Kinh tế toàn cầu 2024: Kiên cường trước “sóng lớn”

Khi thế giới tiến gần đến điểm giữa của giai đoạn phát triển được dự đoán là một thập kỷ chuyển đổi, nền kinh tế toàn cầu có thể vẫn phải đối mặt với vô số khó khăn vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GDP nửa thập kỷ ghi nhận mức chậm nhất trong 30 năm…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
global-economy-7941.jpg

Theo một số ý kiến của chuyên gia kinh tế được chia sẻ trên Forbes, nền kinh tế toàn cầu đang dần lấy lại sự ổn định, đặc biệt là khi nguy cơ suy thoái kinh tế đã giảm bớt. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng lại có thể tạo ra những mối nguy hiểm mới trong ngắn hạn cho nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, triển vọng trung hạn đang trở nên u ám đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế lớn, thương mại toàn cầu trì trệ và các điều kiện tài chính thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu vào năm 2024 dự kiến chỉ bằng một nửa mức trung bình của thập kỷ trước đại dịch. Trong khi đó, chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế có xếp hạng tín dụng kém, có thể vẫn ở mức cao do lãi suất toàn cầu vẫn ở mốc cao nhất trong 4 thập kỷ.

Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp – từ 2,6% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024, thấp hơn gần 3/4 điểm phần trăm so với mức trung bình của những năm 2010. Các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán chỉ tăng trưởng 3,9%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập kỷ trước.

Năm 2024 cũng là năm sẽ chứng kiến nhiều cuộc bầu cử cấp cao chưa từng có, với hơn 75 quốc gia - bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Mỹ và Anh - hướng tới các cuộc bầu cử lãnh đạo.

Dưới đây là những đánh giá sơ bộ của các cơ quan, tổ chức hàng đầu thế giới về tình hình kinh tế chung của năm 2024.

DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI

Phần lớn các nhà kinh tế được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khảo sát dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm nay và sự phân mảnh địa chính trị trên toàn thế giới sẽ ngày càng sâu sắc.

Báo cáo của WEF cho biết: “Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và đầy bất ổn. Mặc dù có những phát triển tích cực, chẳng hạn như giảm bớt áp lực lạm phát và những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với những cơn gió ngược dai dẳng và biến động liên tục khi hoạt động kinh tế toàn cầu trì trệ, điều kiện tài chính vẫn thắt chặt và những rạn nứt địa chính trị, căng thẳng xã hội tiếp tục gia tăng”.

Cuộc khảo sát của WEF chỉ ra sự khác biệt đáng kể giữa kỳ vọng của các chuyên gia đối với các nền kinh tế khác nhau, trong đó họ dường như bi quan nhất về triển vọng của châu Âu. Khoảng 77% những người được khảo sát dự đoán tăng trưởng trong khu vực sẽ suy yếu trong năm 2024 - gần gấp đôi con số được ghi nhận trong cuộc khảo sát hồi tháng 9/2023.

Kinh tế toàn cầu 2024: Kiên cường trước “sóng lớn” ảnh 2

Các nhà kinh tế cũng tỏ ra nghi ngại hơn về triển vọng của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ở cuộc khảo sát trước, 78% dự báo mức tăng trưởng vừa phải hoặc cao hơn trong năm 2024, nhưng nghiên cứu mới nhất lại chỉ ra rằng chỉ còn 56% lạc quan về triển vọng ngắn hạn.

Những người được hỏi nhìn chung có tâm lý tích cực hơn và không thay đổi quan điểm đối với Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng tỏ ra thận trọng hơn đối với Trung Quốc, với đa số (69%) hiện chỉ dự đoán tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải.

Mối quan tâm đặc biệt của các nhà kinh tế là những rạn nứt địa chính trị, với 69% các nhà kinh tế nói rằng họ dự đoán tốc độ phân mảnh địa chính trị sẽ tăng tốc vào năm 2024. Báo cáo cho biết: “Khi được hỏi về tác động của những diễn biến gần đây… các nhà kinh tế trưởng tiếp tục nhắc tới tác động các yếu tố địa chính trị trong sự phát triển tài chính và kinh tế vĩ mô. Khoảng 87% cho rằng những diễn biến địa chính trị sẽ gây biến động kinh tế toàn cầu trong ba năm tới, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán”.

Những bình luận này được đưa ra sau 2 năm 2022 và 2023 ghi nhận tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng, với cuộc chiến của Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, căng thẳng Trung Quốc - Mỹ leo thang và lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông do cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Một tia sáng tích cực hơn trong cuộc khảo sát của các nhà kinh tế của WEF là kỳ vọng về lạm phát hạ nhiệt ở tất cả các khu vực, kèm theo đó đó là việc nới lỏng các điều kiện tài chính được 70% số người tham gia khảo sát đặt kỳ vọng.

TỔ CHỨC HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Mức tăng trưởng GDP mạnh hơn dự kiến vào năm 2023 sẽ chậm lại vào 2024 do điều kiện tài chính thắt chặt, tăng trưởng thương mại yếu và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp hơn tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của mình, OECD cũng đưa ra dự kiến về một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cho các nền kinh tế tiên tiến.

Trên toàn cầu, tổ chức này dự đoán tăng trưởng sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2024, từ mức 2,9% trong năm 2023, trước khi tăng lên 3% vào năm 2025, do tăng trưởng thu nhập thực tế phục hồi và lãi suất thấp hơn.

Tuy nhiên, trước đó, OECD phỏng đoán rằng tăng trưởng chậm lại do chỉ số PMI yếu (khảo sát tâm lý kinh doanh) ở nhiều nền kinh tế lớn, tăng trưởng tín dụng chững lại và niềm tin người tiêu dùng liên tục ở mức thấp.

Các nền kinh tế tiên tiến nhìn chung phải đối mặt với mức tăng trưởng ảm đảm hơn hơn so với các thị trường mới nổi. Cũng theo đó, hiệu quả hoạt động của châu Âu đang có dấu hiệu tụt hậu so với Bắc Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Á.

Kinh tế toàn cầu 2024: Kiên cường trước “sóng lớn” ảnh 3

Châu Âu, nơi các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi lãi suất cao và chi phí năng lượng gia tăng nay phải đối mặt với con đường đặc biệt khó khăn để có thể phục hồi hoàn toàn.

Ngược lại, tăng trưởng GDP được duy trì tốt hơn ở Mỹ và nhiều nền kinh tế sản xuất hàng hóa khác. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã cùng nhau duy trì tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch.

Theo OECD, khu vực đồng Euro có thể mong đợi mức tăng trưởng GDP hàng năm là 0,9% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.

Bên cạnh đó, OECD tin rằng nền kinh tế toàn cầu đang trên đà đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế. Để duy trì triển vọng này, Tổ chức đề nghị duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát được kiểm soát và các ngân hàng trung ương nên sẵn sàng chừa chỗ cho một số đợt tăng lãi suất bổ sung nếu cần.

QUỸ TIỀN TỆ QUỐC TẾ & NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

Trong một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ vẫn kiên cường trong năm 2024 sau một năm 2023 bền bỉ hơn dự kiến. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo ở mức 3,1% vào năm 2024 và 3,2% vào năm 2025, với ước tính cho năm 2024 cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) tháng 10/2023 nhờ khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến ở Mỹ và một số thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, dự báo cho giai đoạn 2024–25 lại thấp hơn mức trung bình lịch sử (2000–19) là 3,8%, do lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương tăng cao để chống lạm phát, việc rút bỏ hỗ trợ tài chính trong bối cảnh nợ cao ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và tăng trưởng năng suất cơ bản thấp.

Trong khi đó, lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở hầu hết các khu vực, trong bối cảnh các vấn đề về phía cung đã được giải quyết và chính sách tiền tệ hạn chế. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống 5,8% vào năm 2024 và xuống 4,4% vào năm 2025.

Người phát ngôn của IMF Julie Kozack phát biểu trong một cuộc họp báo rằng nền kinh tế toàn cầu dường như đang hướng tới một cuộc “hạ cánh nhẹ nhàng" với lạm phát giảm và thị trường lao động phục hồi.

Bà Julie Kozack nhấn mạnh thêm rằng những dự đoán tiêu cực về suy thoái kinh tế ở nhiều khu vực cách đây một năm đã không thành hiện thực vào 2023: “Vì vậy, cho đến nay, chúng ta đã có một nền kinh tế toàn cầu tương đối kiên cường. Chúng tôi kỳ vọng khả năng phục hồi đó sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024”.

Khi được hỏi liệu khả năng phục hồi kinh tế vào năm 2024 có mở rộng ra ngoài các nước phát triển hay không, bà Julie Kozack nhận xét rằng có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia và khu vực, với nguy cơ các nước thu nhập thấp có thể bị tụt lại phía sau. “Các quốc gia thu nhập thấp, những quốc gia dễ bị tổn thương đang gặp khó khăn nhất trong việc phục hồi sau một loạt cú sốc, bao gồm đại dịch, giá lương thực và giá dầu”, bà Kozack chia sẻ.

“Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là trong trung hạn”, bà Kozack khuyến nghị, đồng thời cho biết thêm rằng tình hình hiện tại cho thấy sự cấp thiết của những chính sách và cải cách đúng đắn để có thể nâng cao năng suất.

Kinh tế toàn cầu 2024: Kiên cường trước “sóng lớn” ảnh 4

Ở một báo cáo riêng biệt vào đầu tháng 1/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo triển vọng ảm đạm cho năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp xuống còn 2,4%, một yếu tố sẽ khiến mục tiêu giảm nghèo gặp rủi ro.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu vào năm 2024 dự kiến chỉ bằng một nửa mức trung bình của thập kỷ trước đại dịch. Trong khi đó, chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế có xếp hạng tín dụng kém, có thể vẫn ở mức cao do lãi suất toàn cầu vẫn ở mốc cao nhất trong 4 thập kỷ sau khi điều chỉnh lạm phát.

Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, nhận định: “Nếu không có sự điều chỉnh lớn, những năm 2020s sẽ trôi qua như một thập kỷ với nhiều cơ hội bị lãng phí”.

“Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo nhất - mắc vào bẫy nợ và thiếu khả năng tiếp cận thực phẩm đối với gần một phần ba dân số. Mặc dù vậy, cơ hội để lật ngược tình thế vẫn còn đó - sự chuyển đổi có thể đạt được nếu các chính phủ hành động ngay bây giờ để tăng tốc đầu tư và củng cố các khuôn khổ chính sách tài khóa”, ông Indermit Gill nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm