Chanel, LV, Gucci không còn ”hot” như xưa trên thị trường resale

Thị trường “resale” hàng hiệu vẫn tiếp tục khởi sắc trong năm nay, nhưng lại có những thay đổi nhất định trong xu hướng và hành vi người tiêu dùng.
thị trường resale

Người tiêu dùng, bị hoảng sợ bởi việc cắt giảm việc làm, lo ngại về suy thoái kinh tế và giá hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng cao vào năm 2023, đang có những cân nhắc thay đổi trong nhu cầu mua và sử dụng hàng hiệu “resale”.

Theo dữ liệu của ngành, nhu cầu đối trên thị trường resale vẫn chưa hạ nhiệt, dự kiến sẽ đạt doanh thu 82 tỷ USD vào năm 2026, tăng gần gấp đôi so với mức 43 tỷ USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, giống như các mặt hàng khác, người tiêu dùng đang đề cao khía cạnh giá cả nhiều hơn là tên tuổi thương hiệu trên thị trường hàng hiệu “resale”. 

Theo bà Sasha Skoda, giám đốc bán hàng của nền tảng bán lẻ hàng xa xỉ trực tuyến The RealReal cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thấy xu hướng này vào cuối mùa hè, đầu mùa thu năm ngoái. Nhu cầu đối với các thương hiệu xa xỉ có giá cao hơn trên thị trường bán lại (như Chanel, Louis Vuitton, Gucci…) đang giảm, đẩy mức giá bán lại của chúng xuống thấp hơn”. Trong khi đó, nhu cầu đối với các thương hiệu có mức giá vừa phải hơn - chẳng hạn như Miu Miu và Bottega Veneta - lại đang tăng lên.

“Người tiêu dùng đang lo lắng về nền kinh tế và họ không muốn chi tiêu quá nhiều cho hàng hiệu ‘cũ’. Họ không còn sẵn sàng trả mức giá như một năm trước đó cho các sản phẩm túi xách Hermes, Gucci và Louis Vuitton, Chanel ‘pre-loved’ (hàng cũ),” bà Skoda nói thêm.

Theo Báo cáo hàng năm của The RealReal cho năm 2023, giá bán lại túi xách đã giảm 20% đối với Louis Vuitton, 17% đối với Gucci, 10% đối với Hermès và 9% đối với Chanel trong 90 ngày qua.

Rati Sahi Levesque, đồng giám đốc điều hành và chủ tịch của The RealReal, giải thích: “Một cuộc suy thoái tiềm ẩn, khủng hoảng khí hậu và tình trạng bất ổn toàn cầu đều là những lý do khiến người tiêu dùng thay đổi quyết định mua sắm của họ vào năm 2023”.

Và khi người tiêu dùng chấp nhận mức giá thấp hơn, họ cũng trở nên bớt kén chọn về tình trạng của các mặt hàng. Báo cáo cho biết nhu cầu đã tăng gần gấp đôi đối với các mặt hàng “tình trạng hợp lý” (fair condition) - là những mặt hàng có dấu hiệu sử dụng và có một số vết xước, trầy. Những sản phẩm này được bán bởi The RealReal có giá rẻ hơn trung bình 33% so với các sản phẩm có “tình trạng tốt” (good condition) hoặc “tình trạng tuyệt vời” (excellent condition). 

Bà Sasha Skoda cũng lưu ý rằng những người mua sắm Millennial và Gen Z - nhóm khách hàng cốt lõi của hàng hiệu đã qua sử dụng - đang bị thu hút bởi các thương hiệu hiện đại có giá cả phải chăng hơn như Miu Miu, Bottega Veneta và Telfar thay vì đầu tư vào các thương hiệu xa xỉ hàng đầu.

Có thể bạn quan tâm