Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành công nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng, và ngành công nghiệp xa xỉ trị giá hàng tỷ USD cũng không phải là một ngoại lệ.
Với nhiều hạn chế của “sự bình thường mới” (the new normal), người tiêu dùng toàn cầu đang cắt giảm mức độ chi tiêu, với ước tính từ công ty tư vấn McKinsey cho thấy thị trường hàng xa xỉ sẽ giảm 35% - 39% trong năm 2020 so với năm trước đó.
Vicky Bullen, CEO của công ty tư vấn Coley Porter Bell chia sẻ trong một email trả lời CNBC: “Ăn diện, mua sắm thời trang và theo sát xu hướng phụ thuộc cực kỳ nhiều vào các hoạt động xã hội như đi làm, đi chơi, dự tiệc, hay chỉ đơn giản là khi có nhiều người nhìn thấy bạn. Và khi bạn không gặp ai và không ai gặp bạn, thì tất cả những cố gắng trưng diện sẽ để làm gì?”
Theo Malinda Sanna, CEO của đơn vị tư vấn Spark Ideas cho biết: “Thay vì khoe một chiếc túi hàng hiệu hay một siêu xe tiền tỷ trong thời điểm nền kinh tế đang tuột dốc, thì người tiêu dùng lại muốn thể hiện một lối sống ‘wellness’ mới trong các chi tiêu tại nhà của mình.” Spark Ideas đã tiến hành nghiên cứu với những người mua sắm hàng xa xỉ tại Mỹ và Trung Quốc (với tiêu chuẩn những người tham gia nghiên cứu phải chi ít nhất 2.000 USD cho một món đồ thời trang trong 12 tháng trở lại), cho thấy mức độ phổ biến của các thiết bị thể dục thể thao cao cấp - như xe đạp Peloton - đang ngày một gia tăng.
“Sức khoẻ và sức sống … mới là những thứ xa xỉ hiện nay. Tất cả những biểu tượng hay gợi ý cho điều đó mới là thứ nhận được nhiều sự chú ý.”
Ngay cả khi các thành phố lớn như Thượng Hải đang dần mở cửa rộng rãi hơn, thì các tín đồ thời trang cũng không nhất thiết phải đổ xô đến các cửa hàng cao cấp để mua sắm. “Bởi, đơn giản việc kiểm tra thân nhiệt từ cửa vào hay đeo khẩu trang kín mít không hề mang đến một trải nghiệm xa xỉ chút nào,” Sanna nhận xét. Thay vào đó, những thương hiệu làm tốt là những thương hiệu mà nhân viên bán hàng có mối quan hệ thân thiết với các khách hàng của họ. “Có rất nhiều cách để nhân viên bán hàng có thể xây dựng mối quan hệ và liên hệ trực tiếp với khách hàng. Và những mối quan hệ đó mới chính là vàng trong thời điểm lúc này.”
“Những sản phẩm có thể được bán tốt sau đại dịch là những sản phẩm được gọi là ‘sự xa xỉ kín tiếng’, đặc biệt là những thương hiệu có tính thẩm mỹ vượt thời gian và có phần kín tiếng hơn như Hermes hay Bottega Veneta …”
Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ đại dịch thì sự yêu thích của giới mộ điệu đối với thời trang cao cấp không phải lúc nào cũng bị giảm sút. Khi Nike kết hợp với Dior để ra mắt mẫu giày sneaker Air Jordan 1OG, đã có hơn 5 triệu người đăng ký để có được cơ hội sở hữu 1 đôi vào tháng trước. “Một số hành vi tiêu dùng vẫn không thay đổi, hay thậm chí còn mạnh mẽ hơn trước. Sự hiếm có và độc quyền vẫn luôn là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ,” Rebecca Robins, giám đốc văn hoá của công ty tư vấn Interbrand Group đưa ra ý kiến.
Và tất nhiên, vẫn sẽ có sự lạc quan cho tương lai phía trước. Theo ghi nhận của McKinsey, người tiêu dùng có khả năng quay lại với mặt hàng xa xỉ nhanh hơn dự tính, rút ra từ như những ví dụ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 trước đó. Và trong khi một số sẽ tập trung vào tính bền vững, vào chủ nghĩa tối giản, thì vẫn sẽ có những người khác “mở hẩu bao” hết mình.
“Đó sẽ là một ‘bữa tiệc’ lớn và sẽ là một ‘bữa tiệc’ mà chúng ta chưa từng thấy. Tôi nghĩ rằng các thương hiệu cao cấp, tất cả các thương hiệu, nên chuẩn bị sẵn sàng cho ‘bữa tiệc’ đó," Rebecca Robins cho biết.
Nguồn: CNBC