"Chiến lược tăng trưởng xanh", nhắm mục tiêu đến ngành công nghiệp ô tô và hydro, được coi là một kế hoạch hành động theo cam kết của Thủ tướng Yoshihide Suga trong việc loại bỏ khí thải carbon trên cơ sở ròng vào giữa thế kỷ này.
Thủ tướng Suga đã coi đầu tư xanh là ưu tiên hàng đầu để giúp vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đưa Nhật Bản vào hàng ngũ các quốc gia có mục tiêu giảm phát thải carbon xuống bằng 0.
Yukari Takamura, giáo sư tại Đại học Tokyo, cho biết: “Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để đạt được một môi trường ít carbon vào năm 2050. Việc đưa ra các mục tiêu và định hướng chính sách rõ ràng trong chiến lược tăng trưởng xanh sẽ tạo động lực cho các công ty đầu tư vào công nghệ trong tương lai.”
Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các công ty, với mục tiêu 90 nghìn tỷ yên (870 tỷ USD) để tăng trưởng kinh tế bổ sung thông qua đầu tư xanh vào năm 2030 và 190 nghìn tỷ yên (1,8 nghìn tỷ USD) vào năm 2050.
Bên cạnh đó, một quỹ hỗ trợ xanh trị giá 2 nghìn tỷ yên sẽ được thành lập để đầu tư riêng vào lĩnh vực công nghệ xanh.
Trước mắt, kế hoạch của Nhật Bản trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh là tập trung tìm cách thay thế các loại xe chạy xăng bằng xe điện, xe hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu vào giữa năm 2030. Để đẩy nhanh sự phổ biến của xe điện, chính phủ cũng đặt mục tiêu cắt giảm hơn một nửa chi phí pin xe xuống còn 10.000 yên/kilowatt giờ vào năm 2030.
Nhật Bản cũng đặt mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ hydro lên 3 triệu tấn vào năm 2030 và khoảng 20 triệu tấn vào năm 2050, so với mức 200 tấn của năm 2017, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất điện và vận tải.
Chiến lược còn đề cập tới 14 ngành công nghiệp, chẳng hạn như gió ngoài khơi và nhiên liệu amoniac - đặt mục tiêu lắp đặt năng lượng gió ngoài khơi lên tới 45 gigawatt (GW) vào năm 2040. Nhật Bản tuyên bố sẽ nỗ lực để tận dụng năng lượng tái tạo “càng nhiều càng tốt” vào năm 2050, chủ yếu thông qua các trang trại gió ngoài khơi, với mục tiêu tham chiếu là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 50% - 60% điện năng của quốc gia vào năm 2050, tăng từ mức dưới 20% như hiện tại, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
Nguồn: Reuters