Như kết quả kinh doanh đã cho thấy, không phải tất cả các công ty sản xuất chip đều hưởng lợi từ “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này một lần nữa làm nổi bật tính phức tạp của chuỗi cung ứng bán dẫn và khả năng thống trị thị trường của một số tên tuổi so với các đối thủ trong ngành.
Hàng loạt các công ty bán dẫn đã công bố kết quả tài chính cho quý 2, với một số vượt qua kỳ vọng còn số khác lại gây thất vọng, cho thấy nhu cầu AI đang có những tác động khác nhau đến thu nhập của doanh nghiệp.
Mối quan tâm hiện tại đối với trí tuệ nhân tạo xoay quanh 2 thuật ngữ chính: Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và AI tạo sinh.
LLM đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên điện toán và dữ liệu để đào tạo. Đây là nền tảng cho các ứng dụng AI tạo sinh như chatbot của Google và OpenAI; do đó, hầu như tất cả các “gã khổng lồ” công nghệ đang đào tạo LLM đều nhất quyết không cắt giảm đầu tư cho lĩnh vực này.
Thậm chí, Meta Platforms còn cho biết hôm 31/7 rằng sẽ đẩy mạnh chi tiêu nhiều hơn nữa cho nỗ lực nghiên cứu AI và phát triển sản phẩm liên quan trong năm 2025.
Microsoft cũng đưa ra lưu ý về việc nâng chi tiêu vốn thêm 80% lên 18 tỷ USD trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất nhiên, khoản chi tiêu khổng lồ từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đều đã và đang là động lực lớn cho Nvidia vì đơn vị xử lý đồ hoạ (GPU) của công ty được sử dụng để đào tạo LLM.
Đối thủ "nặng ký" của Nvidia là AMD cũng đã đưa ra con chip AI MI300X riêng ra thị trường và bắt đầu thấy được thành quả. AMD mới đây tiết lộ, dự kiến doanh thu từ GPU trung tâm dữ liệu sẽ vượt quá 4,5 tỷ USD vào năm 2024, tăng từ mức dự báo 4 tỷ USD mà công ty đưa ra hồi tháng 4. AMD báo cáo lợi nhuận và doanh thu quý 2 vượt quá kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Đối với mảng sản xuất chip và công cụ chip, "cơn sốt" AI tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho ngành. Lợi nhuận ròng quý 2 của TSMC - nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới - vượt kỳ vọng và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ASML - nhà sản xuất công cụ chuyên dụng cần thiết để sản xuất chip tiên tiến - vào tháng trước chia sẻ rằng các đơn đặt hàng ròng trong quý 2 đã tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy nhu cầu từ các công ty sản xuất chất bán dẫn như TSMC.
Lợi nhuận hoạt động của Samsung trong quý 2 tăng vọt 1.458,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty bán dẫn đều được hưởng lợi lớn từ xu hướng bùng nổ đầu tư vào AI vì tiếp xúc của họ với công nghệ này hiện còn rất hạn chế ở giai đoạn phát triển.
Qualcomm và Arm Holdings chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh vào 31/7 dù cho đã đưa ra hướng dẫn lạc quan cho quý hiện tại. Mặc dù cả hai công ty đều nhấn mạnh tầm quan trọng của họ đối với các ứng dụng AI, nhưng khả năng thực tế vẫn chưa có gì đáng chú ý.
Arm Holdings thiết kế các bản vẽ mà nhiều công ty dựa vào để sản xuất chip. Chip của Arm xuất hiện trong hầu hết các điện thoại thông minh trên thế giới. Tuy vậy, phần lớn lợi nhuận mà công ty kiếm đến từ doanh thu điện tử tiêu dùng, chứ không phải trung tâm dữ liệu nơi AMD và Nvidia đã tìm thấy thành công.
Chip Qualcomm cũng có trong các điện thoại thông minh của Samsung và công ty vẫn tạo ra nhiều doanh thu từ phân khúc này. Nhưng giống như Arm, silicon của Qualcomm không được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu nơi việc đào tạo LLM đang diễn ra. Và dù chip của công ty sẽ có trong máy tính AI sắp tới của Microsoft, nhưng một lần nữa, đây vẫn là kịch bản về lâu về dài đối với Qualcomm.