LVMH vẫn lạc quan về tiêu dùng xa xỉ ở Trung Quốc

Trung Quốc, nơi báo cáo sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19, đang được ngành công nghiệp xa xỉ theo dõi chặt chẽ trong quý đầu tiên này.
LVMH vẫn lạc quan về tiêu dùng xa xỉ ở Trung Quốc

Với nhiều thành phố ban bố các biện pháp lockdown và hạn chế xã hội khác nhau, bao gồm cả Thượng Hải và Bắc Kinh, tình hình tại Trung Quốc đã có tác động lớn đến doanh số bán hàng của tập đoàn Pháp trong thời gian qua. Tuy nhiên, các giám đốc của tập đoàn vẫn rất lạc quan về thị trường tỷ dân này. 

Trung Quốc đại lục là thị trường quan trọng thứ hai của LVMH sau Hoa Kỳ.

Bộ phận hàng đầu của “gã khổng lồ hàng xa xỉ” đã báo cáo doanh thu 9,12 tỷ euro trong quý đầu tiên, tăng 35% so với quý 1/ 2022, đặc biệt là nhờ 2 thương hiệu Louis Vuitton và Dior. 

Về mặt địa lý, công ty đã ghi nhận mức tăng 8% ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản trong ba tháng đầu năm. Đối với bộ phận thời trang và phụ kiện da cao cấp, xu hướng này là trên 10%, như được nhắc tới bởi Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony trong một cuộc họp video với các nhà phân tích. Khu vực châu Âu tăng khoảng 50% và Hoa Kỳ tăng 30%. 

"Tình hình ở Trung Quốc đang thay đổi khá nhanh. Điều gì đúng hôm nay có thể không đúng vào ngày mai. Rõ ràng là chúng tôi đang bị hạn chế ở một số thành phố, chẳng hạn như Thượng Hải và ở mức độ thấp hơn là Thâm Quyến. Mặc dù một số thành phố không bị hạn chế, nhưng giao thông gặp khó khăn vì mọi người đi du lịch và di chuyển ít hơn bình thường. Tất nhiên, điều này rõ ràng có gây ra một số ảnh hưởng - vốn là điều mà chúng ta đã chứng kiến khá thường xuyên trong 2 năm đại dịch vừa qua“, ông nói. "Các nhà chức trách Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trên quy mô lớn để ngăn chặn đại dịch trong thời gian rất ngắn. Đối với Thượng Hải, có vẻ như việc lockdown đã được nới lỏng khá nhanh chóng", ông nói tiếp, đề cập đến một yếu tố quan trọng khác, một bài học rút kinh nghiệm từ năm 2020.

"Bất chấp tác động ngắn hạn, tình trạng hạn chế không làm giảm nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ của người tiêu dùng. Một khi các vấn đề được giải quyết, chúng tôi sẽ thấy khách hàng quay trở lại các cửa hàng như trước thời gian đại dịch. Chúng tôi có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi không lo ngại về hậu quả trung và dài hạn của tình huống này. Chúng tôi rất tự tin.” 

Trung Quốc đang dần trở thành thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ hàng đầu thế giới

LVMH hiện có mặt tại 20 đến 25 thành phố cấp 1 và 2 của Trung Quốc với các cửa hàng flagship của các thương hiệu hàng đầu, và tiếp tục có kế hoạch mở rộng dần dần trên lãnh thổ khu vực. 

thượng hải

Tuy nhiên, mục tiêu không phải là bao phủ tất cả các thành phố lớn. “Điều đó thật không thể tưởng tượng nổi vì Trung Quốc là một quốc gia có diện tích rất lớn,” vị giám đốc điều hành LVMH nhấn mạnh. Bên cạnh đó, hình thức phân phối trực tuyến là cực kỳ quan trọng ở Trung Quốc và có thể bù đắp cho sự vắng mặt của các cửa hàng thực.

Ông Guiony một lần nữa nhắc tới thỏa thuận vừa được ký bởi Bulgari và Tmall - nền tảng bán hàng cao cấp của gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba. "Đây sẽ là hình thức cửa hàng trong cửa hàng thực sự đầu tiên do Bulgari điều hành và kiểm soát hoàn toàn, về phân loại, thanh toán cũng như dữ liệu. Chúng tôi coi đây là một thành tựu lớn. Nó sẽ cho phép chúng tôi có sự hiện diện đáng kể tại Tmall , trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc phân phối của tập đoàn.”

Cuối cùng, đối với kế hoạch được gọi là chính sách "thịnh vượng chung" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2021 nhằm giảm thiểu khoảng cách bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, đồng thời khuyến khích phân phối lại của cải, nó dường như không có bất kỳ tác động nào đến lĩnh vực xa xỉ, và đặc biệt là trên các nhãn hiệu LVMH.

“Tác động duy nhất mà chúng tôi gặp phải ở Trung Quốc là liên quan đến đại dịch,” ông Guiony kết luận. 

Có thể bạn quan tâm