Theo báo cáo mới nhất từ Morgan Stanley, "người Hàn Quốc là những khách hàng chi nhiều tiền nhất trên thế giới cho hàng xa xỉ (tính theo đầu người), cho dù đó là những chiếc túi Prada bằng da bê hay chiếc áo khoác Burberry biểu tượng".
Ngân hàng ước tính, tổng chi tiêu của Hàn Quốc cho hàng xa xỉ cá nhân đã tăng 24% vào năm 2022 lên 16,8 tỷ USD, tương đương khoảng 325 USD/người. Con số này được cho là cao hơn nhiều so với mức chi tiêu tương ứng là 55 USD và 280 USD bình quân đầu người của công dân Trung Quốc và Mỹ.
Các thương hiệu cao cấp cũng ghi nhận doanh số bán hàng tăng mạnh tại Hàn Quốc trong thời gian qua.
Thương hiệu Moncler cho biết doanh thu của họ tại Hàn Quốc thậm chí còn “tăng hơn gấp đôi” trong quý 2/2022 so với trước thời gian đại dịch. Tập đoàn Richemont, chủ sở hữu Cartier, cho biết Hàn Quốc là một trong những khu vực có doanh số bán hàng tăng hai con số vào năm 2022.
Trong khi Prada cho biết thời gian lockdown ở Trung Quốc đã làm giảm 7% hiệu suất bán lẻ năm 2022, thì hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc và Đông Nam Á đã phần nào bù lại được doanh thu đã mất.
Động lực thúc đẩy tiêu dùng hàng hiệu tại Hàn Quốc
Các nhà phân tích của Morgan Stanley giải thích nhu cầu về hàng xa xỉ của người mua Hàn Quốc được thúc đẩy bởi cả sự gia tăng sức mua cũng như mong muốn thể hiện địa vị xã hội.
Báo cáo cho biết: “Ngoại hình và thành công về tài chính có thể gây được tiếng vang lớn hơn tại Hàn Quốc so với hầu hết các quốc gia khác.”
Sự phô trương của cải cũng được chấp nhận dễ dàng hơn trong xã hội Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy chỉ 22% người Hàn Quốc coi việc khoe hàng xa xỉ là không hay, so với 45% người Nhật Bản và 38% người Trung Quốc.
Nhu cầu về đồ xa xỉ cũng được hỗ trợ bởi sự gia tăng tài sản hộ gia đình. Dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc cho thấy giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình nước này đã tăng 11% vào năm 2021. Khoảng 76% tài sản hộ gia đình ở Hàn Quốc là bất động sản, đã tăng cao đáng kể kể từ năm 2020.
Ngân hàng đầu tư cũng lưu ý rằng những nhà mốt sang trọng của thế giới đều đã và đang khai thác các biểu tượng của Hàn Quốc để tận dụng tầm ảnh hưởng của xu hướng hallyu và tiếp tục đẩy mạnh nhu cầu. “Phần lớn những ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc đều là đại sứ/gương mặt thương hiệu của những nhà mốt sang trọng hàng đầu,” báo cáo chỉ ra mối quan hệ giữa Fendi và nam diễn viên Lee Min-Ho hay Chanel và rapper G-Dragon.
Thị trường Trung Quốc và tiềm năng chưa được khai thác
Tuy nhiên, Morgan Stanley cho biết thị trường xa xỉ đang phát triển mạnh mẽ của Hàn Quốc là một “bản mẫu lý tưởng” cho tương lai của thị trường Trung Quốc mở rộng. Các nhà phân tích cho biết hai quốc gia đều có những điểm tương đồng trong xu hướng sử dụng các mặt hàng xa xỉ để thể hiện địa vị trong xã hội.
Hiện tại, chi tiêu bình quân đầu người hàng năm của Hàn Quốc cho hàng xa xỉ vẫn cao hơn sáu lần so với chi tiêu của người Trung Quốc.
Trên toàn cầu, McKinsey dự báo thị trường xa xỉ sẽ tăng trưởng từ 5% đến 10% vào năm 2023, nhờ nhu cầu từ Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, công ty tư vấn kinh tế hàng đầu thế giới Bain & Company cảnh báo việc sử dụng các số liệu bình quân đầu người trong khía cạnh tiêu thụ hàng xa xỉ.
Bà Weiwei Xing, đối tác tại Bain & Co nói với CNBC: “Hàng xa xỉ, theo đúng định nghĩa, không phải là một sản phẩm dành cho thị trường đại chúng. Tôi sẽ đề xuất chia tỷ lệ tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ theo số lượng dân số thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, đây sẽ là thước đo có ý nghĩa hơn để phản ánh thái độ và mức tiêu dùng đối với hàng xa xỉ,” bà Weiwei Xing đưa ra lưu ý.