Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc chật vật để tái cơ cấu khoản nợ

Doanh nghiệp bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới Evergrande đang cố gắng đạt được thỏa thuận với các trái chủ lớn ở nước ngoài về các điều khoản tái cơ cấu khoản nợ của mình…

China Evergrande Group từng có hơn 20 tỷ đô la trái phiếu quốc tế đang lưu hành trước khi vỡ nợ vào tháng 12 năm 2021. Hiện doanh nghiệp bất động sản đã hai lần bỏ lỡ thời hạn đưa ra kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài của mình.

Từng là một trong những doanh nghiệp thành công nhất Trung Quốc, China Evergrande Group hiện là trung tâm cuộc khủng hoảng nợ bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cuộc khủng hoảng này khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc không thể trả nợ nước ngoài trong những năm qua, buộc họ phải tham gia đàm phán tái cơ cấu khoản nợ.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm vào giữa năm 2021 sau khi các cơ quan quản lý lo ngại mức nợ đang ở mức cao nguy hiểm đã ngăn Evergrande và các nhà bất động sản đang mắc nợ nặng nề khác vay thêm tiền.

Một số công ty bất động sản đã sụp đổ, trong khi đó những công ty khác đang vỡ nợ hàng tỷ đô la cho các nhà đầu tư trái phiếu Trung Quốc và nước ngoài. Evergrande cho biết họ có tài sản trị giá 2,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 330 tỷ USD) nhưng đang gặp khó khăn trong việc chuyển số tiền đó thành tiền mặt để trả nợ cho những người cho vay.

Evergrande có khoản nợ hơn 300 tỷ USD, trong đó 22,7 tỷ USD là nợ nước ngoài. Công ty đã bắt đầu một trong những quá trình tái cơ cấu khoản nợ lớn nhất của Trung Quốc vào đầu năm ngoái. Nhưng Evergrande vẫn chưa đạt được thỏa thuận chi tiết với các trái chủ.

Evergrande cho biết họ muốn nhận được sự hỗ trợ từ các trái chủ cho kế hoạch tái cơ cấu nợ của chính mình vào đầu tháng 3, trước khi phải đối mặt với phiên tòa tiếp theo vào ngày 20/3 tại Hồng Kông.

Evergrande kỳ vọng sẽ hoàn thành đàm phán tái cơ cấu khoản nợ trước phiên điều trần ngày 20/3 tới
Evergrande kỳ vọng hoàn thành đàm phán tái cơ cấu nợ trước phiên tòa ngày 20/3 tới

Trong phiên điều trần vào tháng 11 năm ngoái, thẩm phán đã yêu cầu Evergrande đạt được một số tiến độ "cụ thể" trong quá trình sửa đổi khoản nợ và cung cấp báo cáo tiến độ 14 ngày trước phiên điều trần tiếp theo, tức ngày 6/3.

Bốn nguồn tin của Reuters cho biết các cuộc đàm phán với các trái chủ vẫn đang diễn ra. Ba trong số đó cho biết cuộc thảo luận mới nhất đang tập trung vào giá và tỷ lệ hoán đổi một số khoản nợ thành vốn chủ sở hữu của hai đơn vị niêm yết của Evergrande tại Hồng Kông.

Đồng thời, các nguồn tin cho biết thêm rằng kế hoạch hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu được Evergrande đề xuất như một phần cốt lõi trong kế hoạch tái cơ cấu của mình, nhưng các trái chủ đang muốn thúc đẩy các điều khoản tốt hơn cho mình.

Theo đó, Evergrande đã thực hiện "một số thỏa hiệp" với các trái chủ của mình, nhưng vẫn chưa đưa ra thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ phù hợp với kỳ vọng. Nguồn thông tin cho biết thêm rằng các trái chủ cũng đã thúc giục Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan bỏ thêm tiền của mình để trả nợ.

Vào tháng 7, Evergrande cho biết họ sẽ cung cấp các gói tài sản cho các chủ nợ ở ngoại quốc, có thể bao gồm cổ phần của hai đơn vị niêm yết ở nước ngoài. Công ty sau đó được cho là đang xem xét thêm tài sản trong nước như một cách tăng cường tín dụng bổ sung cho những người nắm giữ trái phiếu bằng đô la Mỹ với hi vọng giành được sự đồng thuận của các trái chủ nước ngoài vào kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ đề ra.

Doanh nghiệp bất động sản này đã gặp trực tiếp một số trái chủ nước ngoài tại Hồng Kông lần đầu tiên vào tháng 1 năm nay, sau khi họ bắt đầu đàm phán chính thức về các điều khoản tái cơ cấu khoản nợ trong một cuộc họp online trước đó vào tháng 12.

Có thể bạn quan tâm