Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô Trung Quốc vượt mặt Mỹ về doanh số bán hàng

Theo báo cáo từ Jato Dynamics, các thương hiệu Trung Quốc đã bán được 13,4 triệu xe mới vào năm 2023, trong khi các “đối thủ” ở Mỹ chỉ bán được khoảng 11,9 triệu chiếc…

Những lô xe điện đang chờ xuất khẩu tại cảng Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc
Những lô xe điện đang chờ xuất khẩu tại cảng Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc

Trong một báo cáo mới được công bố từ đơn vị nghiên cứu Jato Dynamics cho thấy, các công ty ô tô Trung Quốc đã có một năm 2023 với nhiều thành công đáng chú ý, lần đầu tiên vượt qua các đối thủ Mỹ về doanh số bán hàng. Kết quả này được đánh giá là nhờ sự tăng trưởng của BYD và chiến lược mở rộng tại các thị trường mới nổi.

Cụ thể, dữ liệu chỉ ra rằng các thương hiệu Trung Quốc, dẫn đầu là BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, đã bán được 13,4 triệu xe mới vào năm 2023, trong khi các thương hiệu Mỹ chỉ bán được khoảng 11,9 triệu xe. Nhật Bản vẫn dẫn đầu thế giới với doanh số 23,59 triệu chiếc.

Theo Jato Dynamics, cứ 5 chiếc xe mới được bán ra trên toàn cầu vào năm ngoái thì có 1 chiếc đến từ Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo, tăng trưởng doanh số bán hàng của Trung Quốc đang vượt xa Mỹ, tăng 23% so với năm trước so với mức 9% của Mỹ.

“Có lẽ sự chủ quan của các nhà sản xuất ô tô Mỹ truyền thống khiến giá luôn ở mức cao đã vô tình thúc đẩy người tiêu dùng hướng tới các lựa chọn thay thế giá cả phải chăng hơn của Trung Quốc”, nhà phân tích cấp cao Felipe Munoz của Jato nhận xét trong báo cáo.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, giống như thương hiệu hàng đầu BYD, đã mở rộng quy mô ra toàn cầu khi cuộc chiến giá xe điện nội địa đã đẩy giá xe xuống thấp và đè nặng lên tỷ suất lợi nhuận.

Đáng chú ý, ngành ô tô Trung Quốc đã ghi nhận những thành công đáng kể tại các nền kinh tế mới nổi. “Hơn 17,5 triệu ô tô mới đã được bán ở các nền kinh tế mới nổi vào năm 2023. Con số này cao hơn tổng doanh số bán hàng ở Mỹ hoặc Châu Âu trong năm”, Felipe Munoz cho biết.

Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã giành được thị phần khá lớn trên khắp Trung Đông, Âu Á và Châu Phi, đồng thời đạt mức tăng trưởng mạnh ở cả Châu Mỹ Latin và Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu Trung Quốc cũng đang gây được sự chú ý tại một số nền kinh tế phát triển ở Châu Âu, cũng như Australia, New Zealand và Israel.

Các động lực tăng trưởng diễn ra bất chấp tình hình thương mại căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, bên cạnh đó là nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như xung đột ở Châu Âu, lãi suất cao và giá xe trung bình cao hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những trở ngại thương mại lớn trong năm nay, khi ngày càng có nhiều quốc gia ban hành các biện pháp nhằm bảo vệ ngành công nghiệp địa phương khỏi hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc.

Tuần này, EU tuyên bố tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc lên tới 38%. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ chủ động tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là có kế hoạch công bố mức thuế bổ sung 40% đối với xe từ Trung Quốc, báo hiệu rằng một số thị trường mới nổi khác cũng có thể làm theo.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…