Theo chia sẻ của nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, ông Chetan Ahya cho biết vào quý 4 năm nay, tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ vượt xa Mỹ và châu Âu khoảng 0,45 điểm phần trăm. Viện dẫn những lý do cho sự lạc quan của mình, ông Ahya lập luận rằng châu Á dự kiến sẽ mang lại tốc độ tăng trưởng lành mạnh hơn trong khi phương Tây tụt lại phía sau.
Ngoài ra, sự phục hồi trên diện rộng của Trung Quốc có thể diễn ra vào nửa cuối năm nay, trong khi ba nền kinh tế lớn của châu Á bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản cũng đang cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Lạm phát tại châu Á ở mức ổn định
Khi đề cập tới Mỹ và châu Âu, các nhà kinh tế tại Morgan Stanley không mong đợi sự tăng trưởng ở hai nền kinh tế này trước thực trạng lạm phát dai dẳng hiện nay.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã giảm xuống 4% trong tháng 5, cũng là tỷ lệ thấp nhất trong hai năm, sau khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm ngoái. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bỏ qua một đợt tăng lãi suất trong tuần này, vì cuộc chiến chống lạm phát cho thấy một số hứa hẹn. Vào tháng trước, Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp trong hơn một năm, đánh dấu một lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất mà Fed từng thực hiện kể từ những năm 1980.
Tương tự như vậy ở châu Âu, lạm phát ở khu vực đồng Euro đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chuẩn từ -0,5% của một năm trước lên 3,25% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008.
Trong khi đó, châu Á không gặp phải cú sốc lãi suất như Mỹ và châu Âu, phần lớn là vì tình hình lạm phát của châu Á được duy trì phạm vi ổn định hơn.
“Vấn đề lạm phát của châu Á không nghiêm trọng như những nơi khác. Và chúng tôi nghĩ rằng lạm phát của châu Á đã qua đỉnh điểm. Khi chúng ta bước vào tháng 9 [hoặc] tháng 10, 80% các quốc gia trong khu vực sẽ chứng kiến lạm phát quay trở lại vùng an toàn theo tiêu chí của các ngân hàng trung ương”, nhà kinh tế Chetan Ahya nhận định.
Khác với các nền kinh tế lớn ở phương Tây, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á bao gồm Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Indonesia và Singapore đã thực hiện cắt giảm lãi suất.
Dự báo lạc quan của ông Chetan Ahya tương ứng với một số quan điểm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực năng động, bất chấp các thách thức đối với nền kinh tế thế giới. IMF dự đoán châu Á sẽ đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay khi tốc độ mở rộng của khu vực tăng từ 3,8% lên 4,6%.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kỳ vọng các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng vượt trội hơn so với ước tính, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong các hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng khu vực này không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngân hàng toàn cầu.
Tiềm năng tại các nền kinh tế lớn trong khu vực
Một động lực khác cho tăng trưởng của châu Á là sự phục hồi dự kiến của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
“Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của Trung Quốc sẽ mở rộng trong nửa cuối năm nay”, ông Chetan Ahya cho biết, đồng thời dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ở mức 5,7% vào năm 2023 so với mức 3% của năm ngoái.
Song song với đó, tiềm năng phục hồi tiêu dùng ở Trung Quốc được đánh giá là đang đi đúng hướng, chắc chắn cũng sẽ mang lại tác động lan tỏa tích cực đến các quốc gia khác trong khu vực.
Dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 0,2% so với một năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,6%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của giới chuyên gia, trong khoảng ba tháng tới, thị trường Trung Quốc sẽ chứng kiến mức chi tiêu tốt.
Morgan Stanley cũng đang kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ công bố nhiều biện pháp kích thích hơn dưới hình thức nới lỏng chính sách trong lĩnh vực bất động sản, cũng như cung cấp chương trình tài trợ cơ sở hạ tầng trị giá khoảng một nghìn tỷ USD.
Hỗ trợ tốc độ tăng trưởng chung của toàn khu vực châu Á còn phải kể đến Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản nhờ chu kỳ phục hồi nhu cầu nội địa của riêng họ. “Ấn Độ cũng đã thực hiện cải cách cơ cấu trong 5 năm qua... nhằm thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp và khôi phục đầu tư tư nhân”, ông Chetan Ahya lưu ý và kỳ vọng rằng mức tăng trưởng của Ấn Độ sẽ đạt 6,5% vào năm 2023, cao hơn hẳn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 5,9% vào năm 2023.
Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng Nhật Bản đang ở điểm thuận lợi khi không gặp các vấn đề lạm phát nghiêm trọng như Mỹ và Châu Âu. Ông Chetan Ahta tin rằng đây là điều tạo ra một môi trường thuận lợi cho cỗ máy kinh tế hoạt động.
Đối với Indonesia, nhà kinh tế học cũng cho biết việc quốc gia này thực hiện các chính sách vĩ mô chính thống cũng đã làm giảm lạm phát về mặt cấu trúc, đồng thời còn bởi cam kết của chính phủ nhằm giữ thâm hụt ngân sách dưới 3%. Lời hứa này đã giúp duy trì tỷ lệ nợ công trên GDP của Indonesia đang ở mức thấp nhất trong số các thị trường mới nổi, dưới 40%.