội dung (challenge) và cung cấp thư viện âm nhạc phong phú là những yếu tố quan trọng mà cả YouTube Shorts và TikTok đều chú trọng.
Và có lẽ để đáp lại việc YouTube “học” theo mình, TikTok cũng nhăm nhe “tuyên chiến” với đối thủ khi đưa ra ý tưởng mới khá giống với đặc điểm thương hiệu của YouTube từ xưa đến nay.
Kế hoạch kéo dài thời lượng video sẽ giúp TikTok mở rộng, trở nên đa dạng hơn về nội dung, thu hút nhà sáng tạo và mở ra cơ hội kiếm tiền mới, đồng thời tạo ra một sân chơi sôi động và đầy cạnh tranh cho cả hai nền tảng. Biết rằng không phải ai cũng quan tâm đến việc xem nội dung dài hơn trên TikTok, công ty đã tìm cách nâng cao trải nghiệm người dùng trong các video dạng dài. Ví dụ: TikTok đã thử nghiệm chế độ toàn màn hình theo chiều ngang và hình thu nhỏ lọc video. Nó cũng đã tung ra một cập nhật vào năm ngoái cho phép tua nhanh video khi giữ tay vào bên phải màn hình.
TikTok đang tích cực làm việc để duy trì sự hiện diện của mình tại Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden ký dự luật buộc công ty mẹ ByteDance của TikTok trong 9 tháng tới phải thoái vốn ứng dụng hoặc đối mặt với lệnh cấm trên toàn quốc.
Và trong khi tương lai của TikTok tại Mỹ càng trở nên mờ mịt, thì nhiều công ty công nghệ khác đang tìm cách để tiến sâu hơn vào thị trường này. Mới đây, nền tảng Twitch của Amazon.com cũng đã cho ra tính năng video dạng ngắn, Discovery Feed, cho phép người dùng xem qua các clip ngắn được trích xuất từ nội dung video dài hơn.
Ngoài ra, có một số báo cáo chỉ ra rằng, nền tảng LinkedIn của Microsoft Corp đang thử nghiệm với ý tưởng xây tính năng video dạng ngắn kiểu TikTok nhưng tập trung vào nội dung có chuyên môn hơn về giáo dục, sự nghiệp và kinh doanh…
Tương tự, ngay cả Uber cũng đang có kế hoạch ra mắt tính năng video dạng ngắn theo phong cách TikTok trên Uber Eats để khuyến khích người dùng khám phá ẩm thực.