Giá vàng và 3 lần "nhùng nhằng" trước đỉnh lịch sử

Sau 3 đợt nhùng nhằng trước đỉnh lịch sử, lần này giá vàng đã mạnh mẽ bứt phá. Thậm chí, giới chuyên gia còn dự báo rằng, vàng đã sẵn sàng cho cuộc tăng giá tiếp theo...

Giá vàng và 3 lần "nhùng nhằng" trước đỉnh lịch sử

Ghi nhận vào sáng 4/12, giá vàng lập kỷ lục ở ngày thứ hai liên tiếp, với giá giao ngay có thời điểm chạm mức 2.100 USD/ounce khi cơn sốt vàng thỏi toàn cầu dường như chưa hề hạ nhiệt. Giá sau đó đã giảm nhẹ xuống 2.085 USD.

Giá vàng đã liên tục đi lên trong hai tháng qua khi xung đột Israel-Palestine thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, thêm vào đó là sự nhen nhóm hy vọng về cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương thế giới. Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị do vị thế của nó là một kho lưu trữ giá trị.

Hiện nay, giá vàng đã vượt qua mốc đỉnh 2.089 USD/ounce được thiết lập vào tháng 8/2020. Vào thời điểm đó, sự ảnh hưởng của đại dịch là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy giá vàng trong năm 2020, khi gần như mọi hoạt động kinh tế đều bị đóng băng, khiến vàng trở thành kênh đầu tư an toàn nhất lúc đó, “vượt mặt” hầu hết các thị trường khác như chứng khoán, trái phiếu và hàng hóa.

Cân nhắc môi trường xung quanh, các nhà đầu tư xác định rằng việc mua vàng - vốn được coi là khoản đầu tư giữ giá trị theo thời gian - là điều tốt nhất họ có thể làm để bảo vệ mình khỏi lạm phát và sự suy yếu của cái gọi là tiền pháp định. Kết quả là, dòng tiền chảy vào đầu tư vàng đã tăng mạnh trong khoảng thời gian giữa năm 2020.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, dòng tiền vào vàng E.T.F. đã đạt kỷ lục ngay từ nửa đầu năm 2020, với khoảng 40 tỷ USD. Dòng vốn lớn nhất đến từ Mỹ, nơi có gần 30 tỷ USD tiền đầu tư đổ vào các quỹ vàng.

Kể từ tháng 8/2020 đến nay, giá vàng thế giới đã có 2 lần "nhùng nhằng" gần mức kỷ lục, ví dụ như tháng 1/3/2022 với mức cao nhất là 2.082 USD và 1/4/2023 là 2.080 USD nhưng đều sớm "bỏ cuộc".

Một mốc kỷ lục giá vàng khác trong lịch sử, thường được nhắc đến nhiều nhất, là khoảng thời gian tháng tháng 2/1980 khi vàng ghi nhận mức 850 USD/ounce.

Trên cơ sở đã điều chỉnh theo lạm phát, mức giá này tương đương với 2.800 USD vào năm 2020 và 3.452,40 USD/ounce ngày nay.

Trước đó, năm 1971 đánh dấu sự kết thúc của chế độ bản vị vàng và việc chuyển đổi giá vàng theo USD. Do đó, giá vàng không còn bị giới hạn. Nếu nhìn vào lịch sử, đây là khoảng thời gian có những mức tăng đáng kể. Từ 1971 đến 1980, giá vàng đã phi mã từ 35 USD lên đến 850 USD/ounce. Nguyên nhân chính được nhắc đến nhiều nhất cho diễn biến này là bất ổn địa chính trị, lạm phát cao, nguồn cung dầu khan hiếm, các chính sách tiền tệ và thâm hụt ngân sách ở các quốc gia lớn, nhất là tại Mỹ.

Các nhà phân tích tin rằng rất có khả năng giá vàng sẽ duy trì trên phạm vi 2.000 USD vào năm tới, do bất ổn địa chính trị, đồng USD yếu hơn và kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Heng Koon How, Trưởng phòng Chiến lược Thị trường, Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế Toàn cầu của UOB, nói với CNBC qua email: “Sự suy giảm được dự đoán của cả USD và lãi suất trong năm 2024 là động lực tích cực chính cho vàng". Ông Heng ước tính giá vàng có thể lên tới 2.200 USD vào cuối năm 2024.

Tương tự, một nhà phân tích khác đang lạc quan về triển vọng của vàng thỏi. Nicky Shiels, người đứng đầu chiến lược kim loại tại công ty kim loại quý MKS PAMP, nhận định: “Mặc dù các đòn bẩy của năm tới ít hơn so với 2011, nhưng giá hoàn toàn có khả năng vượt qua mức 2.100 hay thậm chí 2.200 USD/ounce”.

Theo dữ liệu của LSEG, vào 1/12, giá vàng đã chạm mức 2.075,09 USD, vượt qua mức cao kỷ lục trong ngày (intraday) là 2.072,5 USD vào 7/8/2020.

Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities, dự kiến giá vàng sẽ đạt trung bình 2.100 USD trong quý 2/2024, với hoạt động mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương đóng vai trò là chất xúc tác chính thúc đẩy giá cả. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới, 24% ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, do họ ngày càng bi quan về đồng USD như một tài sản dự trữ.

Ngoài ra, khả năng xoay trục chính sách của Fed vào năm 2024 cũng có thể được tính đến. Lãi suất thấp hơn có xu hướng làm suy yếu đồng USD, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua quốc tế, do đó thúc đẩy nhu cầu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…