Nền kinh tế Trung Quốc đã đứng trước nguy cơ suy thoái vào tháng 6, thúc đẩy thêm những lời kêu gọi chính phủ tung ra gói kích thích mạnh mẽ hơn để duy trì sự phục hồi đang chững lại của đất nước hậu đại dịch Covid-19.
Chỉ số giá tiêu dùng không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,2% so với tháng trước, trong khi giá xuất xưởng tại các nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2016 do nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng suy yếu.
Các nhà kinh tế của Nomura cho biết những chỉ số lạm phát mới này củng cố cho quan điểm của họ rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay.
Sự không chắc chắn đối với nền kinh tế có nghĩa là các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục gửi tiền tiết kiệm thay vì đi ra ngoài để chi tiêu, và các công ty vẫn cảnh giác với việc thực hiện các khoản đầu tư mới. Điều đó làm dấy lên nỗi ám ảnh về một vòng xoáy của giá cả và tiền lương giảm mà từ đó nền kinh tế có thể phải vật lộn để phục hồi.
“Chúng tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng bộ phận Trung Quốc đại lục tại ANZ Research lưu ý vào tuần trước.
Ông Yeung cho biết thêm, mặc dù GDP tăng 4,5% trong quý đầu tiên, nhưng mức tăng trưởng đó phần lớn phản ánh tác động của nhu cầu bị dồn nén sau ba năm hạn chế đại dịch. Nếu loại bỏ điều đó, tăng trưởng GDP sẽ chỉ là 2,6%.
PBOC đã cố gắng khuyến khích mọi người chi tiêu bằng cách tăng thanh khoản ngân hàng thông qua nhiều công cụ chính sách, chẳng hạn như nghiệp vụ thị trường mở và hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên người tiêu dùng hầu như không có phản ứng. Thay vì tiêu tiền, mọi người đang tích trữ tiền mặt với tốc độ kỷ lục. Theo các nhà phân tích, phần lớn các khoản cho vay mới của ngân hàng đã được chuyển đến các chính quyền địa phương, được sử dụng để trả các khoản nợ cao của họ.
Sự kết hợp bất thường giữa giá giảm và nguồn cung tiền chưa từng có trong nền kinh tế đã thúc đẩy các ý kiến về giảm phát.
Giảm phát được định nghĩa là sự suy giảm kéo dài và rộng rãi của mức giá chung đối với hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian. Điều đó có hại cho nền kinh tế bởi vì trong một môi trường như vậy, người tiêu dùng và các công ty có thể ngừng chi tiêu với dự đoán giá sẽ giảm hơn nữa, điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế.
Giảm phát đã từng gây khó khăn cho nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản trong hai thập kỷ trước và các quan chức của nước này chỉ mới thành công trong việc bắt đầu đảo ngược xu hướng gần đây.
“Để mô tả ngắn gọn tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, giảm phát đã bắt đầu và nền kinh tế đã rơi vào lãnh thổ suy thoái”, ông Liu Yuhui, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) phát biểu trong một cuộc họp báo.
Ông Liu cho biết thêm, các hộ gia đình Trung Quốc đang đối mặt với các khoản nợ nần chồng chất và không có khả năng hoặc không sẵn sàng chi tiêu. Các chính quyền địa phương, nơi tài chính bị suy giảm do sự kết hợp của cuộc khủng hoảng bất động sản và đại dịch, cũng đang vật lộn với những khoản nợ công. “Trung Quốc hiện tại là Mỹ của 15 năm trước và Nhật Bản 30 năm trước”, ông Liu nhấn mạnh.
Trong khi đó, một cựu cố vấn ngân hàng trung ương đã thúc giục Bắc Kinh cung cấp tiền mặt cho người tiêu dùng để kích thích nhu cầu – một biện pháp đã được nhiều nền kinh tế lớn, như Mỹ và Úc áp dụng. Ông Li Daokui, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, người từng phục vụ trong ủy ban cố vấn của PBOC, đã kêu gọi Bắc Kinh trao 500 tỷ nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) dưới dạng phiếu tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu trong thời gian còn lại của năm nay.
“Ngay cả với một ước tính thận trọng, 500 tỷ nhân dân tệ trong phiếu mua hàng tiêu dùng sẽ thúc đẩy một nghìn tỷ nhân dân tệ trong tổng mức tiêu thụ”, ông Li cho biết trong một video đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo. Đổi lại, chính phủ có thể nhận được ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ thông qua thuế do tăng chi tiêu, ông nói.
Về phần mình, PBOC đã bác bỏ những lời bàn tán về giảm phát và bảo vệ các chính sách hiện tại của mình. Ông Zou Lan, một quan chức của PBOC, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào tuần trước: “Khi các chính sách hỗ trợ tài chính có hiệu lực, nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến sẽ ấm lên và giá cả có thể sẽ quay trở lại mức trung bình của các năm trước trong nửa cuối năm nay.