Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,1% (chưa điều chỉnh) trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế. Đây là ước tính GDP lần thứ 3 cho giai đoạn tháng 4 - tháng 6 của Bộ Thương mại Mỹ.
Việc hạ tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng xuống 0,8% so với mức 1,7% báo cáo trước đó đã phần nào được bù đắp bằng sự điều chỉnh tăng đối với đầu tư kinh doanh vào các nhà máy, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy mục tiêu đưa sản xuất chất bán dẫn trở lại Mỹ.
Các báo cáo ngày 28/9 cũng cho thấy lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và điều kiện thị trường lao động thắt chặt tiếp tục diễn ra, với số lượng người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhẹ vào tuần trước.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, không bao gồm lương thực và năng lượng, ghi nhận mức tăng 3,7% trong quý 2.
Một số nhà kinh tế tin rằng sự bền bỉ của hoạt động kinh tế kết hợp với thực trạng lạm phát có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng “đám mây đen” đang bao phủ nền kinh tế sẽ ngăn Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
“Với tình hình Fed gần như liên tục tăng lãi suất, thật ấn tượng khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng với tốc độ này”, ông Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance nhận xét.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh gay gắt giữa các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ về chi tiêu công có thể dẫn đến việc chính phủ phải tạm thời đóng cửa, từ đó có khả năng làm mất đà tăng trưởng trong quý 4. Hàng trăm nghìn công chức liên bang có thể phải nghỉ việc tạm thời và một loạt dịch vụ, từ giám sát tài chính đến nghiên cứu y tế, sẽ bị đình chỉ nếu Quốc hội không cấp kinh phí cho năm tài chính mới bắt đầu vào ngày 1/10.
Goldman Sachs ước tính, việc đóng cửa chính phủ sẽ làm giảm mức tăng trưởng GDP trong quý 4 khoảng 0,15 điểm phần trăm cho mỗi tuần ngừng hoạt động.
Thêm vào tác động đối với nền kinh tế là cuộc đình công của Liên đoàn Công nhân Ô tô Thống nhất chống lại General Motors, Stellantis và Ford Motor, được cho là đã làm giảm sản lượng sản xuất xe cơ giới và tăng giá ô tô.
Cuộc đình công, hiện đã bước sang tuần thứ hai, đã có tác động lan tỏa đến chuỗi cung ứng.
Thị trường lao động dự kiến sẽ vẫn thắt chặt trong một thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ mức 3,5% trong tháng 7 lên 3,8% trong tháng 8. Một báo cáo thứ hai từ Bộ Lao động Mỹ hôm 28/9 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang đã tăng 2.000 lên mức 204.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 23/9. Nhìn chung, các yêu cầu trợ cấp trong tháng này vẫn ở mức thấp nhất trong phạm vi 194.000 - 265.000 cho năm 2023. Số đơn nhận được trợ cấp sau tuần viện trợ đầu tiên đã tăng 12.000 lên 1,67 triệu trong tuần kết thúc vào 16/9, báo cáo cho thấy.