Tình trạng sương mù và khói bụi dày đặc đã bao trùm thành phố Delhi của Ấn Độ và các khu vực lân cận, khiến chỉ số chất lượng không khí tăng vọt lên mức cao nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và làm gián đoạn cuộc sống công cộng.
Cho đến nay, các quan chức chính phủ quốc gia này buộc phải ban hành yêu cầu đóng cửa trường học, hạn chế sử dụng các phương tiện gây ô nhiễm, tạm dừng hoạt động xây dựng và cho phép một số cơ quan, doanh nghiệp được làm việc từ xa.
Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí Ấn Độ cũng đã khuyến cáo Delhi và các thành phố lân cận trong vùng thủ đô quốc gia cấm hoạt động xây dựng và cho phép một số công chức làm việc từ xa.
Ông Vinai Kumar Saxena, Phó Thống đốc bang Delhi phải thốt lên rằng: “Tình hình ô nhiễm không khí trong thành phố là vô cùng đáng lo ngại”.
Chất lượng không khí tốt hoặc đạt yêu cầu tương ứng với chỉ số nằm trong khoảng từ 0 đến 100. Chỉ số chất lượng không khí ở Delhi hôm 6/11 là khoảng 450, vượt quá 3 lần mức độ trung bình, theo Ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ. Thậm chí ở một số nơi, chỉ số này đã đạt tới mốc 800.
Phó Thống đốc bang Delhi kêu gọi mọi người ở trong nhà và hủy bỏ các buổi tụ tập lớn. Bởi việc tiếp xúc trong thời gian dài với không khí có chỉ số chất lượng trên 300 sẽ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp cũng như nguy hiểm cho sức khỏe về sau.
Sương mù và khói bụi độc hại là hiện tượng thường niên ở Delhi. Tình trạng này thường trở nên tồi tệ hơn vào đầu mùa đông khi không khí lạnh tràn về và di chuyển chậm hơn, từ đó giữ lại các hạt gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các vụ đốt rừng ở quanh khu vực nông nghiệp lân cận khiến ô nhiễm lên đến đỉnh điểm ở Delhi từ ngày 1 đến ngày 15/11, theo Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Delhi. Hơn nữa, việc sử dụng pháo hoa trong Diwali, lễ hội ánh sáng hàng năm của người Hindu sẽ diễn ra vào ngày 12/11 năm nay, cũng sẽ làm tình trạng tồi tệ thêm.
Bộ trưởng Bộ Môi trường bang Delhi Gopal Rai mới đây đã đưa thông báo về việc bắt đầu từ ngày 13/11, toàn bộ khu vực sẽ thực hiện “quy tắc chẵn-lẻ” trong một tuần. Quy định này yêu cầu các phương tiện có biển số lẻ chỉ được phép lái xe vào ngày lẻ và biển số chẵn chỉ được tham gia giao thông vào ngày chẵn.
Quy tắc này lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2016 để giảm tắc nghẽn đường bộ và hạn chế ô nhiễm. Kể từ đó đến nay, quy tắc đã được tái áp dụng rất nhiều lần ở Ấn Độ.