Nhà sáng lập SoftBank Masayoshi Son thường nói rằng ông đầu tư với tầm nhìn 300 năm. Tuy nhiên, giờ đây, vị tỷ phú Nhật Bản lại cảm thấy “bồn chồn” về các sự kiện diễn ra trong 30 ngày tới.
Cụ thể là, vận mệnh của SoftBank chắc chắn sẽ thay đổi khi công ty thực hiện đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của nhà thiết kế chip nước Anh Arm Holdings với mức định giá lên tới 60 tỷ USD.
Rõ ràng, nếu thương vụ IPO “bom tấn” này thành công, Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) trị giá 100 tỷ USD của SoftBank sẽ có thể duy trì tốt trong 300 tuần tới, hay thậm chí là ba thế kỷ tới.
Nhưng có hai rủi ro lớn ở đây. Đầu tiên là mức định giá khổng lồ có vẻ mang tính khát vọng hơn là thực tế. Thứ hai là liệu đế chế tài chính của tỷ phú Masayoshi Son có thể ổn định được như những kỳ vọng ban đầu hay không.
Có nhiều lý do để cho rằng mức định giá từ 60 tỷ đến 70 tỷ USD là hơi cao. Những con số hấp dẫn này có thể khiến Arm trở thành công ty công nghệ ra mắt lớn nhất kể từ Alibaba Group và Facebook (Meta Platforms).
Không bàn tới những rắc rối mà Arm phải đối mặt trong quý gần nhất khi doanh số bán hàng giảm 11%, thì sự chậm lại trong nhu cầu điện thoại thông minh khiến hàng tồn kho hàng tăng cao khiến đây trở thành thời điểm đáng chú ý. Trong khi đó, Quỹ Tầm nhìn của SoftBank cũng đã lỗ hơn 30 tỷ USD chỉ riêng trong năm ngoái.
Vấn đề là làm thế nào để Arm phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Trường hợp định giá tăng đối với Arm nằm ở việc công ty dần trở thành trung tâm của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo, cũng là then chốt cho khả năng những “gã khổng lồ” công nghệ như Alphabet, Amazon hay Nvidia cung cấp chip tiết kiệm năng lượng. Sức mạnh tính toán khổng lồ mà AI yêu cầu có thể khiến công nghệ như vậy ngày càng trở nên quan trọng.
Trong khi các nhà đầu tư chờ đợi - và hy vọng - cho viễn cảnh tương lai đó, thì dòng doanh thu của Arm lại phụ thuộc rất nhiều vào giấy phép, tiền bản quyền và lĩnh vực điện thoại thông minh đang mất dần vị thế. Khách hàng lớn nhất của đơn vị này là Arm China, công ty đưa ra một số dấu hiệu gây hoang mang khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.
Điều thứ hai – liên quan đến tương lai của Quỹ Tầm nhìn – có thể lại chính là câu hỏi lớn nhất.
Qua nhiều năm, tỷ phú Masayoshi Son đã chứng tỏ mình là “một nhà ảo thuật” trong kinh doanh. Ván bài lớn đầu tiên của ông là giúp hình thành đế chế Alibaba của Jack Ma với khoản đầu tư 20 triệu USD vào năm 2000.
Khi Jack Ma đưa tập đoàn IPO vào năm 2014, cổ phần của SoftBank lên tới hơn 50 tỷ USD. Quỹ Tầm nhìn mà ông Masayoshi Son thành lập năm 2016 là một nỗ lực để thực hiện thành công đó thêm nhiều lần nữa.
Tuy nhiên, mọi thứ dường như không diễn ra theo kế hoạch. Kể từ 2017, Quỹ Tầm nhìn đã đầu tư ít nhất 140 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp.
Thông thường, ông nhà sáng lập SoftBank có xu hướng đầu tư vô cùng hào phóng cho những startup mà ông coi là tiềm năng nhưng sau cuộc khủng hoảng Covid-19, cuộc đàn áp công nghệ của Trung Quốc và đợt thắt chặt chính sách mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vô tình phá hủy những phép thuật của “nhà ảo thuật” Nhật Bản Masayoshi Son.
Một lý do khác khiến ông Son và Quỹ Tầm nhìn phải lao đao hơn cả là vụ cá cược tai hại vào WeWork. Rất nhiều người tin rằng là một nhà đầu tư kỳ cựu, ông Son chắc hẳn đã nhìn thấu những lời màu mè hoa mỹ của công ty khi họ tự nhận mình sẽ trở thành Apple hoặc Facebook tiếp theo. Nhưng tất nhiên là không phải như vậy. Chính Quỹ Tầm nhìn đã thừa nhận sai lầm khi đầu tư vào WeWork và bản thân công ty chia sẻ văn phòng cũng đã tuyên bố khó có thể tiếp tục hoạt động được nữa.
Vậy thương vụ Arm lần có phải là cơ hội để ông Masayoshi Son tái cơ cấu lại Quỹ Tầm nhìn và theo đuổi các thương vụ mới hay không?
Đội ngũ của SoftBank đã tận dụng năm ngoái để “làm sạch” bảng cân đối kế toán. Đầu tháng này, giám đốc tài chính Yoshimitsu Goto cho biết SoftBank đã tích lũy được lượng tiền mặt trị giá 42 tỷ USD.
Tuy nhiên, một đợt IPO bất ngờ của Arm, nếu thành hiện thực, sẽ chẳng có ý nghĩa gì về lâu dài nếu ông Masayoshi Son không điều chỉnh lại mô hình đầu tư của mình. Rải hàng tỷ USD khắp nơi với hy vọng “trúng mánh” không phải là cách để tạo ra lợi nhuận ổn định.
Đã lâu rồi các nhà đầu tư không còn gọi Masayoshi Son là “Warren Buffett của Nhật Bản”. Tương tự như vậy, đã lâu rồi giới kinh doanh mới nhận thấy sự hài hước ở Son khi nói rằng ông thích được biết đến với cái tên “gã điên đặt cược vào tương lai”.
Vấn đề là hiện nay vẫn chưa rõ tầm nhìn đầu tư thực sự của Masayoshi Son là gì. Đó là câu hỏi mà không một đợt IPO cụ thể nào có thể trả lời cho SoftBank hay các nhà đầu tư của họ.