Theo chia sẻ của phát ngôn viên Uỷ ban Châu Âu Olof Gill, nhà sản xuất ô tô Mỹ Tesla đã đưa ra yêu cầu về việc điều chỉnh mức thuế tương xứng đối với các phương tiện xe điện của Tesla được nhập khẩu từ Trung Quốc sang Châu Âu.
Trên thực tế, nhà máy ở Thượng Hải đã được CEO Tesla chỉ định làm trung tâm sản xuất xe điện xuất khẩu chính của Tesla, không chỉ phục vụ cho thị trường tỷ dân mà cả các thị trường nước ngoài khác, trong đó có bao gồm Châu Âu. Hiện tại, mặc dù công ty đang lắp ráp dòng xe thể thao đa dụng Model Y của mình ở Đức, nhưng họ xuất khẩu các mẫu Sedan Model 3 từ nhà máy ở Trung Quốc sang EU.
Có một số ý kiến cho rằng các công ty khác tại Trung Quốc có thể yêu cầu một cuộc điều tra như vậy vào cuối năm nay để tránh mức thuế bổ sung 21% bên cạnh mức thuế hiện có là 10%.
Vào đầu tuần này, Uỷ ban Châu Âu đã thông báo tới Bắc Kinh về kế hoạch bổ sung thêm thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Quyết định của EU diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài 9 tháng về cáo buộc trợ cấp không công bằng của nhà nước Trung Quốc đối với xe điện chạy pin (BEV).
Trên thực tế, quyết định này có nghĩa là cả thương hiệu nội địa và nước ngoài vận hành nhà máy ở Trung Quốc đều sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ: Tesla và BMW sẽ phải chịu mức thuế trung bình 21%, Volvo, Polestar và Geely Holding của Trung Quốc là 20%, trong khi SAIC sẽ phải chịu mức thuế cao nhất là 38,1%.
Điều đáng chú ý là hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, lại nhận được tỷ lệ thuế thấp nhất trong nhóm (17,4%).
Theo thông tin được biết, các biện pháp thuế quan mới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ 5/7 nếu Trung Quốc không đưa ra được các giải pháp thuyết phục và có hiệu quả để khắc phục tình trạng bất công trên toàn ngành.
“Quyết định của EU dựa trên bằng chứng rõ ràng thu thập được từ cuộc điều tra sâu rộng của chúng tôi và hoàn toàn tôn trọng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Giờ đây chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền Trung Quốc và tất cả các bên liên quan nhằm hoàn tất cuộc điều tra này. Mục tiêu của EU là khôi phục lại sân chơi bình đẳng và đảm bảo rằng thị trường châu Âu vẫn mở cửa cho các nhà sản xuất xe điện từ Trung Quốc, miễn là họ tuân thủ các quy tắc thương mại đã được thống nhất trên toàn cầu”, ông Valdis Dombrovskis, Phó điều hành của Ủy ban - Chủ tịch phụ trách thương mại EU cho biết trong một tuyên bố.
Động thái này ngay lập tức dẫn đến một làn sóng phản đối gay gắt từ Bắc Kinh. Trong một tuyên bố phản hồi, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cuộc điều tra của EU là một hành động bảo hộ trắng trợn, phóng đại một cách sai lệch sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc và sẽ làm suy yếu nỗ lực đạt được sự trung lập về khí hậu vào năm 2050 của khối.
“Ủy ban Châu Âu một tay giương cao ngọn cờ phát triển xanh, nhưng mặt khác giơ ra cây gậy “chủ nghĩa bảo hộ”, chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế và thương mại. Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Theo Eurostat, doanh số bán xe BEV do Trung Quốc sản xuất đã tăng với tốc độ chóng mặt: từ 57.000 chiếc mới được bán vào năm 2020 lên hơn 437.000 chiếc vào năm 2023, bao gồm các mẫu xe của các hãng phương Tây như BMW, Renault và Tesla. Trong cùng thời gian, giá trị của các giao dịch này đã tăng từ 631 triệu Euro lên 9,66 tỷ Euro.
Một nghiên cứu của Tổ chức Giao thông và Môi trường EU (T&E) chỉ ra rằng thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trên thị trường BEV của EU đã tăng vọt từ 0,4% vào năm 2019 lên 7,9% vào năm 2023 và có thể vượt qua 20% vào năm 2027 nếu xu hướng này tiếp tục.