Theo Good Housekeeping, việc đầu tiên là hãy mua một đôi giày tốt từ những thương hiệu có tiếng. Chúng được đóng với kỹ thuật chuẩn xác, gót vững chắc, giúp bạn tránh được tối đa việc đau mỏi, trẹo chân khi di chuyển.
Bạn nên đến cửa hàng thử trực tiếp để chọn ra đôi giày đúng cỡ và phù hợp dáng chân. Dù cùng đi một size, bàn chân có bề rộng hay dày khác nhau sẽ dẫn tới lựa chọn khác nhau. Bạn sẽ chỉ nhận ra điều này khi thử lên chân trực tiếp. Nếu không quen mang giày cao gót, bạn nên chọn giày mũi bo tròn để tạo thoải mái cho đầu ngón chân, phần gót nên làm từ da mềm để tránh bị xước da khi cọ xát.
Rắc một ít phấn rôm vào lòng giày góp phần làm giảm độ ma sát giữa chân và giày, từ đó giúp chân đỡ đau hơn. Ngoài ra, phấn có tác dụng khử mùi hôi chân hiệu quả.
Gót giày nhọn có thể gây khó khăn với những người không quen. Bạn nên chọn giày đế to, tạo nên điểm tựa vững chắc, từ đó bớt dồn sức vào mũi chân, hạn chế cảm giác đau, mỏi.
Những đôi giày mới dễ khiến chân bị xước vì còn cứng. Để hạn chế, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm khắp bàn chân, giúp da mềm mại và bớt cọ xát với giày.
Bạn có thể học tập Công nương Kate Middleton bằng cách dùng miếng lót giày silicon. Hiện nhiều nơi bán sản phẩm này, hãy chọn mua ở cửa hàng uy tín để tìm được miếng lót mềm.
Để hạn chế tình trạng phồng rộp da, bạn có thể dán băng cứu thương lên các ngón chân và gót chân - những chỗ tiếp xúc và chịu áp lực nhiều nhất khi mang giày cao gót.
Ngoài giày gót to, bạn còn có thể chọn mẫu cao gót có quai ôm cổ chân. Chiếc quai hỗ trợ đắc lực, giúp chân được vững hơn, từ đó giảm áp lực cho bàn chân.
Tư thế đi, đứng cũng ảnh hưởng đến xương bàn chân. Nếu bạn dồn hết trọng lượng lên mũi chân, một thời gian xương chân có thể biến dạng và gây đau nhức. Tư thế đúng khi mang giày cao gót là giữ ngực và xương chậu hướng ra phía trước, đầu ngẩng cao, tiếp đất bằng gót chân trước rồi mới hạ mũi chân để bước đi. Khi đó, trọng tâm cơ thể sẽ được phân bố đều, giảm đau chân.