Lợi nhuận công nghiệp quý 1 của Trung Quốc giảm sâu hơn dự kiến

Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc giảm đáng kể so với dự kiến, cho thấy lĩnh vực sản xuất của nước này đang phải vật lộn để phục hồi…
lợi nhuận công nghiệp

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc mới đây cho thấy lợi nhuận công nghiệp của quốc gia tỷ dân đã giảm 21,4% trong 3 tháng tính đến 31/3. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với kỳ vọng về mức 12% và trái ngược hoàn toàn với mức tăng 8,5% được thấy trong cùng kỳ năm ngoái.

Riêng hai tháng đầu năm, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã giảm gần 23% - mức giảm tồi tệ nhất kể từ giữa năm 2020, thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19. 

Dữ liệu chỉ ra rằng hoạt động sản xuất của Trung Quốc - vốn thường đóng vai trò là đầu tàu cho nền kinh tế - vẫn chưa thể phục hồi lại như trước đại dịch. Bởi, nhu cầu trong và ngoài nước bị thu hẹp đang là trở ngại lớn đối với ngành này trong năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện kinh tế đang xấu đi tại các thị trường lớn nhất của Trung Quốc.

Cụ thể, sự sụt giảm lợi nhuận trong ngành ô tô là lực cản chính đối với lợi nhuận trong năm nay, nguyên do bởi cuộc chiến giá cả trong lĩnh vực xe điện, cũng như doanh số bán ô tô suy yếu. 

Sự chậm lại của xu hướng đầu tư bất động sản - vốn là nguồn lực cho nhu cầu vật liệu và thiết bị xây dựng - cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận công nghiệp, do lĩnh vực bất động sản chiếm gần 1/4 nền kinh tế của đất nước.

Tình trạng “hụt hơi” trong lĩnh vực công nghiệp ngày càng làm nổi bật lên xu hướng phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi nhu cầu về dịch vụ và du lịch trở lại mạnh mẽ sau khi các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ, thì lĩnh vực sản xuất phần lớn lại chưa thể chạm tới kỳ vọng. 

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng 4,5% trong ba tháng đầu năm, chủ yếu nhờ sự phục hồi trong tiêu dùng. Nhưng các nhà phân tích nghi ngờ về việc liệu động lực này có thể tiếp tục được duy trì hay không, nhất là khi lĩnh vực sản xuất đang gặp nhiều khó khăn.

Ở một diễn biến kinh tế khác, thị trường việc làm của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức, nhất là ở nhóm lao động trẻ. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát của Trung Quốc là 5,3% trong tháng 3, nhưng đối với độ tuổi 16-24 là 19,6%, gần mức cao kỷ lục.

Trước diễn biến đáng lo ngại này, chính phủ Trung Quốc đã công bố các kế hoạch thúc đẩy việc làm, bao gồm hỗ trợ các tổ chức tài chính cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và công ty thuê sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc thanh niên thất nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra khoảng 12 triệu việc làm ở thành thị vào năm 2023, cao hơn so với mục tiêu 11 triệu của năm ngoái.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Lửa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã lan đến Phố Tàu New York

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lửa lan tới "Phố Tàu" New York

Tuần trước, một gói bánh gạo tại cửa hàng tạp hóa Sun Vin trên phố Mulberry ở khu phố Tàu của New York có giá 4,99 USD. Nhưng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều. Hiện tại, loại bánh quy này có mức giá mới: 6,99 USD...

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc, tự xưng là đơn vị sản xuất cho hàng loạt thương hiệu xa xỉ, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng “trả đũa” trên TikTok khi chào bán các sản phẩm “dupe” giá rẻ như một phản ứng trước thuế quan của Mỹ đối với quốc gia này…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Từ Apple và Boeing đến Nike và Starbucks và cả Tesla đều đang trở thành nạn nhân trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Trung Quốc có những quyết định cứng rắn với hoạt động của các ông lớn này tại thị trường quan trọng nhất của họ...