Theo Bloomberg News, cả hai ngân hàng khu vực là Valley National và First Citizens đều đã nộp hồ sơ dự thầu cho ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) tới Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Khi được yêu cầu bình luận về tin tức, FDIC không xác nhận và bình luận về những cái tên được báo cáo là nhà thầu tiềm năng cho SVB.
Sau khi không bán được mảng kinh doanh ngân hàng tư nhân của SVB cùng với ngân hàng Silicon Valley trong hai tuần qua, FDIC đã tách riêng hai đơn vị và yêu cầu các bên tham gia đưa ra giá đầu thầu riêng biệt trước ngày 24/3. Dự kiến, FDIC sẽ công bố người chiến thắng sớm nhất là vào cuối tuần này.
Tính đến ngày 23/3, First Citizens - một trong những người mua lớn nhất của các ngân hàng cho vay gặp thất bại - có giá trị thị trường là 8,4 tỷ USD trong khi định giá của Valley National - công ty cổ phần ngân hàng khu vực có trụ sở chính ở New Jersey - là 4,7 tỷ USD.
Tổng tài sản của First Citizens hiện là 103,9 tỷ USD và Valley National là 43 tỷ USD.
Trước đó vào đầu tháng 3, chương trình đấu giá đầu tiên cho ngân hàng Silicon Valley đã kết thúc mà không có người mua. JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Ngân hàng Hoàng gia Canada nằm trong số các ngân hàng ban đầu thể hiện sự quan tâm nhưng đã rút lui sau khi tiến hành thẩm định. SVB Financial Group, công ty mẹ của ngân hàng SVB cũng đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Bảo hộ phá sản Mỹ.
Hiện SVB Financial Group không còn liên quan tới SVB, sau khi ngân hàng này sụp đổ và theo đó thuộc quyền tiếp quản của FDIC. Tuy nhiên, vào tuần trước, SVB Financial Group đã đệ đơn kiện FDIC, cáo buộc FDIC đã có hành động không thích hợp khi cắt đứt quyền tiếp cận của tập đoàn này với số tiền gửi 2 tỷ USD của mình tại SVB.
Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley đã trở thành thất bại ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chỉ xếp sau ngân hàng Washington Mutual.
Đến nay, khách hàng tại Mỹ đã rút gần 100 tỷ tiền gửi từ các ngân hàng sau sự cố SVB và Signature, mặc dù các quan chức nước này nhiều lần lên tiếng trấn an người dân về kiên cường và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Tổng lượng tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ hiện chỉ còn hơn 17.500 tỷ USD, giảm 582,4 tỷ USD kể từ tháng 2/2022.
Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy phần lớn số tiền nói trên được rút khỏi các ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, các tổ chức tài chính lớn chứng kiến lượng tiền gửi tăng vọt thêm 67 tỷ USD.