Lần đầu tiên sau 14 năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ "thận trọng" sang "nới lỏng vừa phải” nhằm hiện thực hoá mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Tuyên bố được đưa ra vào thứ Hai trong bối cảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tổ chức Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên để xây dựng chương trình nghị sự kinh tế cho năm tới.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có 5 lập trường chính sách chính, bao gồm nới lỏng, nới lỏng vừa phải, thận trọng, thắt chặt vừa phải và thắt chặt. Lần cuối Trung Quốc áp dụng chính sách nới lỏng vừa phải là vào cuối năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính sách này kết thúc vào cuối năm 2010.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải triển khai một chính sách tài khóa chủ động hơn và áp dụng một chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước trên mọi phương diện.
Động thái này đã khiến giá cổ phiếu và trái phiếu tăng vọt khi các nhà đầu tư lạc quan rằng chính phủ Trung Quốc đang nhìn nhận tình hình kinh tế một cách nghiêm túc hơn.
Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, đây là lần đầu tiên Trung Quốc bổ sung từ "hơn" vào mô tả chính sách tài khóa chủ động của mình kể từ suy thoái liên quan đến Covid-19 vào năm 2020. Ngân hàng cũng chỉ ra rằng, tuyên bố cho thấy ưu tiên hàng đầu trong năm tới của Bắc Kinh là kích cầu tiêu dùng, xếp sau đó là cải tiến chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo.
“Mặc dù giọng điệu rất tích cực, nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cảnh báo.
Kinh tế Trung Quốc trong nhiều tháng qua đã phải đối mặt với áp lực giảm phát do sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản. Đây là lý do chính khiến Bắc Kinh phải nhanh chóng công bố các biện pháp kích thích tiền tệ vào tháng 9 và các biện pháp tài khóa vào tháng 11, chủ yếu nhằm vào vấn đề nợ công.
Dữ liệu công bố trong cùng ngày Thứ Hai cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tiến gần đến tình trạng giảm phát thực sự trong tháng 11/2024, từ đó gia tăng áp lực để chính phủ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 5 tháng và thấp hơn dự báo 0,5%. So với tháng 10, giá tiêu dùng giảm 0,6%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường giá hàng hóa bán ra từ các nhà sản xuất Trung Quốc, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn một chút so với dự báo giảm 2,8% của các nhà phân tích.
Ngày càng nhiều nhà kinh tế và học giả ở Trung Quốc kêu gọi cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình. Một số người hy vọng Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương sẽ tập trung vào những vấn đề này, trong khi những người khác cho rằng nhiều khả năng hội nghị sẽ chỉ định hướng chính sách thay vì đưa ra các thông báo chi tiết.
Việc Trung Quốc thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải sẽ giúp doanh nghiệp địa phương tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy sản xuất và tăng nguồn cung hàng hoá xuất khẩu. Bên cạnh đó, nếu chính sách này làm đồng nhân dân tệ suy yếu, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn. Mặt khác, việc kích cầu tiêu dùng nội địa có thể nâng cao nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến.