Xu hướng “du lịch trả thù” sắp đi tới hồi kết

Các báo cáo mới đây cho thấy xu hướng “du lịch trả thù” hậu Covid-19 đến nay đã chững lại do các tác động của lạm phát và chi phí tiêu dùng tăng cao…

Đã qua thời "du lịch trả thù" hậu đại dịch?
Đã qua thời "du lịch trả thù" hậu đại dịch?

Một báo cáo mới của công ty nghiên cứu Morning Consult cho thấy ý định đi du lịch của người dân đã chững lại hoặc giảm mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Ý định đi du lịch đã giảm 11 điểm phần trăm ở Pháp và 6 điểm phần trăm ở Đức kể từ năm 2022, theo báo cáo “Tình trạng Du lịch & Khách sạn” của Morning Consult công bố vào cuối tháng 9. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng sự quan tâm đến du lịch cũng giảm ở Canada và Nga (giảm 4 điểm phần trăm mỗi nước).

Theo bà Lindsey Roeschke, nhà phân tích du lịch và khách sạn tại Morning Consult cho biết các tín hiệu đều cho thấy nhu cầu dồn nén từ thời đại dịch Covid-19 đến nay đã hạ nhiệt.

“Điều đó không có nghĩa là việc đi lại sẽ giảm đáng kể nhưng nói tóm lại, hầu hết những người có mục tiêu “du lịch trả thù” đều đã thực hiện các chuyến đi của mình hoặc từ bỏ luôn mong muốn đó”, bà Roeschke nhấn mạnh rằng sự chậm lại sẽ rõ rệt nhất ở châu Âu.

“Phần lớn các tác động tiêu cực đối với du lịch hiện nay lại liên quan đến nền kinh tế. Lạm phát và các tác động chậm trễ của việc thắt chặt chính sách đã “ăn mòn” ví tiền của người tiêu dùng trong năm qua và khiến họ phải xem lại cách chi tiêu của mình”, bà Roeschke lưu ý.

Báo cáo của Morning Consult nêu rõ: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự đoán nhiều quốc gia sẽ bước vào suy thoái trong khoảng thời gian đầu năm tới. Du lịch phần lớn là một mặt hàng xa xỉ và là một trong những thứ đầu tiên bị cắt giảm khi tình hình tài chính trở nên khó khăn hơn”.

 du llịch.png
Khảo sát toàn cầu về nhu cầu du lịch của Morning Consult

Nhu cầu “du lịch trả thù” dự kiến sẽ có sức bền lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương, ví dụ như Trung Quốc, nơi các hạn chế về biên giới do Covid-19 được áp dụng lâu hơn các khu vực khác trên thế giới.

Một cuộc khảo sát của JLL được công bố mới đây cho thấy 77% chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự đoán mức độ lấp đầy sẽ tăng vào năm 2024.

Riêng tại Trung Quốc, khi đất nước tỷ dân kỷ bước vào kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng”, lượng đặt phòng trong nước tăng gần sáu lần trong khi lượng đặt phòng nước ngoài tăng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty du lịch Trung Quốc Fliggy.

Tuy nhiên, mức độ nhiệt tình này có thể không kéo dài, công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics cảnh báo.

“Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ nhanh chóng mất đi sự thích thú sau đợt chi tiêu mở cửa trở lại ban đầu. Tỷ lệ thất nghiệp cao, ảnh hưởng tiêu cực từ lĩnh vực bất động sản và mức tăng lương thấp hơn kỳ vọng chắc chắn sẽ khiến người dân do dự chi tiêu cho các kỳ nghỉ đắt đỏ ở nước ngoài”, báo cáo nêu rõ.

Hầu hết khách du lịch Trung Quốc nay tỏ ra thích thú hơn với du lịch trong nước và các khu tự trị như Hồng Kông và Macao. Theo GGRAsia, một công ty theo dõi ngành công nghiệp sòng bạc châu Á, một tuần trước Tuần lễ Vàng, các phòng tiêu chuẩn tại 22 khách sạn sòng bạc ở Macao đều đã được đặt trước.

Việc du khách Trung Quốc càng có hứng thú với du lịch nội địa trong thời gian dài sẽ dẫn đến thay đổi về sở thích du lịch, nhất là khi các chuyến đi quốc tế đã phần nào mất dần vẻ hào nhoáng như một biểu tượng thể hiện địa vị.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của du khách Trung Quốc đối với một số địa điểm nhất định đang giảm xuống. Ý định đến thăm Bắc Mỹ đã giảm 23 điểm phần trăm, Hàn Quốc giảm 12 điểm phần trăm và Nhật Bản giảm 9 điểm phần trăm.

“Sự sụt giảm trong nhu cầu từ Trung Quốc đặc biệt đáng lo ngại, như một đòn giáng mạnh vào các điểm đến đang hy vọng sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Những nguyên nhân được chỉ ra bao gồm vấn đề hậu cần (khan hiếm chuyến bay và giá vé đắt đỏ) cũng như căng thẳng địa chính trị”, báo cáo phân tích thêm.

Có thể bạn quan tâm