Ấn Độ liệu có khả năng thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới?

Ấn Độ đang được hưởng lợi từ chiến lược “Trung quốc +1”, với các công ty nước ngoài cố gắng tìm kiếm một dây chuyền sản xuất mới bên cạnh Trung Quốc…

Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, một cột mốc thu hút sự chú ý về việc liệu nền kinh tế của Ấn Độ có thể khai thác sức mạnh nhân khẩu học đó để thay thế Trung Quốc một cách đa dạng hơn hay không. 

Theo ông Partha Sen, giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế Delhi giải thích, nhiều quốc gia và công ty đã nhận ra rằng họ từng “đặt hết trứng vào giỏ Trung Quốc”. Khi căng thẳng tiếp tục bùng phát giữa phương Tây và Bắc Kinh, thì có một nhu cầu cấp bách trong việc đa dạng hoá chuỗi sản xuất và Ấn Độ đứng ngay ở vị trí đó với những tiêu chí phù hợp.

Ấn Độ

Lợi tức nhân khẩu học của Ấn Độ, tiềm năng tăng trưởng kinh tế phát sinh từ một lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động, đại diện cho một cơ hội lớn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng phát triển và nguồn lao động giá cả phải chăng cũng đang thu hút nhiều sự chú ý hơn từ các thương hiệu và đối tác thương mại toàn cầu.

Sức hút đầu tư vào Ấn Độ cũng đang được hỗ trợ bởi những thay đổi địa chính trị gần đây. Khi các nhà lãnh đạo phương Tây tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia có chung giá trị, thì Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, sẽ được hưởng lợi.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế

Trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp và nâng cao xuất khẩu, chính phủ Ấn Độ đã tìm cách ký kết các hiệp định thương mại tự do, một động thái được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới.

Tính đến cuối năm 2022, Ấn Độ đã ký 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) và 6 hiệp định ưu đãi với các đối tác thương mại để đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng hóa trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mauritius và đang đàm phán các thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada.

Nga - quốc gia đã chứng kiến hoạt động thương mại với phương Tây sụt giảm kể từ năm ngoái, cũng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ. 

Đối với Ấn Độ, phương Tây là đối tác thương mại quan trọng nhất, là nguồn vốn và nguồn công nghệ chiếm ưu thế và cũng là điểm đến chính của cộng đồng người Ấn. Hợp tác với Nhóm G-7, bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ, là một chiến lược vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ để đối phó với những thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Trên thực tế, các định hướng kép của Ấn Độ đang hội tụ cả sự liên kết của nước này với phương Tây và sự can thiệp mới với phương Nam. Đây được cho là những tín hiệu rõ ràng cho thấy nỗ lực của New Delhi trong việc tái định vị lại mình và nâng cao tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của quốc gia. 

Ấn Độ

Phương Tây cũng quan tâm đến một Ấn Độ mạnh hơn có khả năng chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong các khía ngoại giao, kinh tế và quân sự ở các quốc gia đang phát triển. Việc Washington gần đây cung cấp một loạt công nghệ cho Ấn Độ, gồm có cả động cơ phản lực, nhấn mạnh mong muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tăng cường quan hệ với New Delhi bất chấp lập trường trung lập của Ấn Độ đối với cuộc chiến của Nga - Ukraine. 

Vào tháng 1/2023, Nhà Trắng đã khởi động quan hệ đối tác với Ấn Độ mà Washington hy vọng sẽ giúp các nước này cạnh tranh với Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo, thiết bị quân sự và chất bán dẫn. Trong tháng qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã đến thăm New Delhi cùng với một nhóm các giám đốc điều hành cấp cao của các công ty Mỹ. Tại đây, bà đã ký một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Ấn Độ để thảo luận về việc phối hợp đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn đôi bên. Mỹ mong muốn kết hợp Ấn Độ vào một mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu mới với các đối tác đáng tin cậy.

Tại châu Âu, một hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và khối bốn quốc gia EFTA đã được đề xuất nhằm mục tiêu giúp tăng cường thương mại hai chiều, dòng đầu tư, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Piyush Goyal đã tới Brussels (Bỉ) để thảo luận về các phương thức tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế và Thương mại toàn diện (TEPA) với đại diện của các quốc gia thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Các phái đoàn đã đồng ý tăng cường nỗ lực và tiếp tục thảo luận với tốc độ ổn định, với một số cuộc họp nữa được lên kế hoạch trong những tháng tới, để đạt được sự hiểu biết chung về các vấn đề quan trọng liên quan đến TEPA.

Cả hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các cuộc thảo luận dựa trên các nguyên tắc tin cậy và tôn trọng để đạt được một thỏa thuận công bằng, bình đẳng và cân bằng. Theo một tuyên bố chung được công bố cho biết, “Hiệp định TEPA giữa Ấn Độ và Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu có thể mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, chẳng hạn như chuỗi cung ứng tích hợp và linh hoạt cũng như cơ hội mới cho các doanh nghiệp và cá nhân ở cả hai bên dẫn đến tăng cường thương mại và dòng đầu tư, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế”. 

Phép màu kinh tế?

Ngoài địa chính trị, các nguyên tắc cơ bản về kinh tế và nhân khẩu học của Ấn Độ đang thúc đẩy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng quốc gia Nam Á này sẽ vượt trội so với tất cả các nền kinh tế lớn mới nổi và tiên tiến trong năm nay, đạt mức tăng trưởng GDP là 5,9%. Để so sánh, nền kinh tế Đức và Anh sẽ trì trệ, trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%.

Nếu có thể duy trì đà phát triển, Ấn Độ sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2026 và đánh bật Nhật Bản khỏi vị trí thứ ba vào năm 2032, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh.

Ấn Độ
IMF dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng 5,9% vào năm 2023

Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ là hơn 900 triệu người, theo dữ liệu năm 2021 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Theo Capital econom, trong vài năm tới, lực lượng lao động của Ấn Độ có thể lớn hơn của Trung Quốc.

Trước những dữ liệu tích cực này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Donald Lu đã chia sẻ với hãng thông tấn PTI của Ấn Độ rằng: “Chúng tôi muốn trở thành một phần trong phép màu kinh tế của các bạn”.

Nhưng chính tốc độ tăng trưởng dân số và GDP ấn tượng của Ấn Độ lại đang là lí do khiến chính phủ đau đầu.

Kaushik Basu, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, cho biết: “Nếu bạn chỉ nhìn vào dữ liệu tổng thể thì Ấn Độ đang hoạt động khá tốt. Nhưng vẫn còn nhiều khu vực mà Ấn Độ còn yếu kém. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là về việc làm”. 

Ở mức 7,1%, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch. Ông Kaushik Basu nói với CNN rằng vấn đề việc làm, mà một số nhà phân tích gọi là “quả bom hẹn giờ”, đang trở thành một trong những vấn đề lớn nhất của Ấn Độ và có thể trở nên trầm trọng hơn khi dân số tăng lên.

Có một câu trả lời rõ ràng cho vấn đề việc làm, đó là cần xây dựng thêm nhiều nhà máy hơn nữa. 

Ông Thamashi De Silva, trợ lý kinh tế của Capital Economics, cho biết: “Chìa khoá cho tiềm năng nhân khẩu học là đẩy mạnh phát triển lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động đầy cạnh tranh này. Đây là vốn là một điểm mạnh của Trung Quốc trong nhiều năm qua, và tôi tin rằng Ấn Độ có thể học hỏi và đi theo định hướng này”. 

Tính đến năm 2021, ngành sản xuất chỉ chiếm chưa đến 15% nền kinh tế hoặc việc làm của Ấn Độ — tương đối nhỏ so với tiêu chuẩn toàn cầu, Capital Economics lưu ý. May mắn thay, nhu cầu về đa dạng hoá dây chuyền lắp ráp đã dần xuất hiện khi các công ty đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất mới.

Cụ thể, Apple đã mở rộng sản xuất đáng kể ở Ấn Độ sau khi gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đại lục. Vào tháng trước trong chuyến thăm của mình, CEO Apple Tim Cook đã cam kết đầu tư hơn nữa trên khắp Ấn Độ.

Đầu năm nay, người đứng đầu của nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan Foxconn cũng đã đến thăm Ấn Độ và gặp gỡ với Thủ tướng Narendra Modi. Foxconn hiện là một trong những nhà sản xuất phát triển nhanh nhất ở Ấn Độ vào cuối năm ngoái và đang tìm cách mở rộng hơn nữa. 

Ấn Độ

“Việc Apple tăng cường sản xuất và đầu tư vào Ấn Độ chắc chắn đã làm dấy lên hy vọng hình thành một hệ sinh thái điện tử ở nước này và rộng hơn là khuyến khích các công ty đa quốc gia khác”, ông Thamashi De Silva nhận định. 

Tuy nhiên, theo bà Alexandra Hermann, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics đánh giá, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi khi các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, nhưng một số trở ngại sẽ cản trở sự thay đổi này, trích dẫn các điều luật lao động nghiêm ngặt, thuế nhập khẩu cao và những thách thức về hậu cần. 

Bên cạnh đó, mặc dù xuất khẩu công nghệ của Ấn Độ đã tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây nhưng những nơi như Đài Loan và Việt Nam cho đến nay vẫn được hưởng lợi nhiều hơn từ việc các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế Trung Quốc. 

Theo Ngân hàng Thế giới, bất chấp những cải thiện về cơ sở hạ tầng, chi phí hậu cần của Ấn Độ thậm chí vẫn cao hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan.

Ấn Độ có thể dẫn đầu về phát triển phần mềm, nhưng Trung Quốc có năng lực phát triển cả phần cứng và phần mềm. Khi Trung Quốc tiếp tục thống trị việc sản xuất linh kiện cho các bộ phận điện tử, tấm pin mặt trời và pin lithium, khó có quốc gia nào có thể hy vọng sớm thay thế Trung Quốc để trở thành “công xưởng của thế giới”. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…