Không chịu nổi áp lực công việc, CEO H&M xin từ chức

Trước kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng, CEO Helena Helmersson đã nộp đơn xin từ chức và nhường lại chiếc ghế điều hành cho một thành viên kỳ cựu của công ty, ông Daniel Ervér…

Không chịu nổi áp lực công việc, CEO H&M xin từ chức

Vào cuối ngày 31/1, H&M bất ngờ thông báo về sự thay đổi lãnh đạo công ty. Theo đó, ông Daniel Ervér sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành thay cho bà Helena Helmersson.

Bà Helena Helmersson, người xin từ chức sau 4 năm làm CEO của H&M cho biết: "Vai trò này rất khắt khe, mệt mỏi và tôi không còn đủ nghị lực để tiếp tục".

Như đã nêu, người được bổ nhiệm thay thế bà Helmersson cho vị trí CEO là ông Daniel Ervér, 42 tuổi. Vị này đã cống hiến tại H&M được 18 năm và gần đây nhất được thăng tiến lên vị trí đứng đầu mảng thời trang H&M cốt lõi của nhà bán lẻ này.

Sự thay đổi mới nhất trong ban lãnh đạo H&M diễn ra vào thời điểm hoạt động của nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển này tiếp tục tụt hậu so với các đối thủ.

Mặc dù là công ty thời trang nhanh đã niêm yết lớn thứ hai thế giới sau Inditex, nhưng H&M đang phải vật lộn để cạnh tranh các thương hiệu nước ngoài. Cả hai đối thủ lớn của H&M là Inditex và Shein đều có mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ hơn trong quý 4/2023.

Biên lợi nhuận hoạt động của H&M đã giảm từ mức 7,8% của quý 3 xuống còn 7,2% trong quý 4/2023. Trong khi đó, biên lợi nhuận hoạt động của Inditex là 20,3% trong khoảng thời gian 9 tháng tính đến cuối tháng 10. Doanh số bán hàng tăng 11,1% trong cùng thời gian đó.

Cổ phiếu của H&M sụt giảm hơn 12% trong phiên 31/1 sau khi công ty tiết lộ doanh số bán hàng trong tháng 12 và tháng 1 thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.

Đã có nhiều ý kiến nhận xét rằng đây là một dấu hiệu vô cùng đáng tiếc trong giai đoạn mua sắm kỳ nghỉ lễ, một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm.

H&M gần đây đã tập trung vào khả năng sinh lời hơn là doanh số bán hàng vì hãng đặt mục tiêu đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động 10% trong năm nay và cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa một số cửa hàng và cắt giảm lực lượng lao động.

Tính bằng nội tệ, doanh số bán hàng từ ngày 1/12 đến ngày 29/1, thời điểm bắt đầu quý tài chính đầu tiên, đã giảm 4%, trái ngược hoàn toàn so với mức tăng 5% vào cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng trong quý 4/2023 cũng giảm 4%, mức giảm lớn hơn hẳn so với dự đoán của thị trường.

Lợi nhuận hoạt động trong quý 4/2023 của H&M là 4,33 tỷ krona Thuỵ Điển (415,4 triệu USD), cao hơn so với kết quả của một năm trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức 4,57 tỷ mà các nhà phân tích đặt kỳ vọng trong cuộc thăm dò của LSEG.

Các nhà phân tích của JPMorgan lưu ý rằng kết quả này là thật đáng thất vọng và sự yếu kém trong lợi nhuận quý 4 của H&M đã làm hạ bớt độ uy tín của mục tiêu tỷ suất lợi nhuận 10%.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Reuters, tân CEO Daniel Erver vẫn khẳng định rằng: "Mục tiêu 10% về lợi nhuận vẫn được giữ nguyên, chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ để biến mục tiêu đó thành hiện thực”.

Karl-Johan Persson, Chủ tịch H&M và là cháu trai của người sáng lập Erling Persson đặt niềm tin vào việc công ty đang ở vị thế vững chắc với điều kiện tốt để cải thiện hơn nữa trong năm 2024.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…